Tâm điểm
Đức Nguyễn

Dạy con về tiền

Trước khi lập gia đình riêng, tôi sống với anh chị vì công việc hay di chuyển. Anh chị có hai bé gái gọi tôi bằng cậu. Một ngày nọ, tôi mua bộ trò chơi Cashflow (rèn luyện tư duy tài chính) về chỉ cho hai bạn chơi vì tôi thấy hai bạn rất thích gom nhặt tiền để dành.

Ngày đó hai bạn nhỏ mới chỉ học lớp hai và lớp bốn, tôi sợ rằng hai bạn sẽ không chơi được với tôi, vì bộ này hoàn toàn bằng tiếng Anh và có những thuật ngữ rất chuyên ngành như: Tài sản, tiêu sản, nợ, thu nhập, chi phí, bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, lợi tức… cũng như luật chơi tương đối phức tạp.

Thế nhưng tôi đã nhầm to. Với trẻ em, miễn là cái gì đó vui, thú vị và ở dạng trò chơi thì các bạn sẽ tìm cách chơi cho bằng được. Chỉ trong vòng một tuần, các bạn đã thành thạo Cashflow. Tôi thực sự bất ngờ vì sau đó các bạn đã có thể dùng cái mà nghề của tôi gọi là các bảng báo cáo tài chính gia đình, có thể dễ dàng sử dụng nghiệp vụ ghi kép (một phương pháp kế toán) khi biến động tài chính xảy ra trong trò chơi, bạn nhỏ hí hoáy cộng trừ tay từng phép tính một với sự kiên nhẫn đáng ngạc nhiên.

Dạy con về tiền - 1

Các trò chơi về tài chính là một cách mà con trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu các khái niệm phức tạp, trừu tượng của tài chính một cách tự nhiên (Ảnh minh họa: CV)

Hai bạn tự vạch ra các chiến lược riêng cho mình để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của chi tiêu, và thực hiện các "ước mơ" của mình sau những lần "phá sản" vì mượn nợ ngân hàng quá nhiều, dòng tiền âm... Các bạn đã biết cổ phiếu hay một bất động sản tiềm năng là như thế nào, các tiêu sản nào không nên mua và việc nuôi con đắt đỏ đến nhường nào.

Một lần bạn lớn bốc được cơ hội mua một bất động sản rất tốt, nhưng sau khi nhìn lại bảng báo cáo tài chính của mình thì bạn quyết định rằng mình đã chạm mức giới hạn không thể thực hiện cơ hội này. Khi đang lưỡng lự thì bạn nhỏ lập tức xòe ra một số tiền để được "mua" lại cơ hội này - điều hoàn toàn không có trong trò chơi và tôi cũng chưa từng dạy các bạn thế, nhưng nó hoàn toàn phù hợp. Hơn nữa, thay vì chơi xem ai chiến thắng thì các bạn lại tạo luật chơi của riêng mình, chơi để cùng thực hiện "ước mơ" và giúp đỡ nhau để làm được điều đó!

Tôi nhìn các bạn say sưa chơi, thỉnh thoảng cãi nhau và nhờ tôi phân xử mà lòng đầy tự hào xen lẫn một chút ghen tị. Tôi biết các bạn chưa hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa của những thuật ngữ, chiến lược các bạn chơi, các bạn chỉ xem nó đơn thuần như một trò chơi, tuy nhiên những điều này chắc chắn sẽ tạo ra những lợi thế to lớn cho các bạn về sau.

Hồi nhỏ tôi rất thích tiền, đơn giản vì tiền có thể mua được nhiều thứ mà tôi mơ ước, lớn lên vẫn vậy, tôi cố gắng nỗ lực để có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng tôi đã mắc không ít sai lầm với tiền, và mọi bài học đều phải trả giá, đôi khi là quá đắt.

Nhìn lại hai cô cháu của mình, tôi thầm ước giá mà hồi nhỏ mình cũng được tiếp cận những kiến thức như vậy thì mình đã không bị vấp váp ở những bước đầu xây dựng nền tảng tài chính, và tôi đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, những tổn thương không đáng có… Tôi tin rằng nhiều người có cùng hoàn cảnh như tôi.

Có lẽ bố mẹ tôi cũng như nhiều bậc phụ huynh khác, họ thực sự bối rối khi phải trao đổi với con về tiền, vì chính họ cũng có những vấn đề về tiền và họ không được đào tạo bài bản về tiền ở bất cứ đâu để có thể chia sẻ với con một cách tự tin.

Các câu hỏi về tiền của con, mặc dù có vẻ đơn giản, thường làm đau đầu các bậc cha mẹ. Nhưng, đừng cố gắng trả lời khỏa lấp hoặc áp đặt quyền lực của cha mẹ bằng cách nói "con nít thì hỏi làm gì". Đó là những khoảnh khắc quan trọng, định hình cảm xúc và tư duy của con về tiền bạc, có thể ảnh hưởng đến thành công của con trong tương lai.

Có những câu hỏi không chỉ đơn giản là câu hỏi, mà chúng còn là cách con kết nối, thể hiện lòng tin và tình yêu của mình. Khi con bước vào lớp một, con sẽ phải đối mặt với áp lực từ bạn bè và từ truyền thông, quảng cáo mỗi ngày những vấn đề liên quan đến tiền.

