Tích hợp AI cho Su-57M: Bước tiến lớn trong chiến lược không quân Nga
(Dân trí) - Máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Nga Su-57M sẽ được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI), với nhiều tính năng mới, giúp nâng cao khả năng chiến đấu lên gần với tính năng của máy bay không người lái thế hệ 6.

Su-57M là phiên bản nâng cấp tiên tiến nhất của dự án máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm của Nga (Ảnh: Aviacion Defensa).
Ngày 15/5, Nga tiết lộ kế hoạch nâng cấp tiêm kích chiến đấu tàng hình Su-57M, một bước tiến quan trọng trong chiến lược hiện đại hóa không quân.
Được phát triển bởi Cục Thiết kế Sukhoi, thuộc Tập đoàn Máy bay thống nhất (UAC), Su-57M tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu suất chiến đấu. Phi công thử nghiệm Sergei Bogdan đã trình bày các tính năng mới tại Moscow, nhấn mạnh vai trò của AI trong tự động hóa và "tối ưu hóa" nhiệm vụ.
Với thiết kế tàng hình cải tiến, radar tầm xa và khả năng siêu tuần tra, Su-57M được định vị để cạnh tranh với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm như F-22 và F-35 của Mỹ.
Thiết kế và nâng cấp khí động học
Su-57M là phiên bản nâng cấp tiên tiến nhất của dự án máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm của Nga, được thiết kế với khả năng tàng hình, tốc độ cao và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Su-57M có khung máy được cải tiến để tối ưu hóa hiệu suất khí động học.
Chiều dài 14,8m, sải cánh 9,8m, chiều cao 4,6m, thân máy bay rộng hơn so với bản gốc, cải thiện lực nâng và độ ổn định ở tốc độ siêu âm. Trọng lượng không tải 18,5 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 35 tấn. Khung máy sử dụng vật liệu composite như polymer, sợi thủy tinh, giảm trọng lượng, tăng độ bền.
Khả năng siêu tuần tra cho phép tiêm kích Su-57M đạt tốc độ Mach 1,6 (khoảng 1.930km/h) mà không cần động cơ đốt sau, một đặc trưng của máy bay thế hệ thứ năm. Tốc độ tối đa có thể đạt Mach 2, với trần bay trên 20km. Những cải tiến này giúp Su-57M duy trì ưu thế trong các kịch bản chiến đấu tốc độ cao.
Theo TASS, Su-57M được trang bị hai động cơ turbofan Saturn AL-51F-1, mỗi động cơ tạo lực đẩy 15.000kg. So với động cơ AL-41F1 phiên bản trước, AL-51F-1 cải thiện hiệu suất nhiên liệu, lực đẩy và khả năng tàng hình. Động cơ mới giảm tiết diện radar và nhiệt, tăng khả năng sống sót trong môi trường chiến đấu. Động cơ này là bước tiến lớn, giúp Su-57M cạnh tranh với các đối thủ phương Tây.
Tích hợp trí tuệ nhân tạo
Thứ nhất, tự động hóa hệ thống. Điểm nổi bật của Su-57M là tích hợp AI vào các hệ thống trên máy bay. Theo phi công thử nghiệm Sergei Bogdan, AI cho phép khởi động toàn bộ hệ thống chỉ bằng một nút bấm, giúp giảm thời gian kiểm tra trước chuyến bay từ vài giờ xuống vài phút. Tính năng này đặc biệt quan trọng trong các tình huống "chiến đấu khẩn cấp", nơi tốc độ triển khai quyết định kết quả.
AI cũng tự động hóa các quy trình chuẩn bị nhiệm vụ như kiểm tra radar, cảm biến và hệ thống vũ khí. Điều này góp phần giảm áp lực cho phi công; cho phép tập trung vào chiến thuật thay vì quản lý hệ thống phức tạp. Hệ thống điện tử hàng không được hỗ trợ bởi AI phân tích dữ liệu thời gian thực, cung cấp các đề xuất chiến thuật tức thì, theo National Interest.
