Du lịch Việt Nam thiếu vắng "sức mạnh kể chuyện"?
Trong những năm qua tôi có nhiều dịp đi thăm một số vùng nông thôn ở Hàn Quốc, và mỗi chuyến đi đều để lại ấn tượng khó quên.
Một trong số đó là chuyến đi đến thành phố Pocheon, huyện Cheorwon và huyện Yeoncheon tỉnh Gangwon, ba địa phương nằm cạnh vĩ tuyến 38 chia cắt bán đảo Triều Tiên.
Ở ba địa phương trên có một cánh đồng dung nham chạy dọc theo dòng sông Hanta, được cho hình thành từ xa xưa từ sự phun trào núi lửa Orisan. Cách người Hàn Quốc khai thác du lịch cánh đồng dung nham này rất bài bản, trong đó ưu tiên ổn định đời sống người dân địa phương rồi mới tính đến thu hút du khách.
Ở huyện Cheorwon, cánh đồng dung nham cung cấp dinh dưỡng cho đất nông nghiệp của địa phương, song cũng tạo ra địa hình trắc trở gây khó khăn về cung cấp nước, ảnh hưởng đến tập quán canh tác của nông dân.
Những vách đá thẳng đứng, muôn vạn hình thù ở Cheorwon có thể làm mãn nhãn du khách, nhưng lại tạo ra địa hình hút toàn bộ nước sản xuất nông nghiệp xuống phía dưới, trong khi ruộng vườn của người dân phía trên.
Trong nhiều thập kỷ, huyện Cheorwon tập trung nguồn lực xây dựng hồ chứa nước, xây dựng nhà kính thông minh phát triển nông nghiệp bền vững. Nhờ đó, họ làm ra thứ gạo Odae chất lượng ngon, giá cao khi xuất khẩu đi Nhật và trở thành sản phẩm chủ lực của nông nghiệp địa phương.
Khi sản xuất nông nghiệp đã ổn, huyện Cheorwon mới hợp sức với thành phố Pocheon và huyện Yeoncheon đề cử Unesco công nhận cánh đồng dung nham trở thành công viên địa chất toàn cầu. Sau đó ba địa phương chia nhau khai thác du lịch từ di sản thiên nhiên theo từng chủ đề riêng, không giẫm chân nhau.
Trước và sau dịch Covid, trung bình mỗi năm công viên địa chất nêu trên đón hàng chục triệu du khách đến thăm. Bất cứ ai đến đây cũng được nghe kể những câu chuyện rất hấp dẫn, sinh động về sự hình thành cánh đồng dung nham, về giống gạo ngon Odae… Mỗi địa phương tự chọn một câu chuyện điển hình, gắn với quá trình phát triển của địa phương mình để truyền đạt tới du khách bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm cả áp dụng công nghệ hiện đại, sử dụng hình ảnh thực tế ảo trong viện bảo tàng đặt ở mỗi địa phương.
Hạ tầng ở khu du lịch được đầu tư đồng bộ với cầu dẫn, đường mòn ven núi và đều tuân thủ quy tắc không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, đồng thời giúp du khách có những trải nghiệm thú vị nhất về quá trình hình thành địa chất của địa phương. Tôi nhận thấy rằng sản phẩm du lịch của thành phố Pocheon, huyện Cheorwon và huyện Yeoncheon không những không trùng lắp mà còn kéo được du khách tự nguyện đi từ địa phương này qua địa phương khác để trải nghiệm.
Từ cánh đồng dung nham ở Hàn Quốc, tôi không khỏi nghĩ đến cao nguyên đá Đồng Văn ở tỉnh Hà Giang nước ta. Nằm trải dài trên 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc và có hơn 70% diện tích đá vôi lộ diện, cao nguyên đá Đồng Văn là sự kết hợp ngoạn mục và độc đáo giữa những hẻm vực sâu và đỉnh núi cao vút hùng vĩ. Chúng ta cũng đã đón danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho cao nguyên đá Đồng Văn, nhưng nếu hỏi tôi có câu chuyện nào thật độc đáo về Đồng Văn để kể lại cho những người bạn nước ngoài thì tôi không thể nhớ ra ngay. Thử tìm hiểu thông tin về cao nguyên Đồng Văn trên mạng, tôi chỉ thấy bàn nhiều về việc thu phí như thế nào cho hợp lý ở các điểm tham quan.
