Tỷ lệ lãnh đạo chủ chốt là nữ trong bộ máy Chính phủ hiện nay như thế nào?

Hoài Thu

(Dân trí) - Năm 2022, 13 bộ và cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ, trong đó có 3 nữ bộ trưởng, trưởng ngành. Tỷ lệ này đạt 59% và tăng 6% so với năm 2021.

Những con số này được đề cập trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới năm 2022. Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ và thừa ủy quyền Thủ tướng, ký.

Chính phủ dẫn Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, cho thấy chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021. Trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. 

Trong lĩnh vực chính trị, Chính phủ đặt chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 60% lãnh đạo chủ chốt là nữ ở các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương các cấp. Tỷ lệ này đến năm 2030 phải đạt 75%, theo chỉ tiêu đề ra.

Tỷ lệ lãnh đạo chủ chốt là nữ trong bộ máy Chính phủ hiện nay như thế nào? - 1

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan là một trong ba nữ thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Ảnh: Nhật Bắc).

Báo cáo của Chính phủ cho thấy tính đến tháng 12/2022, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 15/30 cơ quan, đạt 50% và tăng 3,4% so với năm 2021.

Cụ thể, trong 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 13 đơn vị có nữ là lãnh đạo chủ chốt. Tỷ lệ này đạt 59%, tăng 6% so với năm 2021.

Trong 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 2 cơ quan có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt 25%.

Cụ thể, trong bộ máy Chính phủ có 3 nữ bộ trưởng, trưởng ngành, gồm: Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Một thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ là nữ, đó là bà Vũ Việt Trang - Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Ngoài ra, đến cuối năm 2022, trong các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ còn có 12 nữ thứ trưởng và tương đương.

So với cuối năm 2021, số lượng và tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ tăng đáng kể.

"Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt đã tiệm cận với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025. Trong khi đó, các cơ quan thuộc Chính phủ có tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt còn khiêm tốn, mới đạt 25% so với chỉ tiêu đề ra là 60%", theo báo cáo của Chính phủ.

Cũng theo thống kê của Chính phủ, tỷ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ (đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025) là 37,7% ở cấp tỉnh; 31,77% ở cấp huyện và 24,94% ở cấp xã.

"Năm 2022, tỷ lệ lãnh đạo chủ chốt là nữ UBND các cấp không có nhiều biến động so với đầu nhiệm kỳ và còn khoảng cách khá xa so với chỉ tiêu đề ra", Chính phủ nhận định.

Chính phủ nhìn nhận tỷ lệ lãnh đạo chủ chốt là nữ ở các cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp có còn khiêm tốn, do các vị trí lãnh đạo này thường ít có biến động trong nhiệm kỳ, nên việc thực hiện các giải pháp cần có thời gian khá dài để đưa lại kết quả rõ rệt.

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, Chính phủ đặt nhiều chỉ tiêu như tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030.

Theo kết quả phân tích sơ bộ từ điều tra lao động việc làm của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, năm 2022, ước tính tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 49,04% (năm 2021 là 43,4%), so với lao động nam là 55,65%. Chỉ tiêu này tăng so với năm 2021 và có khả năng đạt vào năm 2025.

Một chỉ tiêu khác Chính phủ đặt ra là giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030.

Ngoài ra, Chính phủ còn đặt chỉ tiêu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Trong hàng loạt giải pháp được đưa ra để đảm bảo vấn đề bình đẳng giới, Chính phủ cho biết sẽ quan tâm thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, trong đó tập trung thực hiện Chương trình "Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030".