Tâm điểm
Vân Thiêng

Bao giờ cho đến ngày xanh lại sông Tô Lịch

Nước sông Tô Lịch bỗng nhiên xanh trong  vào ngày đầu tháng 7 khi có nguồn nước từ Hồ Tây đổ vào, rồi trở lại cái màu đen đục và hôi thối lâu nay. Dù chỉ là một vài ngày xanh; dù chỉ là một đoạn so với chiều dài dòng sông gần 14km và chiều dài cả nghìn năm lịch sử của một dòng sông từng soi bóng kinh thành, song khoảnh khắc xanh trong ngắn ngủi ấy cũng đủ gợi lên bao suy nghĩ, hy vọng cho những người đang sống trong bầu không khí ngột ngạt và ô nhiễm.

Tôi cũng đã có 4 năm gắn bó với sông Tô Lịch, khi mỗi ngày đi làm và đưa đón con đi học phải đi dọc bờ sông từ Cầu Lủ đến Ngã Tư Sở, hít thở cái mùi tanh nồng bốc lên từ dòng sông quanh năm đen ngòm bởi nước thải chảy ra từ những họng cống ngầm.

Bao giờ cho đến ngày xanh lại sông Tô Lịch - 1

Vì gắn bó như vậy, nên tôi tìm hiểu và được biết con sông từng được xem là một trong những "long mạch" của kinh thành Thăng Long khi vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Đây là tuyến thủy lộ quan trọng từ phía đông nam vào kinh thành, là nơi nhiều đời vua Lý - Trần thường đi thuyền rồng dạo chơi giữa những ngôi làng trù phú được tưới tắm bởi phù sa sông Hồng.

Con sông rộn ràng trên bến dưới thuyền để trai gái tình tứ trong câu hát trao duyên: "Nước sông Tô vừa trong vừa mát. Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh. Dừng chèo muốn tỏ ân tình, Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu…" 

Từng là một phụ lưu của sông Hồng nối qua Hồ Tây, dòng sông xanh trong trữ tình ấy bắt đầu chết dần sau mấy lần sông Hồng đổi dòng. Đặc biệt là từ khi người Pháp quy hoạch phát triển Hà Nội thành thủ phủ của xứ bảo hộ ở Đông Dương, rồi quá trình đô thị hóa nhanh chóng mấy thập niên gần đây, cũng như một số dòng sông khác ở nội đô, Tô Lịch đã trở thành một dòng sông ô nhiễm, khi phải hứng toàn bộ nguồn nước thải sinh hoạt, sản xuất của người dân 6 quận huyện, kéo dài từ Tây Hồ, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì…

Cũng vì chủ yếu là nước thải sinh hoạt nên nước sông Tô Lịch vừa ô nhiễm vừa không đủ lớn để tạo thành dòng chảy, khiến nước trên sông quanh năm hầu như đứng yên (nước chết), lượng bùn đất bồi lắng ngày càng trầm trọng, có nơi dày hơn 1 mét so với cốt đáy sông được tính toán.

Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã nỗ lực tìm cách làm sạch dòng sông Tô Lịch. Từ việc làm bè cây thủy sinh để lọc nước, tổ chức nạo vét bùn khơi thông dòng chảy (đã nạo vét hàng chục nghìn mét khối mỗi năm), đến thí điểm dùng hóa chất để làm sạch nước trên sông theo công nghệ Nhật Bản… Tuy nhiên, tất cả đều như muối bỏ biển khi mỗi ngày, hàng trăm nghìn mét khối nước thải, rác thải sinh hoạt chưa qua xử lý vẫn đổ thẳng ra sông.

Đó chính là lý do vì sao chỉ một đoạn sông Tô Lịch từ Hoàng Quốc Việt đến Ngã Tư Sở xanh trong được một vài ngày như vừa qua. Khi nguồn nước Hồ Tây không còn điều tiết vào nữa, ngay tức khắc, Tô Lịch đã trở lại hình ảnh của dòng sông ô nhiễm.

Vì vậy, nếu không chặn triệt để nguồn nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả trực tiếp xuống lòng sông như lâu nay thì thật khó có thể làm sống lại sông Tô Lịch nói riêng và những con sông trong lòng Hà Nội nói chung. Dù biết rằng, đó là niềm mơ ước của hàng triệu người dân, là nỗi trở trăn bao năm của chính quyền thành phố về một Hà Nội văn minh, hiện đại với không gian xanh mát của những dòng sông.

Những thử nghiệm không mang lại hiệu quả như kỳ vọng; Những hội nhóm tình nguyện như Hà Nội xanh hoạt động vì môi trường... cũng chỉ dừng lại ở mức độ cổ vũ phong trào, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng… chứ không thể giải quyết dứt điểm nạn ô nhiễm sông Tô Lịch và những dòng sông trong nội đô.

Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, vốn đầu tư trên 16.200 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản. Dự án gồm nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000m3/ngày đêm, hệ thống cống thu gom, cống bao và hệ thống đấu nối (dọc hai bên sông Tô Lịch và sông Lừ), khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài khoảng hơn 52km

Dự án đã được khởi công từ năm 2016 và đến nay đang trong quá trình hoàn thiện, kỳ vọng khi đi vào hoạt động có thể giảm "gánh nặng" cho những dòng sông trong nội đô như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ. Đó là tín hiệu đáng mừng cho nỗ lực hồi sinh những dòng sông chết của Hà Nội.  

Tuy nhiên, tôi nghĩ, câu chuyện một vài ngày xanh trong của sông Tô Lịch vừa rồi đã gợi nhớ về một ý tưởng từng được Công ty Thoát nước Hà Nội đề xuất. Đó là xây dựng trạm bơm công suất 150.000m3/ngày đêm, bơm nước từ sông Hồng vào Hồ Tây, rồi từ đó qua hai cửa xả, đưa nước vào sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch dòng sông.   

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND thành phố thông qua đặt mục tiêu giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.

Bao giờ cho đến ngày xanh lại sông Tô Lịch - 2

Một đoạn sông Tô Lịch (Ảnh: Ngọc Tân)

Theo đó, Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông. Nhờ được bổ sung nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông chết, tích tụ nước thải như hiện nay.

Tôi nghĩ, việc thu gom, xử lý nước thải trước khi đổ ra môi trường, kết hợp với bổ sung nguồn nước đủ mạnh từ sông Hồng để tạo dòng chảy, có lẽ là giải pháp khả thi cho nỗ lực hồi sinh những con sông trong lòng Hà Nội. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian.

Mong rằng những công việc nêu trên sẽ được quan tâm đốc thúc vừa đảm bảo chất lượng, vừa đẩy nhanh được tiến độ vì bao nhiêu năm nay người Hà Nội mong mỏi ngày dòng sông Tô Lịch sống lại. Để, nếu không có được những dòng sông như Seine ở Paris (Pháp), Thames của London (Anh), Moskva của Moscow (Nga), hay sông Danube chảy qua thủ đô 4 nước là Vienna (Áo), Belgrade (Serbia), Bratislava (Slovakia) và Budapest (Hungary)… thì chí ít, chúng ta cũng có được những con sông xanh mát uốn lượn giữa lòng Hà Nội, chứ không phải những con sông chết như hiện nay.

Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!