Mới thông xe, cầu Tăng Long ở TPHCM bị hằn lún, nứt bê tông
(Dân trí) - Sau khi thông xe, mặt đường dẫn lên cầu Tăng Long (TP Thủ Đức) xuất hiện hằn lún cục bộ và nứt bê tông tại một số vị trí. Chủ đầu tư cho biết, sự cố này không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Những ngày qua, nhiều người lái xe qua cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai, hướng từ đường Lò Lu đến đường D2, TP Thủ Đức (TPHCM), tỏ ra lo lắng khi mặt đường dẫn lên cầu xuất hiện tình trạng lún, dù công trình mới đưa vào khai thác hơn 2 tháng.
Nguyên nhân sụt lún đường dẫn cầu
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, một đoạn mặt đường dẫn lên cầu dài khoảng 10m có dấu hiệu bị lún, rạn nứt, chỗ sâu nhất gần 10cm. Rãnh lún tạo bề mặt gồ ghề khiến người đi đường thường xuyên rà phanh, lái xe chậm để tránh mất thăng bằng.
Mặc dù tuyến đường có lưu lượng phương tiện lớn, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành khắc phục, khiến người dân thêm phần lo ngại.
"Tôi mong cơ quan chức năng sớm kiểm tra nguyên nhân lún, có biện pháp xử lý. Mặt cầu như vậy mà để xe chạy ban đêm thì nguy hiểm", ông Nguyễn Thành (43 tuổi, ngụ địa phương) chia sẻ.

Vị trí hằn lún trên đường dẫn lên cầu Tăng Long (Ảnh: Xuân Đoàn).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Tăng Long được thiết kế gồm hai đơn nguyên: đơn nguyên trái phục vụ phương tiện lưu thông trên đường Lã Xuân Oai theo hướng Lò Lu đến D2; đơn nguyên phải dành cho hướng lưu thông ngược lại.
Để vừa thi công vừa đảm bảo giao thông qua cầu, dự án được chia làm 3 giai đoạn: Thi công đơn nguyên trái và đưa vào khai thác tạm; thi công đơn nguyên phải, đồng thời theo dõi, quan trắc đơn nguyên trái; hoàn thiện đơn nguyên phải, nghiệm thu và thông xe toàn bộ công trình.
Hiện đơn nguyên trái đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng tạm thời để tiếp tục thi công đơn nguyên phải. Trong thời gian này, đơn nguyên trái vẫn được quan trắc, theo dõi nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng công trình.
Đơn nguyên trái cầu Tăng Long có chiều dài 231m, đường dẫn hai đầu dài 559m. Mặt cắt ngang cầu rộng 11m, bao gồm 2 làn xe (7m), dải an toàn, lề bộ hành và gờ phân cách.
Tình trạng hằn lún và nứt bê tông tại một số vị trí mặt đường thuộc đầu cầu phía mố A1T của đơn nguyên trái.
Cụ thể, tại khu vực lý trình Km0+130 đến Km0+165, xuất hiện đoạn hằn lún cục bộ rộng 1,4m, dài 35m (tổng diện tích khoảng 49m2), cách dải phân cách khoảng 1,2m. Ngoài ra, tại vị trí khe co giãn giữa gờ chắn lan can của tường chắn và gờ chắn đường đầu cầu cũng xuất hiện vết nứt dọc theo khe.

Một nhánh cầu Tăng Long vừa được đưa vào khai thác ngày 28/2, nhánh còn lại dự kiến khánh thành dịp Tết Nguyên đán 2026 (Ảnh: Xuân Đoàn).
Theo đơn vị quản lý, nguyên nhân hằn lún là do đặc thù thi công từng phần của công trình. Trong giai đoạn đầu, chỉ có thể thi công tường chắn phía bên trái đường dẫn vào cầu; phía bên phải cầu, chờ thi công đơn nguyên phải mới có thể hoàn thiện.
Tạm thời, khu vực chưa hoàn thiện được gia cố bằng rọ đá hoặc cấp phối đá dăm tùy theo độ cao nền đường. Khi hoàn thành cả hai đơn nguyên và kết nối đồng bộ, kết cấu đường dẫn sẽ ổn định hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình khai thác tạm, tải trọng xe đã khiến nền đá cấp phối bị dịch chuyển về phía taluy phải, gây ra hằn lún cục bộ. Phía làn đường có tường chắn bê tông (bên trái) không ghi nhận hiện tượng tương tự.
Đối với vết nứt bê tông, đơn vị chuyên môn xác định đây là vết nứt cục bộ tại mặt ngoài khe co giãn, hình thành do lớp bê tông dày khoảng 3cm bị co ngót, nguyên nhân từ việc ghép ván khuôn không kín. Vết nứt không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình.
Khắc phục xong trước 20/5
Đại diện Ban Giao thông cho biết, đối với khu vực hằn lún cục bộ, đơn vị thi công sẽ gia cố vai đường bằng cách đổ đá dăm, lu lèn để tăng độ ổn định. Tại mặt đường, lớp bê tông nhựa bị hằn lún sẽ được cào bóc, kiểm tra nền đá cấp phối bên dưới, bù lại phần đá bị xô lệch và thảm lại bằng bê tông nhựa.
Như đã nêu, khi hoàn thành thi công đơn nguyên phải và tường chắn bê tông bên phải đường dẫn, kết cấu nền đường sẽ ổn định hơn, hạn chế phát sinh hằn lún. Trong thời gian thi công đơn nguyên phải, khu vực đường dẫn thuộc đơn nguyên trái vẫn tiếp tục được theo dõi, quan trắc và xử lý kịp thời nếu phát sinh sự cố.

Mặt cầu Tăng Long vẫn đầy cát sau khi được thông xe (Ảnh: Xuân Đoàn).
Đối với vết nứt bê tông, đơn vị thi công sẽ cắt thẳng hai mép bê tông của khe co giãn, loại bỏ phần bê tông thừa và xử lý lại bề mặt để đảm bảo thẩm mỹ công trình. Công tác sửa chữa dự kiến được triển khai và hoàn thành trước ngày 20/5.
Trong suốt quá trình thi công đơn nguyên phải và chuẩn bị nghiệm thu toàn bộ công trình, Ban Giao thông sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công để tăng cường quan trắc, theo dõi hiện trạng và khắc phục kịp thời mọi vấn đề phát sinh. Mục tiêu là đảm bảo an toàn giao thông, chất lượng công trình và hoàn thành, thông xe chính thức cầu Tăng Long trước Tết Nguyên đán năm 2026.
"Mặc dù có hiện tượng hằn lún, nứt bê tông, công trình không bị ảnh hưởng đến chất lượng và đã được dự báo trong quá trình quan trắc, Ban Giao thông vẫn yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát khẩn trương khắc phục và sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra trong thời gian tới", vị này nói.