Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

Để gia tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ

Theo Báo cáo do Chính phủ gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới năm 2022, xét tổng thể thì Việt Nam hiện đang đứng trong nhóm nước hàng đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham chính.

Cụ thể, Quốc hội khóa XV hiện có 151 đại biểu nữ, chiếm 30,2%; tỉ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh, huyện đạt 29%. Thử so sánh thì Quốc hội liên bang Mỹ đang có 146 nữ đại biểu, chiếm 27,2%. Tại Nhật Bản, số nữ đại biểu Quốc hội hiện là 100 trong tổng số 600 đại biểu, chiếm 16,6%. Tại Trung Quốc, Nhân Đại (tức Quốc hội) hiện có 790 nữ đại biểu, chiếm 26,54%.

Tuy nhiên, Báo cáo nêu trên của Chính phủ cũng cho thấy số lượng nữ cán bộ tham gia lãnh đạo, quản lý ở nước ta chưa đạt các mục tiêu đề ra. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hiện có 19 nữ ủy viên (chỉ chiếm 9,5%). Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ nữ thành viên các Ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh chỉ là 16%, gồm 7 bí thư và 15 phó bí thư tỉnh, thành ủy.

Tương tự, 17% cấp ủy viên là nữ với các Ban chấp hành đảng bộ cấp huyện. Cũng theo thống kê mới nhất, cán bộ nữ đã tham gia Ban thường vụ tại 61/63 tỉnh/thành phố nhưng tỷ lệ còn khiêm tốn: thấp nhất ở cấp tỉnh là 11,3% và cao nhất là 35%; cấp huyện chỉ là 15,3%.

Để gia tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ - 1

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan là một trong ba nữ thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Ảnh: Nhật Bắc).

Khối UBND là nơi nắm giữ các thẩm quyền về pháp lý, hành chính, và nguồn lực tài chính trong thực thi chính sách cho nên có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội hàng ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống hành chính đang có biểu hiện giảm dần khi xuống các cấp chính quyền địa phương.

Theo thống kê, nhiệm kỳ 2021-2025, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đang có 15/30 cơ quan có phụ nữ là lãnh đạo chủ chốt, đạt 50%. Tỷ lệ khối UBND địa phương có nữ lãnh đạo chủ chốt lần lượt là 37,7% (cấp tỉnh), 31,77% (cấp huyện), và 24,94% (cấp xã).

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 24/263 cán bộ nữ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo khối UBND cấp tỉnh, gồm 02 chủ tịch và 22 phó chủ tịch. Do chưa có dữ liệu cụ thể nên chúng ta chưa thể biết chính xác số lượng phụ nữ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt khối UBND từ cấp huyện trở xuống, đặc biệt là cấp xã.

Khối UBND địa phương có số lượng đơn vị lớn, gắn bó trực tiếp và gần gũi với đời sống của người dân. Bởi thế, nếu có nhiều phụ nữ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các cơ quan chính quyền địa phương thì sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến hình ảnh và vị thế chính trị của phụ nữ nói chung.

Ở bất cứ xã hội nào và cấp độ nào (nhóm, cộng đồng, quốc gia) cũng đều tồn tại một cấu trúc chính trị - hiểu đơn giản, tức là cấu trúc quyền lực có thể ban hành và thực thi các quyết định mang tính tập thể. Do đó, vị thế chính trị sẽ cho thấy "chỗ đứng" của cá nhân hoặc nhóm trong mỗi cấu trúc chính trị.

Vị thế chính trị không đơn giản chỉ là vị trí mà cá nhân hay nhóm đảm nhiệm trong cấu trúc tổ chức và quyền lực. Hơn thế, vị thế chính trị còn phản ánh mức độ thừa nhận và phạm vi ảnh hưởng của cá nhân, nhóm đối với cả cấu trúc quyền lực cũng như các quy trình chính trị và chính sách.

