Hơn 50 năm cống hiến cho bóng đá Việt Nam của "thầy Chung"
Rồi điều gì phải đến cũng đến, huấn luyện viên (HLV) Mai Đức Chung - tức "thầy Chung", như cách gọi đầy thân thương của các nữ cầu thủ và đông đảo người hâm mộ cả nước bấy lâu nay - sẽ chính thức chia tay đội tuyển vào cuối năm. Nhiều người đã lập tức lo ngại: Rồi HLV tiếp theo sẽ kế thừa "di sản" khổng lồ mà ông để lại như thế nào?
Một tên tuổi lớn, nhân cách lớn, nhưng rất đỗi bình dị
Giai đoạn những năm 70 của thế kỷ trước, tiền đạo lừng danh Mai Đức Chung của đội Tổng cục Đường sắt đã được đông đảo người hâm mộ yêu mến bởi lối đá đầy thanh thoát và mang màu sắc hiện đại, chạy nhanh, sút và đánh đầu rất lợi hại, ít khi rê dắt lắt nhắt làm chậm nhịp độ tấn công. Nổi tiếng trong màu áo Tổng cục Đường sắt, nhưng cái "nickname" của ông lại gắn với đội bóng đầu tiên từng thi đấu - Chung "xe ca" (đội Xí nghiệp xe ca Hà Nội).
Ngày 7/11/1976, một trận đấu mang ý nghĩa lịch sử được tổ chức tại sân Thống Nhất (TPHCM) - cuộc "hội ngộ Nam - Bắc một nhà" của bóng đá đỉnh cao Việt Nam giữa Cảng Sài Gòn với Tổng cục Đường sắt trước sự chứng kiến của hơn 30.000 khán giả. Và trong trận cầu đầu tiên giữa bóng đá hai miền ấy, tiền đạo Mai Đức Chung đã nổi bật trên sân, khi không chỉ gây rất nhiều khó khăn cho đội chủ nhà (bao gồm rất nhiều danh thủ miền Nam trước 1975 từng đoạt Cúp Merdeka) mà còn ghi bàn mở tỷ số bằng pha đánh đầu đầy uy lực (người ghi bàn ấn định chiến thắng 2-0 sau đó cho Tổng cục Đường sắt là tiền vệ Lê Thụy Hải).
Sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của chân sút Mai Đức Chung còn kéo dài thêm 8 năm sau đó, bao gồm mùa giải đầu tiên của Giải bóng đá vô địch quốc gia (1980/1981) - giải đấu mà Tổng cục Đường sắt lên ngôi vô địch.
Chia tay nghiệp cầu thủ, Mai Đức Chung tiếp tục gắn bó với đội Tổng cục Đường sắt trong vai trò HLV cho đến năm 1999, khi đội bóng này bị giải thể. Một điều thú vị là ngay trong thời gian đang làm bóng đá nam thì ông được "biệt phái" sang dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, lần đầu tiên tham dự SEA Games vào năm 1997 tại Indonesia.
Cả giới bóng đá khi ấy "ngã ngửa" ngạc nhiên, vì một người chỉ có kinh nghiệm với bóng đá nam tự nhiên làm thầy của đội tuyển nữ - vốn có khá nhiều khác biệt. Đấy thực ra là giải pháp "chữa cháy" của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khi đội tuyển nữ thời đầu vốn là sự "lắp ghép" hai đội bóng Hà Nội và Quận 1 TPHCM, nên để HLV của đội nào dẫn dắt đội tuyển cũng… tế nhị (dễ gây tranh cãi). Mai Đức Chung được "chọn mặt gửi vàng" vì vừa có chuyên môn tốt, lại có cá tính mềm mỏng, phong cách giản dị, nhẹ nhàng, dễ làm việc với các nữ cầu thủ hơn.
Có thể nói đấy là một cơ duyên để ông gắn bó với bóng đá nữ sau này. Trong khoảng thời gian khá dài, ông trở thành một HLV đặc biệt nhất của bóng đá Việt Nam khi "2 chân 2 thuyền", lúc này dẫn dắt các CLB và tham gia Ban huấn luyện đội tuyển nam, lúc khác lại nắm đội tuyển bóng đá nữ.
Ở bóng đá nam, ông từng đưa CLB Becamex Bình Dương vào đến bán kết AFC Cup và giành chức Á quân V.League năm 2009. Tới năm 2015, sau khi B.BD vô địch V.League, ông chính thức gia nhập nhóm các tên tuổi đặc biệt của BĐVN từng vô địch quốc gia cả khi làm cầu thủ lẫn vai trò HLV trưởng (cùng với Lê Thụy Hải và Lê Huỳnh Đức).