Nếu xét về hạ tầng giao thông thì có thể chúng ta chưa bằng Hàn Quốc, nhưng về sản vật nông nghiệp (gạo ngon, trái cây….), về cảnh quan thiên nhiên tôi nghĩ rằng chúng ta không thua kém, nếu không muốn nói là có phần hơn nước bạn. Nhưng điều chúng ta còn thua kém là ở cách kể câu chuyện của mình cho du khách, sao cho chạm tới cảm xúc và khiến du khách không chỉ trầm trồ về phong cảnh mà còn trở nên mến yêu văn hóa, con người địa phương.
Tôi nhận thấy vấn đề trên rõ ràng hơn khi đến thăm cánh đồng muối Taepyeong ở huyện Sinan, tỉnh Jeollanam-do (Hàn Quốc). Quy mô và hoạt động cánh đồng này khó mà so sánh được với cánh đồng muối của huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu nước ta. Hơn nữa, hoạt động sản xuất muối ở Taepyeong bị hạn chế vì yếu tố thời tiết và tập quán canh tác nên sản lượng không được nhiều. Nhưng câu chuyện hạt muối và giá trị ẩn bên trong hạt muối của họ thì "độ mặn mòi" hơn hẳn chúng ta.
Để giới thiệu đồng muối của diêm dân, người Hàn Quốc cho xây dựng một bảo tàng muối bên cạnh cánh đồng, và dành hẳn một không gian trải nghiệm cho du khách liền kề bảo tàng.
Trước khi chạm tay vào muối, du khách được nghe kể về tầm quan trọng của hạt muối đối với đời sống và lịch sử địa phương. Hình ảnh một bào thai được đặt ở vị trí đầu tiên của viện bảo tàng muối gây tò mò với du khách. Họ giải thích, nước chứa trong cuống bào thai của một đứa trẻ có cùng nồng độ muối của nước biển. Nước biển là nơi khởi nguồn của vạn vật nên muối là khởi nguồn của sự sống. Thời xa xưa, người Hàn Quốc dùng muối để thưởng cho người có công nhằm khẳng định giá trị to lớn của hạt muối. Ngày nay, sản phẩm muối của họ rất đa dạng tùy theo mỗi địa phương. Từ những hũ muối dùng để ăn với thịt bò đến muối sử dụng để đánh răng, để trong nhà tắm.v.v…
Các chuyên gia truyền thông đã đúc kết rằng, sự thu hút, hấp dẫn của một di sản, một sản phẩm không chỉ nằm ở bản thân di sản hay sản phẩm đó, mà nhiều khi được quyết định bởi nghệ thuật kể chuyện. Vì vậy ở khắp nơi trên thế giới người ta đều nỗ lực đúc kết, kể câu chuyện của họ sao cho thật tự nhiên, thật ấn tượng để thuyết phục người khác. Bạn có làm hay đến mức nào đi nữa, nhưng nếu bạn không biết cách kể chuyện thì những thứ bạn tạo ra sẽ không được nâng tầm giá trị.
Khi nghe người bạn Hàn Quốc ở trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Cheorwon kể về cánh đồng dung nham của huyện này, tôi nhớ về cánh đồng nước ở Tháp Mười quê mình. Biết bao câu chuyện về cây lúa, về dòng nước phù sa… đã mang lại sự sống cho hàng triệu người dân qua nhiều thế hệ. Nhưng câu chuyện nào được ghi lại, được đưa vào chuyện kể chính thức cho du khách? Ngày nay các sản vật nông nghiệp ở miền Tây dù rất phong phú, dù rất chất lượng, chúng ta có giống gạo ngon nhất thế giới, song lại thiếu vắng những câu chuyện cụ thể và hấp dẫn.
Vậy nên, ở đâu ta cũng thấy cũng sản phẩm từ cây lúa, cây xoài và con cá tựa nhau. Thiếu vắng những câu chuyện, những điều tạo cảm xúc nên nhiều du khách chưa đủ "áp phê" để móc hầu bao ra mua sắm.
Trong thời đại thông tin, chỉ trong một giờ có hàng tỷ thông tin được tạo ra trên hạ tầng mạng xã hội và phương tiện truyền thông. Để kể câu chuyện của địa phương mình, qua đó truyền thông, quảng bá và tạo sự khác biệt thì cần có những nghiên cứu bài bản từ dữ liệu đầu vào và kế hoạch triển khai đồng bộ.
Những câu chuyện có điểm khác biệt, thú vị, chạm được vào cảm xúc của du khách là điều mà chúng ta đang thiếu vắng, điều mà chúng ta cần làm tốt hơn trong bối cảnh cạnh tranh điểm đến gay gắt hiện nay.
Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!