Tâm điểm
Trịnh Lê Nguyên

Giữ gìn những "thiên đường trên mặt đất"

Mới đây tỉnh Thái Bình đã tổ chức hội nghị công bố quyết định xác lập vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Theo đó khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ được giữ nguyên quy mô , diện tích là 12.500ha. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 2.726ha, phân khu phục hồi sinh thái là 9.774ha.

Đây là tin vui với nhiều người, trong đó có những người quan tâm đến việc giữ gìn khu bảo tồn thiên nhiên này trước xu hướng đô thị hóa hiện nay.

Công việc của chúng tôi gắn với những khu vực thiên nhiên hoang dã mà theo cách nói văn hoa là những "thiên đường trên mặt đất". Vào đầu thế kỷ 20, phần lớn diện tích đất nước chúng ta vẫn còn giữ nhiều nét hoang sơ với bạt ngàn rừng núi, nhiều nơi chưa ghi dấu chân người. Ấy là lúc dân số Việt Nam mới vẻn vẹn hơn 13 triệu.

Giữ gìn những thiên đường trên mặt đất - 1

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, Thái BÌnh (Ảnh: Đức Văn)

Một thế kỷ trôi qua với nhiều biến động. Đến nay, Việt Nam đã chạm ngưỡng 100 triệu dân. Dấu chân người đã ngang dọc khắp mảnh đất hình chữ S. Chúng ta cũng đã phải chia tay nhiều "thiên đường trên mặt đất". Những chốn hoang dã còn sót lại ở quy mô nhỏ, phân tán và bị cô lập bởi làng xóm, đô thị, các công trình cơ sở hạ tầng, … Phần lớn những khu vực còn gìn giữ được ít nhiều giá trị tự nhiên đã được quy hoạch vào hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên. Đa số những khu bảo tồn này mới được thành lập trong vòng 20-30 năm lại đây.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những khu bảo tồn nhỏ. Đơn giản vì những khu lớn hơn thường nhận được sự đầu tư, hỗ trợ từ nhiều bên. Chúng tôi muốn dành nguồn lực ít ỏi huy động được hỗ trợ những nơi cần.

Quan sát sự thay đổi của một số khu bảo tồn nhỏ qua thời gian, cho thấy nhiều băn khoăn với công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở nước ta. Trong đó có khu bảo tồn mà nhìn qua bản đồ vệ tinh, ta có thể thấy hiện trạng trông như một tấm áo rách nát. Từ những cánh rừng già với sự đa dạng sinh học phong phú, giờ đây phần lớn diện tích khu bảo tồn đó chỉ còn lại những mảnh rừng nghèo và nghèo kiệt, phân mảnh nghiêm trọng và nhiều trong số đó bị biến thành nương rẫy.

Sự biến đổi này không chỉ là mất mát của thiên nhiên mà còn là một bài học đắt giá về trách nhiệm của con người. Rừng bị chặt phá để lấy đất canh tác, các hoạt động khai thác tài nguyên không bền vững đã làm suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học. Những loài động thực vật quý hiếm dần biến mất, hệ sinh thái bị mất cân bằng, và hậu quả là sự suy giảm chất lượng môi trường sống của con người.

Chúng ta cần làm gì để cùng nhau giữ gìn cho thế hệ mình và con cháu mai sau những "thiên đường trên mặt đất"?

Trước hết, những người được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Các biện pháp bảo vệ rừng cần được thực hiện một cách nghiêm túc, từ tuần tra, giám sát cho đến áp dụng các biện pháp kỹ thuật và công nghệ, và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với cộng đồng địa phương.

Với cách tiếp cận đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng và môi trường lên hàng đầu, chính quyền địa phương cần có các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế bền vững, giảm áp lực lên tài nguyên rừng; xem xét chặt chẽ việc cắt đất rừng để phân chia cho các hộ dân vì việc này có thể dẫn đến sự suy thoái của khu bảo tồn.

Người dân sống gần khu bảo tồn cũng có trách nhiệm lớn trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Thời gian qua, ở nhiều nơi, sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng đã dẫn đến việc chặt phá rừng để lấy đất canh tác, săn bắt động vật hoang dã.

Nếu chúng ta không có những biện pháp thực chất và hiệu quả, nhiều khu bảo tồn trên khắp cả nước đứng trước nguy cơ chỉ "tồn tại trên giấy", dần mất đi giá trị vốn có.

Hiện nay vấn đề đầu tư phục hồi rừng và đa dạng sinh học trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây là công việc đòi hỏi các biện pháp tổng thể từ trồng cây gây rừng, quản lý chặt chẽ việc khai thác lâm sản trái phép, đến kiểm soát việc phát nương làm rẫy, lấn chiếm trong khu bảo tồn.

Đầu tư vào công nghệ và phương pháp trồng rừng tiên tiến có thể giúp rừng tái sinh nhanh chóng, phục hồi thảm thực vật tự nhiên và tạo môi trường sống tốt hơn cho các loài động vật. Đặc biệt, cần tập trung vào các loài cây bản địa, những loài có khả năng thích nghi tốt với điều kiện địa phương và có giá trị sinh thái cao.

Các khu bảo tồn cần đặt ưu tiên cao cho việc thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm, xây dựng các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, đảm bảo các loài động, thực vật quý hiếm có thể phát triển mà không bị đe dọa bởi các hoạt động nhân sinh. Chúng ta cần có các chương trình nghiên cứu, giám sát liên tục để theo dõi tình trạng của các loài và hệ sinh thái, từ đó đưa ra các biện pháp bảo vệ kịp thời.

Thiên nhiên không chỉ là nguồn tài nguyên mà còn là di sản quý giá mà thế hệ hôm nay gìn giữ cho các thế hệ tương lai. Đừng để những thiên đường đang biến mất trở thành di sản mà thế hệ chúng ta để lại.

Tác giả: Ông Trịnh Lê Nguyên là thạc sĩ chuyên ngành Nước - Môi trường - Hải dương học; có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc ở các tổ chức trong nước và quốc tế về bảo tồn thiên nhiên. Hiện ông Nguyên là Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Chủ tịch Quỹ bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam. 

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!