Do đó, trên bình diện toàn cầu, gia tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị, đặc biệt là phụ nữ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo và quản lý trong các cơ quan chính quyền, luôn được coi là một trong những chỉ báo hàng đầu để đánh giá tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới, cải thiện vị thế chính trị - xã hội của phụ nữ.

Ở các nước phát triển, nơi đã có sự tách bạch rõ ràng giữa khu vực Nhà nước và khu vực xã hội, vị thế chính trị của phụ nữ được đánh giá thông qua nhiều chỉ báo đa dạng trong cả hai khu vực. Với một xã hội Á Đông đang phát triển như Việt Nam, đặc trưng bởi cấu trúc chính trị do một Đảng lãnh đạo và cầm quyền, thì vị thế chính trị của phụ nữ được thể hiện chủ yếu thông qua tỷ lệ phụ nữ được đảm nhiệm các vị trí trong hệ thống chính trị nói chung, đặc biệt là hệ thống cơ quan chính quyền.

Năm 2007, Nghị quyết số 11/NQ/TW đã đề ra các mục tiêu nhằm cải thiện vị thế chính trị của phụ nữ ở nước ta: "Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ". Nếu so sánh thực tế năm 2022 với các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 11 năm 2007 thì có thể thấy chúng ta cần tiếp tục rất nhiều nỗ lực để có thể hiện thực hóa được quyết tâm chính trị đã đề ra.

Gần đây, để thúc đẩy tỷ lệ nữ cán bộ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo và quản lý trong hệ thống chính quyền từ trung ương xuống đến địa phương, Nghị quyết số 28/NQ-CP về Chiến lược quốc gia bình đẳng giới cho giai đoạn 2021-2030 đã đề ra các mục tiêu: đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Có thể thấy, ngoại trừ cấp trung ương, tỷ lệ nữ cán bộ chủ chốt được đề ra trong Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới (2021-2030) đều gấp hai lần trở lên so với tỷ lệ thực tế hiện nay ở các cấp chính quyền địa phương. Hẳn nhiên, nếu không có những biện pháp thực sự quyết liệt thì việc đạt được các chỉ tiêu đầy tham vọng nêu trên trong mấy năm sắp tới là rất nan giải.

Báo cáo mới đây của Chính phủ cũng đã đề ra nhiều chiến lược và giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện vị thế xã hội nói chung và vị thế chính trị của phụ nữ. Tuy nhiên, xét đặc thù cấu trúc chính trị và hệ thống chính quyền ở nước ta hiện nay, việc gia tăng tỷ lệ phụ nữ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo và quản lý sẽ khó thực hiện được nếu thiếu sự quyết liệt của cơ quan Đảng các cấp, đặc biệt là vai trò của cá nhân người đứng đầu.

Vì thế, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, hiện thực hóa các chỉ tiêu gia tăng tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý cần được coi là một yêu cầu chính trị với Ban chấp hành Đảng bộ các cấp. Ngay từ bây giờ, công tác chuẩn bị nguồn nữ cán bộ để đảm nhiệm các vị trí chủ chốt ở tất cả các cấp trong hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính quyền, cần được triển khai khẩn trương, nghiêm túc.

Giao chỉ tiêu về tỷ lệ cán bộ chủ chốt là nữ gắn với tình hình cụ thể của từng Đảng bộ là một giải pháp mạnh, có thể tạo ra chuyển biến thực chất về vị thế chính trị của phụ nữ. Yêu cầu về tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là các vị trí chủ chốt, có thể linh hoạt theo điều kiện thực tế tại mỗi địa phương, đơn vị nhưng bắt buộc phải có sự thay đổi tích cực hơn so với nhiệm kỳ hiện nay.

Khi chưa đạt yêu cầu về cơ cấu cán bộ nữ thì các phương án nhân sự chưa được phê duyệt sẽ tạo sức ép để các ban lãnh đạo các cấp phải thực sự quyết liệt và thực chất trong hành động thúc đẩy vị thế chính trị của phụ nữ.

Tác giảÔng Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!