Công tác cán bộ: "Có vào, có ra, có lên, có xuống"
Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) vừa kết thúc, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gồm các ông: Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương.
Đây là một điểm mới bên cạnh các nội dung lớn và đặc biệt quan trọng khác tại Hội nghị Trung ương lần này.
Quyết định trên được thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021, về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022, về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.
Trong đó, Thông báo số 20 đã nêu rõ: Việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Việc này cũng nhằm kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Thời gian qua, các cấp có thẩm quyền đã thực hiện quan điểm nhất quán là cán bộ làm tốt thì biểu dương, khen thưởng; làm chưa tốt thì nhắc nhở, phê bình; ai có vi phạm, khuyết điểm phải xử lý nghiêm minh, kết luận rõ đến đâu xử lý đến đó, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ. Đây là nguyên tắc, việc làm thường xuyên của Đảng và cũng là mong muốn của nhân dân, nhằm không ngừng làm trong sạch, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược.
Như chúng ta đã biết, trong tháng 7 và tháng 9 vừa qua, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng thời căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm và Quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị đã kỷ luật cảnh cáo các ông Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang. Và đến nay các ông này đã thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII như đã nêu trên.
Cần thấy rằng, phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ đã được đề cập từ nhiều năm trước. Đơn cử, tại Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), ban hành ngày 19/5/2018, về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đã nêu một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ.
Rõ ràng, Quy định số 41 và Thông báo số 20 được ban hành với tinh thần đó.
Những năm qua ở cấp Trung ương và địa phương, một số cán bộ đã từ chức, xin thôi công tác vì các lý do khác nhau bao gồm cả những người trong diện bị kỷ luật, nhưng trên các diễn đàn vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về việc thực hiện văn hóa từ chức.
Theo Quy định số 41 "từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận". Thực tế lâu nay cho thấy sự "tự nguyện" này còn rất ít, nếu không muốn nói là hiếm hoi, trong khi cùng với quá trình đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì số cán bộ bị kỷ luật nhiều hơn trước.
Xin dẫn lại ở đây một vài số liệu, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã thi hành kỷ luật 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 20 người so với cùng kỳ năm trước). Tính từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6 vừa qua, 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 10 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, đã bị kỷ luật.
Tuy nhiên, dư luận những năm qua ít khi thấy một cán bộ nào có động thái xin "ra", xin "xuống" và thôi giữ chức vụ vì năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.
Sự hiếm hoi trong tự nguyện xin thôi giữ chức vụ là chuyện có thật, và nó ảnh hưởng đến việc thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ. Chính vì vậy Quy định số 41 và Thông báo số 20 đã tạo hành lang và định hướng rất cụ thể về việc miễn nhiệm, từ chức và bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.
Theo quy định hiện hành, các hình thức kỷ luật của Đảng đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Cán bộ bị cách chức hoặc khai trừ thì dĩ nhiên không được tiếp tục công tác; còn cán bộ bị cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì sao? Tại Thông báo số 20 nêu rõ: Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.
Có thể thấy là cán bộ trong diện nêu trên được mở một con đường rút lui có văn hóa, đó là văn hóa từ chức; nếu không thì buộc tổ chức phải xem xét miễn nhiệm. Một quy định rất nhân văn và đảm bảo nghiêm khắc.
Thiết nghĩ cán bộ nào bị kỷ luật, xét thấy bản thân năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì nên tự nguyện xin từ chức.
Tác giả: Nguyễn Dương là phóng viên của báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!