Cắt lỗ chứng khoán không phải nộp thuế thu nhập cá nhân?

Thảo Thu

(Dân trí) - Bộ Tài chính đang xem xét ý kiến đề xuất việc bán chứng khoán lỗ nhưng vẫn phải đóng thuế 0,1% là chưa hợp lý và cần điều chỉnh để chỉ thu thuế khi có lãi.

Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách nhằm xây dựng Luật Thuế Thu nhập cá nhân mới, Bộ Tài chính nhận định rằng quy định áp dụng thuế suất 0,1% trên giá bán từng lần giao dịch, dù có lãi hay lỗ đã nhận phản ánh từ nhiều nhà đầu tư. Họ đề xuất chỉ thu thuế trên thu nhập thực tế sau khi trừ giá vốn và các chi phí liên quan.

Theo quy định hiện hành, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán chịu thuế 0,1% trên giá bán mỗi lần giao dịch.

Ví dụ, nếu nhà đầu tư bán chứng khoán thu về 100 triệu đồng, họ phải nộp 100.000 đồng tiền thuế, bất kể giao dịch đó lãi hay lỗ.

Bộ Tài chính cho rằng phương pháp này giúp đơn giản hóa việc quản lý, minh bạch chính sách và giảm chi phí tuân thủ cho cả cơ quan thuế lẫn người nộp thuế. Trước đây, cơ quan thuế từng áp dụng phương pháp tính 20% trên thu nhập ròng (giá bán trừ giá mua và chi phí liên quan).

Tuy nhiên, trường hợp không xác định được giá vốn và chi phí liên quan, nhà đầu tư buộc phải áp dụng thuế suất 0,1% trên giá bán từng lần.

Hiện tại, quy định yêu cầu nhà đầu tư đóng thuế ngay sau mỗi giao dịch, không gộp chung để quyết toán cuối năm. Điều này đồng nghĩa với việc càng giao dịch nhiều, Nhà nước càng thu được nhiều thuế, bất kể nhà đầu tư có lãi hay không.

Cắt lỗ chứng khoán không phải nộp thuế thu nhập cá nhân? - 1

Bán chứng khoán lỗ vẫn đóng thuế 0,1% là chưa phù hợp và cần xác định lại có lãi mới phải nộp (Ảnh: IT).

Bộ Tài chính đánh giá rằng chính sách thuế thu nhập cá nhân đã phát huy vai trò điều tiết, phân phối lại thu nhập và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Tuy nhiên, cần cải cách để hệ thống thuế đồng bộ hơn, khắc phục những bất cập hiện tại.

Trong quá trình xây dựng Luật Thuế Thu nhập cá nhân mới, Bộ Tài chính đặt mục tiêu thiết kế chính sách phù hợp với hoạt động kinh doanh cá nhân, khuyến khích làm giàu chính đáng và đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập. Đồng thời, luật cần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tiệm cận thông lệ quốc tế.