Bài "Bắt nạt" gây tranh cãi: Có gì "lấp lánh" mà đưa vào sách giáo khoa?
(Dân trí) - Các nhà thơ, nhà phê bình văn học cho rằng, bài thơ "Bắt nạt" đọc thấy khiên cưỡng, gây khó hiểu cho học sinh. Nên chăng, chỉ đưa một vài trích đoạn phù hợp thay vì đưa cả bài thơ vào SGK.
Những ngày qua, dư luận lại tranh cãi về bài thơ Bắt nạt của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh trong sách ngữ văn lớp 6 tập 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Bài thơ gồm 8 khổ, nói về việc không tốt của việc đi bắt nạt người khác và khuyên các em học sinh không nên bắt nạt các bạn yếu thế hơn mình.
Nhiều người cho rằng, bài thơ có ngôn từ dễ hiểu, phê phán việc bạo lực học đường nhưng cũng có ý kiến cho rằng, tính nghệ thuật của bài thơ không cao, tính giáo dục không rõ ràng, không phù hợp để đưa vào sách giáo khoa (SGK) cho học sinh.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Ủy viên Hội đồng Thơ, Hội nhà văn Việt Nam - cho biết, tùy theo từng cấp học mà tác phẩm đưa vào SGK có tính thẩm mỹ khác nhau. Với cấp tiểu học, bài thơ không cần quá xuất sắc nhưng vẫn phải đạt tiêu chí như sự trang nhã, tính giáo dục.
"Những bài thơ đưa vào SGK cho học sinh cấp 1 góp phần định hướng tính cách các em. Nếu tùy tiện đưa bài nào cũng được thì rất nguy hiểm. Trước đây, chúng ta đã có nhiều bài thơ của các tác giả Phạm Hổ, Định Hải, Nguyễn Ngọc Ký… nuôi dưỡng tâm hồn, giúp các em lớn lên thành một người tử tế. Không thể nói vì đổi mới SGK mà chúng ta đưa các bài thơ theo cảm tính được", ông Nhơn chia sẻ.
Nói về bài thơ Bắt nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận định, đây là một tác phẩm "giả ngô giả ngọng", ngôn từ trong thơ không phải là ngôn ngữ của trẻ con.
"Đọc bài thơ thấy rất khiên cưỡng, giữa hồn nhiên và sự giả ngây ngô rất khác nhau. Bài thơ nhân danh "trẻ con" để nói nhưng không dành cho trẻ con. Tôi được biết, bài thơ đã bị phản ứng vào năm 2021 nhưng vẫn được tái bản ở các năm học sau thì có thể đây là quan điểm của nhóm biên soạn.
Họ giữ chính kiến của mình mà không căn cứ vào nghệ thuật thi ca. Nhóm biên soạn không nghe dư luận mà vẫn dùng bài thơ này trong SGK vì quá tự tin nên mới bị phản ứng một lần nữa", ông Nhơn nêu ý kiến.
Thạc sĩ Lý luận phê bình Văn học Đinh Mỹ Hà cho biết, thế hệ 7x, 8x từng thuộc lòng nhiều bài thơ trong SGK vì đó là những bài thơ hay, có văn vần, có tính thẩm mỹ, giáo dục nhân cách tốt, nhưng với bài thơ Bắt nạt, bà thấy rất kém duyên, không có tính nghệ thuật.
"Một bài thơ làm chơi, đọc chơi thì thế nào cũng được nhưng nếu được chọn đưa vào SGK phải thật chuẩn mực, có tính nghệ thuật cao. Bài Bắt nạt tôi đọc thấy rất bình thường, tôi không hiểu bài thơ có gì "lấp lánh" mà đưa vào SGK? Sao nó lại vượt qua được hội đồng thẩm định nội dung tác phẩm?
Đoạn cuối đọc mới thấy trúc trắc, khó hiểu mà lại không ăn nhập gì với cả bài, nhất là câu: Vì bắt nạt rất hôi. Không phải tự nhiên mà bài thơ bị phản ứng liên tục như vậy", bà Hà thẳng thắn.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt thì nêu quan điểm, việc đưa những chủ đề như bạo lực học đường, bắt nạt… vào thơ, văn thì rất nên ủng hộ nhưng với bài thơ Bắt nạt, anh nghĩ rằng, chỉ nên đưa một vài trích đoạn phù hợp để minh họa cho chủ đề thay vì đưa toàn bộ bài thơ.
"Ở góc độ độc giả, tôi thấy có vài đoạn thú vị, dễ thương và vài đoạn đúng là hơi gượng ép, lủng củng, thiếu logic... Tuy nhiên, thơ ca phụ thuộc rất nhiều vào trải nghiệm và cảm xúc cá nhân của người đọc, thế nên không có công thức nào để khái quát như thế này mới là hay và thế kia mới là dở", nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho hay.
Nói về thị trường thơ thiếu nhi hiện nay, anh Phong Việt cho biết, người Việt Nam làm thơ nhiều, xuất bản thơ cũng nhiều nhưng rất hiếm khi bán được.
"Số lượng các nhà thơ in thơ và bán được là rất khiêm tốn. Riêng về mảng thiếu nhi, giờ quá ít người chịu viết: Thứ nhất, đó là một đề tài không dễ với các nhà thơ. Thứ hai là thơ thiếu nhi cũng không phải dễ bán so với truyện chữ, truyện tranh cùng đề tài nên chúng ta ít thấy thơ thiếu nhi là vậy", nhà thơ Nguyễn Phong Việt nhận định.