Khi con đặt những câu hỏi liên quan đến tiền, điều quan trọng là hãy lắng nghe và thể hiện sự quan tâm của bạn. Hãy luôn bắt đầu bằng cách hỏi lại "Con yêu, bố/mẹ muốn biết vì sao con hỏi câu hỏi này?" với một giọng điệu trìu mến, khuyến khích. Việc hiểu được nguồn gốc và lý do con đặt câu hỏi sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với việc cung cấp câu trả lời. Và câu hỏi này sẽ giúp bạn mua thêm thời gian cũng như có câu trả lời phù hợp với điều con thực sự tìm kiếm.

Thông qua việc giải quyết những thắc mắc của con và tận dụng những tình huống tự nhiên trong cuộc sống, cha mẹ có thể sử dụng phương pháp huấn luyện để học hỏi, và đồng hành cùng con trong việc tìm hiểu về tiền. Cha mẹ sẽ bất ngờ với những điều chính mình học được qua quá trình này. Các trò chơi về tài chính cũng là một cách mà con trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu các khái niệm phức tạp, trừu tượng của tài chính một cách tự nhiên.

Vậy khi nào thì nên bắt đầu dạy cho con về tiền? Dạy con về tiền sớm có làm ảnh hưởng đến sự hồn nhiên của con không?

Tiền là phương tiện vô cùng hiệu quả để thông qua đó chúng ta truyền trao những bài học về trách nhiệm, về yêu thương về hào phóng, về sự cẩn trọng cũng như biết "ngó trước nhìn sau", nên ngược lại, dạy con về tiền là trao cho con quyền lực để sử dụng tiền thay vì để tiền kiểm soát con.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison đã chỉ ra rằng, ngay từ khi trẻ lên ba tuổi, chúng đã có khả năng nắm bắt các khái niệm kinh tế cơ bản như giá trị và trao đổi, mặc dù với cách hiểu còn rất thô sơ. Chúng cũng có khả năng trì hoãn sự thèm muốn và đưa ra lựa chọn. Mặc dù những khái niệm này có vẻ đơn giản nhưng lại rất quan trọng trong việc hiểu vai trò của tiền bạc trong cuộc sống hàng ngày.

Khi thấy con mình thể hiện sự quan tâm đến việc dùng thẻ tín dụng, yêu cầu được nhấn nút ở máy ATM hay khám phá ví của bạn, đừng chỉ cười nhẹ nhàng theo kiểu "trẻ con đáng yêu" mà hãy bắt đầu dạy con về tiền bạc và cách thanh toán. Ngay cả khi trẻ của bạn không nắm bắt được trọn vẹn mọi thứ, chúng vẫn cảm nhận được bạn đang chia sẻ với chúng điều gì đó quan trọng, điều mà người lớn quan tâm. Và điều chắc chắn là chúng sẽ tiếp thu nhiều hơn bạn nghĩ…

Chính vì thế hãy bắt đầu từ việc dạy con về tiền, khi con bắt đầu phân biệt được tiền với những tờ giấy khác.

Vậy ai nên là người thầy dạy con về tiền? Giống như thời của chúng ta, trường học không thể đảm nhận toàn bộ trách nhiệm này. Chúng ta không thể giao phó hoàn toàn cho họ như những kiến thức và kỹ năng khác.

Những lớp dạy tài chính cho con trẻ của các chuyên gia? Chừng nào con còn chưa tự kiếm được tiền, những lớp này chỉ có tác dụng làm yên lòng ba mẹ chứ tạo ra rất ít giá trị và có thể gây ra những sự hiểu lầm, chán ghét cho trẻ.

Chúng ta quên mất rằng gia đình là môi trường đầu tiên định hình nhận thức, tư duy, cảm xúc và kỹ năng tài chính của con. Cha mẹ chính là những người thầy quan trọng nhất trong giai đoạn này của cuộc đời con. Do đó, mọi việc đều bắt đầu từ chúng ta, bởi chúng ta là những hình mẫu mà con sẽ noi theo mỗi ngày, khi con đã ngầm quan sát, đánh giá và học hỏi từ chúng ta.

Có năm chủ đề cơ bản trong nền tảng tài chính mà cha mẹ cần truyền đạt cho con theo từng độ tuổi: Giá trị của việc kiếm tiền; chi tiêu hiệu quả; tiết kiệm đều đặn; sẻ chia hào phóng; đầu tư thông minh. Mỗi chủ đề này còn đi kèm với những khái niệm quan trọng như: Muốn và cần, chi phí cơ hội, đánh đổi... mà trong khuôn khổ bài viết này sẽ khó giải thích hết. Hy vọng là tôi sẽ có dịp chia sẻ ở bài viết tiếp theo trên báo Dân trí.

Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói rằng, giúp con hình thành và phát triển tư duy, năng lực tài chính là tài sản quý giá mà cha mẹ có thể để lại cho con. Đó không chỉ là tình yêu, sự dạy dỗ mà đó còn là sự bảo vệ con trước những vấp ngã lớn trong đời cũng như chắp cánh cho con sống cuộc đời đam mê, hứng khởi…

Tác giả: Đức Nguyễn là chuyên gia huấn luyện tài chính được chứng nhận Certified Professional Coach của Liên đoàn Huấn luyện Quốc tế (ICF). Ông có 10 năm kinh nghiệm đào tạo, tư vấn & quản lý đội ngũ tư vấn tài chính tại Citibank, Standard Chartered bank và Vndirect; 13 năm kinh nghiệm giảng dạy, huấn luyện tài chính.  

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!