Nhìn lại hơn 10 năm kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Chất lượng giáo dục đại học ở ta như thế nào là câu hỏi các bậc phụ huynh, học sinh quan tâm, trăn trở trước mỗi kỳ thi. Nhất là trong bối cảnh nhiều cơ quan, doanh nghiệp than phiền khi tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp, đều phải mất công đào tạo lại tốn khá nhiều thời gian và chi phí.
Muốn biết chất lượng giáo dục đại học như thế nào có nhiều cách đánh giá, trong đó quan trọng nhất chính là công tác kiểm định.
Kể từ năm 2012, khi Luật Giáo dục đại học được ban hành cùng với các quy định về kiểm định chất lượng giáo dục đại học, tới nay Việt Nam đã có 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước (cả công và tư) cùng một số tổ chức nước ngoài như FIBAA, AQAS và ASIIN và AUN-QA… Những đơn vị này thực hiện việc kiểm định và cấp chứng nhận cho các đại học.
Cả nước hiện có 330 cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm. Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đến ngày 31/10/2023, khoảng hơn 200 cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục; trên 120 cơ sở còn lại chưa kiểm định hoặc chưa được công nhận đạt chuẩn.
Ngoài việc kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục, còn có kiểm định chất lượng của các chương trình giáo dục đại học. Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng, khoảng 2/3 các chương trình được các đơn vị trong nước kiểm định, số còn lại kiểm định bởi các đơn vị nước ngoài.
Theo quy định, cứ 5 năm là một chu kỳ kiểm định. Các trường muốn đạt chuẩn thì phải lo liên tục duy trì chất lượng để sẵn sàng cho chu kỳ kiểm định tiếp theo. Chi phí cho kiểm định một chương trình đại học khoảng 300-400 triệu đồng một lần.
Trước hết, có thể nói việc triển khai kiểm định chất lượng giáo dục đại học là xu hướng phổ biến trên thế giới, và thực tế ở nước ta cho thấy công tác này đã có những tác động tích cực, góp phần thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Các đại học, cao đẳng muốn đạt chất lượng đó thì phải nỗ lực để đáp ứng các tiêu chí, từ cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình giảng dạy, dịch vụ cho sinh viên, quy trình quản lý… Và từ đó dẫn tới đầu ra của trường với bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp có việc làm, mức lương trung bình thế nào, và bao nhiêu giảng viên có các công trình nghiên cứu, bài báo khoa học, các phát minh sáng chế, các ứng dụng đưa vào thực tiễn cuộc sống? Đây là những bài toán khó của các đại học, cao đẳng, nhưng rõ ràng khi đáp ứng được các điều kiện theo yêu cầu thì sẽ nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Về phía đơn vị thực hiện kiểm định, nhiều chuyên gia đã đề cập đến những tồn tại, bất cập như việc kiểm định chương trình đào tạo với thành viên chưa phải là chuyên gia của ngành đào tạo đó, hay một người có thể tham gia kiểm định nhiều chương trình đào tạo không thuộc chuyên môn của mình, như liệu có đảm bảo độ tin cậy, trung thực của quá trình kiểm định?
Trong thực tế, dù đã có kiểm định, nhiều khi người học rất khó biết chất lượng cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo là "tròn" hay "méo". Có những đại học tìm cách nâng cao sự đánh giá từ bên ngoài bằng cách tham gia vào một số bảng xếp hạng đại học quốc tế. Tuy nhiên đó chỉ là thành tích ảo. Xếp hạng của những trường này có thể tăng nhờ họ báo cáo đạt một số chỉ tiêu, nhưng nghịch lý là tuyển sinh trong nước rất khó khăn, đầu vào yếu kém vì chất lượng giáo dục bị học sinh, phụ huynh đánh giá không ổn.
Từ đó có thể thấy trên thực tế, bài toán chất lượng đại học nói chung ở ta còn nhiều nan giải và nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho một số học sinh, sinh viên nếu có điều kiện sẽ tìm cách đi du học ở nước ngoài. Còn nếu học trong nước, các em chủ yếu tập trung vào những trường công có danh tiếng lâu năm, được coi là nhóm dẫn đầu trong tuyển sinh đại học.
Công tác kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện từ 2012 tới nay không thể nói là còn mới mẻ, và thiết nghĩ hơn 10 năm là một chặng đường cần được tổng kết, rà soát và tìm kiếm các giải pháp để khắc phục khó khăn, bất cập nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm định. Ở đây có một số kinh nghiệm của các quốc gia đi trước về chất lượng giáo dục đại học cũng như công tác kiểm định mà chúng ta nên tham khảo.
Nhìn chung các quốc gia phát triển thường yêu cầu bắt buộc kiểm định giáo dục với các cơ sở đại học, cao đẳng công. Còn với các cơ sở đại học và cao đẳng tư thì họ khuyến khích kiểm định để được công nhận chất lượng. Các nước này chia công tác kiểm định thành các loại kiểm định vùng, kiểm định quốc gia với cơ sở đại học và sau đó là kiểm định từng chuyên ngành.
Với các chương trình chuyên ngành trong từng đại học, cao đẳng thì họ sẽ dùng đầu ra để quản. Ví dụ tại Mỹ, sinh viên tốt nghiệp các trường kỹ sư mà không đạt kiểm định của ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology Inc.), một tổ chức phi chính phủ chuyên về đánh giá tiêu chuẩn của các chương trình giáo dục về "khoa học ứng dụng, máy tính, kỹ sư, công nghệ", thì sẽ rất khó tìm được việc làm.
Các nhà tuyển dụng ghi rõ trong yêu cầu tuyển dụng của họ là chỉ tuyển những người đã học các trường có chương trình đã được ABET công nhận.
Tương tự, các bác sĩ sẽ được tuyển dụng khi tốt nghiệp các trường Y khoa tại Mỹ đã đạt chứng nhận của ACGME ( Accreditation Council for Graduate Medical Education), cơ quan chịu trách nhiệm công nhận tất cả các chương trình đào tạo sau đại học về y khoa cho các bác sĩ tại Mỹ. Đây là một hội đồng tư nhân phi lợi nhuận đánh giá và công nhận các chương trình nội trú và thực tập y tế ở Mỹ. Những hiệp hội chuyên ngành này có rất nhiều cho từng ngành chuyên biệt ở Mỹ, và họ có đủ uy tín cũng như thẩm quyền và nhân sự kiểm định giúp cho chương trình đào tạo của các đại học đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!