HLV Mai Đức Chung cũng từng dẫn dắt đội tuyển U22 nam giành Cúp Merdeka 2008, tham gia Ban huấn luyện ĐTQG và từng dẫn dắt đội tuyển đá trận tranh hạng 3 SEA Games năm 2007 khi HLV trưởng Alfred Riedl từ nhiệm. Năm 2017, ông lần thứ 2 là HLV trưởng tạm quyền của đội tuyển bóng đá nam quốc gia dự vòng loại World Cup (trước khi chiếc "ghế nóng" này được giao phó cho HLV Park Hang-seo).
Một điều đặc biệt là dù ở môi trường nào, HLV Mai Đức Chung cũng luôn biết cách thu phục nhân tâm bằng lối hành xử thẳng thắn nhưng cũng rất nhẹ nhàng, đậm chất chuyên môn nhưng vẫn đầy khiêm tốn.
"Huyền thoại sống" của bóng đá nữ Việt Nam
Năm 1997, thầy Chung lần đầu nắm đội tuyển nữ khi ông ở tuổi 46 (trên giấy tờ, ông sinh năm 1951), giành tấm HCĐ đầu tiên tại SEA Games 19. Năm 2003, ông cùng đội tuyển nữ giành tấm HCV SEA Games 22, kỳ Đại hội mà Việt Nam làm chủ nhà và 2 năm sau cùng các học trò bảo vệ thành công tấm HCV tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Năm 2017, sau đúng 20 năm kể từ SEA Games 19 và 12 năm từ khi thôi dẫn dắt đội tuyển nữ, ở tuổi 66, HLV Mai Đức Chung trở lại với đội tuyển bóng đá nữ với một sứ mệnh mới: Cùng các học trò hiện thực hóa "Giấc mơ World Cup" (đây cũng là thời điểm FIFA công bố World Cup 2023 sẽ tăng số đội tham dự từ 24 lên 32). Và sau đúng 5 năm, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của thầy Chung đã hoàn tất nhiệm vụ trọng đại ấy: Thi đấu thành công tại giải vô địch châu Á rồi giành tấm vé tham dự World Cup 2023.
Trên một chừng mực nào đó, có thể nói hành trình dài tới World Cup của bóng đá nữ Việt Nam đã bắt đầu từ "những bước chân nhỏ bé", với dấu mốc 1997 - lần đầu đội tuyển được thành lập để dự SEA Games, trải qua 25 năm phát triển, "thay máu lực lượng" và kết quả với lứa hiện tại, vẫn dưới sự dẫn dắt của ông thầy cũ nhưng nay đã già - HLV Mai Đức Chung đã ở tuổi ngoài 70.
Nào phải tự nhiên mà thầy Chung từng muốn dừng lại ngay từ sau SEA Games 31 hồi năm ngoái - tức hơn một năm trước thời điểm diễn ra FIFA World Cup - bởi ông đã mệt mỏi và cảm nhận được rằng muốn vươn lên tầm cao mới thật sự, bóng đá Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, cần đến sức trẻ.
Nhưng, từ sự động viên của lãnh đạo VFF cũng như các học trò, ông nhận lời tiếp tục, để rồi được cùng đội tuyển trải nghiệm bầu không khí tuyệt vời của FIFA World Cup 2023 - đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của mọi huấn luyện viên bóng đá trên khắp hành tinh. Với cá nhân ông, còn có một niềm vinh dự rất lớn khi lập kỷ lục của lịch sử bóng đá thế giới: HLV nhiều tuổi nhất dẫn dắt một đội tuyển quốc gia thi đấu tại vòng chung kết FIFA World Cup (cả bóng đá nữ lẫn nam)!
Từng đưa đội tuyển dự World Cup, vào tứ kết Asiad 18, 6 lần giành HCV SEA Games (trong tổng số 8 lần đội tuyển vô địch đấu trường này), có lẽ không hề quá lời khi gọi ông là một "huyền thoại sống" của bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá nữ nước nhà nói riêng. Để có được thành công ấy, ngoài chuyên môn huấn luyện giỏi, ở thầy Chung luôn nổi bật tinh thần khiêm tốn, cầu thị, tận tụy, đặc biệt là sự kiên nhẫn, tỉ mỉ khi làm việc với các cầu thủ vừa để giúp họ sửa lỗi, vừa như một "người cha" về tinh thần giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách tại các giải đấu.
Trước mắt, HLV Mai Đức Chung sẽ tiếp tục dẫn dắt đội tuyển thi đấu vòng loại Olympic Paris 2024 cho tới khi kết thúc hợp đồng vào cuối năm nay. Xin chúc ông sức khỏe và có thêm một giải đấu thành công trước khi chia tay sự nghiệp, rời bỏ những lo toan trận mạc để được chính thức vui thú điền viên!
Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!