Nhiều thoáng ta "giận run người" ở nhân gian
"Tôi giận run cả người vì không hiểu nhà trường biên soạn chương trình thế nào, giáo viên trình độ chuyên môn ra sao mà lại có thể lựa chọn một tác phẩm với những ngôn từ đồi trụy, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm như vậy để dạy cho học sinh"- Người mẹ ngoài 40 tuổi viết thế khi con chị được nhà trường phát cho đọc cuốn "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" của Ocean Vuong.
Cái giận run người của một người mẹ này xuất phát từ nỗi lo thường trực của hàng triệu cha mẹ Việt. Hơn 20 năm trước, khi báo tôi mở mục Sức Khỏe Giới Tính, nhiều cha mẹ mua báo cho con đã thẳng tay xé bỏ trang này trước khi đưa báo cho con đọc. Bởi những di tinh, mộng tinh, kinh nguyệt… dù đã được chúng tôi "uyển ngữ" sang "đèn dầu" (dương vật), "núi đôi" (bầu ngực), "nguyệt san" (kinh nguyệt)… thì vẫn là thứ đồi trụy, nhớp nhúa với nhiều phụ huynh. Tình dục luôn là điều cấm kỵ. Nhất là đoạn trích trong cuốn sách lại nói về tình dục đồng giới, khi mà nhiều cha mẹ vẫn còn mời thầy cúng, đem con đi "chữa bệnh" nếu con họ thuộc giới tính thứ 3. Tôi thấu hiểu và không ngạc nhiên với cái giận run người ấy.
Tôi cũng đồng tình trong việc đã đến lúc chúng ta gắn nhãn giới hạn độ tuổi không chỉ trong phim ảnh chiếu rạp mà còn trong cả những ấn phẩm sách báo. Mở rộng ra là cả mạng xã hội, các phương tiện truyền thông. Câu chuyện về cuốn sách "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" tạo ra cuộc tranh cãi cũng là một chỉ dấu tích cực. Tôi nghĩ nó không nên chỉ dừng lại ở việc "định tuổi đọc" ở tác phẩm này hay chỉ xoay quanh việc thế nào là nội dung đồi trụy. Thậm chí cả việc trường Quốc Tế nhưng dạy người Việt ở Việt Nam thì phải tuân thủ và phù hợp văn hóa Việt Nam. Thứ tôi nghĩ chúng ta cần mở rộng và bàn tiếp nên là việc giải quyết với "cái giận run người" này của các cha mẹ. Thay vì chờ đến ngày mọi thứ đều được ai đó "dán nhãn" cho ta, thay vì chờ ai đó giúp ta giáo dục con mình để rồi lại "giận run người" thêm nhiều lần nữa. Cha mẹ ạ, vất vả phết đấy!
Tôi nghĩ nếu tôi là người mẹ nọ, thay vì tôi "giận run người" và quẳng cái giận đó lên mạng xã hội để kêu gọi các cha mẹ khác giận cùng, run người cùng, chúng ta còn nhiều cách khác tốt hơn. Là tốt cho con mình hơn. Việc chúng ta lên tiếng, bày tỏ quan điểm cá nhân, chỉ là một cách. Giống như việc chúng ta mua sách giáo dục giới tính rồi đưa con, bảo con đọc vậy. Nó là một cách nhưng không mấy hiệu quả với con mình. Thậm chí là khiến con "đóng cửa" với cha mẹ. Như nhiều trường hợp cha mẹ dùng mạng xã hội lên tiếng khi con bị bạn bè cô lập, chỉ trích nhà trường để xảy ra việc con họ bị bạn bè tẩy chay. Hay những cuốn sách giáo dục giới tính thảy cho con đọc mà con đọc qua quýt thậm chí chẳng buồn đọc vậy.
Tôi nghĩ nếu tôi là người mẹ nọ, tôi sẽ trò chuyện với con mình trước nhất. Con nghĩ sao về cuốn sách này? Mẹ (bố) thấy có một đoạn khá nhạy cảm, con thấy thế nào? Mỗi đứa trẻ đều có cách nghĩ, cách hiểu rất khác nhau về cùng một vấn đề với những đứa trẻ khác. Học làm cha mẹ vốn không phải học cách làm cha của người này, học cách làm mẹ của người khác, học kiểu mẹ Nhật, mẹ Mỹ, mẹ Pháp, mẹ Phần Lan… Học làm cha mẹ là học làm cha mẹ của con mình, thằng Bách, cái My, cái Nguyên. Mỗi đứa trẻ dù là anh chị em ruột cũng có cách nghĩ khác nhau, cách hiểu khác nhau về cùng một vấn đề, cùng một câu hỏi. Hiểu con cái luôn là thứ thế hệ cha mẹ chúng ta xa lạ nhưng nó là điều cha mẹ thời nay phải nhớ, phải biết, phải làm. Bởi lũ trẻ của hôm nay "lớn" hơn lũ trẻ hôm qua, "lớn" hơn chúng ta khi bằng tuổi của chúng. Những đứa trẻ tiếp xúc với thế giới lớn hơn, rộng hơn, xa hơn thế giới của chúng ta ngày bé.
Tôi không dám đưa ra lời khuyên. Nhưng tôi nghĩ nếu tôi là người mẹ nọ, tôi sẽ biến việc này thành một cơ hội để trò chuyện với con mình. Khi mà chỉ 1 năm nữa thôi, đứa con của tôi sẽ sang tuổi 18, phải tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của nó thay vì sống trong hàng rào mà tôi đã dựng ra suốt những tháng năm bé bỏng của nó. Lũ trẻ của chúng ta, làm sao chúng ta có thể dựng hàng rào kẽm gai bảo vệ nó suốt cuộc đời được kia chứ? Sẽ đến lúc chúng phải bước ra khỏi vòng cương tỏa đó để sống cuộc đời của chúng. Nỗi lo lắng của những người làm cha, làm mẹ có thể theo cha mẹ suốt cả cuộc đời nhưng để giúp con thì nỗi lo lắng đó thật ra chẳng có ích gì. Nỗi lo lắng không giúp con chúng ta, thậm chí còn khiến chúng cảm thấy bị nhốt giữ, khiến ta sống mãi trong sự sợ hãi. Trò chuyện với con là cách tốt hơn. Có khi trò chuyện với con xong cha mẹ lại gỡ bỏ được đi bao lo lắng.
Cuối cùng, cuộc tranh cãi về cuốn sách "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" sẽ chẳng ra kết quả đúng sai nào đâu nếu như nó cũng chỉ là một phen run người của những người cha, người mẹ bảo vệ con mình chỉ bằng những nỗi lo, chỉ bằng những cái giận run người.
Tôi đồng ý với cách tiếp cận rằng, vấn đề ở đây không phải là giá trị văn học của tác phẩm, mà là trang viết đó có phù hợp với học sinh lớp 11 hay không? Vì vậy xin đừng quy kết tác phẩm. Xin hãy bảo vệ con bằng việc ta hiểu con mình đến đâu, lắng nghe con, trò chuyện cùng con. Đứa trẻ nào cũng sẽ trưởng thành khi cha mẹ thôi làm "viên cai ngục", người bảo vệ khó tính. Xin hãy trở thành người đồng hành cùng con!
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!