Thứ hai, hỗ trợ phi công. Trong buồng lái, AI đóng vai trò như một phi công phụ ảo. Hệ thống sử dụng thuật toán học máy để dự đoán hành vi của mục tiêu, đề xuất các kịch bản tấn công hoặc phòng thủ. Ví dụ, khi đối mặt với nhiều mục tiêu, AI có thể ưu tiên các mối đe dọa dựa trên khoảng cách, tốc độ và loại vũ khí.
Theo National Interest, công nghệ trên giúp phi công Nga duy trì lợi thế trong các cuộc giao tranh đa mục tiêu. Hơn nữa, AI cũng hỗ trợ điều khiển các hệ thống "đối kháng điện tử" như gây nhiễu radar đối phương hoặc phát hiện tên lửa. Bằng cách xử lý khối lượng dữ liệu lớn từ radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) và cảm biến hồng ngoại, AI giảm thời gian phản ứng, tăng khả năng sống sót của máy bay.
Thứ ba, tích hợp với máy bay không người lái (UAV). Su-57M được thiết kế để hoạt động cùng UAV, đặc biệt là S-70 Okhotnik "Thợ săn". AI cho phép phi công điều khiển UAV từ xa, phân bổ nhiệm vụ như trinh sát, tấn công hoặc gây nhiễu. S-70 Okhotnik sử dụng động cơ AL-51F-1 và lớp phủ tàng hình tương tự, tạo sự đồng bộ với Su-57M. Theo Eurasian Times, mô hình này phản ánh xu hướng toàn cầu về tích hợp máy bay có người lái và không người lái trong chiến tranh hiện đại.
Hệ thống vũ khí và tàng hình
Su-57M được trang bị khoang vũ khí bên trong để duy trì khả năng tàng hình. Khoang này chứa tên lửa không-đối-không K-77M, có tầm bắn trên 150km và các loại đạn không-đối-đất chính xác cao. Máy bay cũng mang pháo 30mm cho chiến đấu tầm gần. Theo Bulgarian Military, thiết kế khoang vũ khí giảm tiết diện radar, giúp Su-57M tránh bị phát hiện bởi radar đối phương.
Radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) của Su-57M có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách trên 400 km. Hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) tăng cường khả năng phát hiện mục tiêu tàng hình. Các biện pháp đối kháng điện tử như gây nhiễu và đánh lừa radar, được tích hợp để đối phó với các hệ thống phòng không tiên tiến như Patriot hoặc S-400.
Về công nghệ tàng hình, mặc dù không đạt mức tàng hình như F-22 (tiết diện radar 0,0001 m²), Su-57M vẫn có tiết diện radar thấp nhờ lớp phủ hấp thụ sóng radar và thiết kế khí động học. Theo Lockheed Martin, F-35 ưu tiên hợp nhất dữ liệu, nhưng Su-57M tập trung vào tốc độ và khả năng tấn công tầm xa, phù hợp với Học thuyết quân sự Nga.
So sánh SU-67M với các máy bay phương Tây: (i) F-22 của Mỹ là chuẩn mực về tàng hình và chiến đấu ngoài tầm nhìn. Tuy nhiên, với chỉ 187 chiếc và ngừng sản xuất từ năm 2011, F-22 bị "giới hạn" về số lượng. Trong khi Su-57M của Nga, với khả năng siêu tuần tra và radar tầm xa, có lợi thế trong các kịch bản tốc độ cao và giao tranh tầm xa. (ii) F-35 của Mỹ, với hơn 1.000 chiếc triển khai toàn cầu, vượt trội về hợp nhất dữ liệu và khả năng tương tác. Tuy nhiên, tốc độ tối đa Mach 1,6 và trần bay thấp hơn khiến F-35 kém hơn Su-57M trong chiến đấu trên không. Su-57M bù đắp bằng tính cơ động và khả năng tấn công đa nhiệm. (iii) J-20 của Trung Quốc, với hơn 200 chiếc, tập trung đánh chặn tầm xa. Su-57M vượt trội về tính cơ động và tích hợp AI, nhưng J-20 có lợi thế về số lượng, khả năng tàng hình ở dải tần cụ thể.
Thách thức sản xuất
Nhà máy Hàng không Komsomolsk-on-Amur của Nga chỉ sản xuất số lượng nhỏ Su-57 mỗi năm. Tính đến đầu năm 2025, chỉ có 16-18 chiếc Su-57 hoạt động, theo National Interest. Các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là linh kiện điện tử tiên tiến. Về kế hoạch mở rộng, tháng 8/2024, UAC công bố kế hoạch mở rộng cơ sở sản xuất, với mục tiêu sản xuất hàng loạt Su-57M từ 2025. Tổng giám đốc Rostec S. Chemezov xác nhận kế hoạch này, nhấn mạnh đầu tư vào dây chuyền tự động hóa và công nghệ in 3D để tăng sản lượng.
Về chi phí và xuất khẩu, với chi phí ước tính 50 triệu USD mỗi chiếc, Su-57M rẻ hơn đáng kể so với F-35 của Mỹ (110 triệu USD). Nga đề nghị Ấn Độ đồng sản xuất biến thể Su-57E tại Aero India 2025 nhưng Ấn Độ ưu tiên dự án AMCA bản địa. Algeria là khách hàng tiềm năng, nhưng chưa có hợp đồng. Các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể hạn chế khả năng xuất khẩu vũ khí tàng hình này của Nga.
Ý nghĩa địa chính trị
Trong bối cảnh NATO tăng cường hiện diện ở Đông Âu, Su-57M là trọng tâm của Học thuyết chống tiếp cận hoặc chống xâm nhập (A2/AD) của Nga. Khả năng tàng hình và radar tầm xa giúp đối phó với các mối đe dọa từ máy bay và tên lửa NATO. Việc tích hợp với S-70 Okhotnik tăng cường khả năng phối hợp tác chiến.
Su-57M thể hiện sự kiên cường của lực lượng quân đội Nga trước sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Việc tích hợp AI, công nghệ tàng hình chứng minh năng lực công nghiệp quốc phòng, đồng thời củng cố vị thế của Nga trên thị trường vũ khí toàn cầu. Với kiến trúc mở, Su-57M có thể được nâng cấp liên tục, đảm bảo tuổi thọ 40-50 năm. Các kế hoạch tích hợp vũ khí mới như tên lửa siêu thanh, cảm biến tiên tiến sẽ giúp máy bay Su-57M duy trì ưu thế cạnh tranh trong tương lai.
Hiện tại, Su-57M được Không quân Nga coi là tài sản đặc biệt, nhưng với việc tăng tốc sản xuất, nó có thể trở thành lực lượng chính. Kết hợp với Su-35S và UAV, Su-57M sẽ tăng cường khả năng tác chiến của Nga trong khu vực tranh chấp.
Giới chuyên gia cho rằng, khi Mỹ đẩy mạnh phát triển dòng máy bay thế hệ thứ sáu và Trung Quốc mở rộng đội tiêm kích J-20, Su-57M của Nga cần duy trì lợi thế công nghệ. Việc tích hợp AI và phối hợp với UAV là "bước đi đúng hướng", nhưng Nga cần vượt qua các thách thức sản xuất để cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ.
Kế hoạch nâng cấp Su-57M với tích hợp AI đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược không quân Nga. Với thiết kế tàng hình, động cơ tiên tiến và hệ thống AI hỗ trợ phi công, Su-57M không chỉ là máy bay chiến đấu mà còn là biểu tượng của tham vọng công nghệ.
Dù đối mặt với thách thức sản xuất và cạnh tranh quốc tế, chương trình này cho thấy quyết tâm của Nga trong việc định hình tương lai "chiến tranh trên không". Khi sản xuất tăng tốc và xuất khẩu mở rộng, Su-57M của Nga có tiềm năng thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực và toàn cầu.