Bài toán kết nối sân bay Long Thành - TPHCM
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải ngày 14/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo, cho hay đến thời điểm này, việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm đạt các kết quả rất đáng mừng, trong đó sân bay Long Thành "đã lên hình hài rất rõ".
"Vừa qua, chúng ta đã huy động nguồn vốn gần 2 tỷ USD trong nước cho dự án này; các vướng mắc về vốn, mặt bằng, vật liệu đã được giải quyết, vấn đề bây giờ là tập trung thi công 3 ca, 4 kíp", người đứng đầu Chính phủ nói.
Với tiến độ nêu trên và nếu theo đúng kế hoạch, sân bay Long Thành sẽ được đưa vào khai thác giai đoạn 1 trong 2 năm tới. Thời gian cho các phần việc liên quan, bao gồm việc triển khai các dự án kết nối sân bay Long Thành và TPHCM, không còn nhiều.
TPHCM và Đồng Nai bị chia cắt bởi các sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải. Lâu nay kết nối giao thông giữa hai địa phương chủ yếu là đường bộ, tuy nhiên các tuyến đường hiện hữu đều quá tải; có thể kể đến như cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51…
Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây chỉ 4 làn xe (mỗi bên 2 làn) nên một xe nào đó gặp trục trặc kỹ thuật hoặc xảy ra va chạm là lập tức ùn tắc kéo dài. Quốc lộ 51 thì có rất nhiều điểm giao cắt đồng mức, nhiều khu dân cư hai bên nên cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc, các phương tiện không thể di chuyển tốc độ cao khi qua đây.
Các dự án cao tốc như Biên Hòa - Vũng Tàu, hay Bến Lức - Long Thành, vì nhiều lý do khác nhau đến nay chưa rõ thời điểm thông tuyến. Trên tuyến đường bộ còn có các phương án xây cầu Cát Lái, cầu nối từ TP Thủ Đức sang huyện Long Thành, hay xây cầu từ quận 7 nối sang Nhơn Trạch… Tuy nhiên, hiện mới là phương án dự kiến và nếu triển khai cũng sẽ cần nhiều năm để hoàn thành.
Khi hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026, sân bay Long Thành sẽ có công suất khai thác là 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa. Rõ ràng lượng hành khách và hàng hóa rất lớn này không thể và không nên chỉ dựa vào đường bộ, với nhiều rủi ro như ùn tắc, tai nạn giao thông…
Các công trình hạ tầng giao thông như sân bay, bến cảng có một đặc điểm chung là quy mô càng lớn và phục vụ được lượng hành khách càng đông, thì càng phát huy hiệu quả kinh tế. Sân bay Long Thành sẽ chỉ hiệu quả khi đón được lượng khách đủ lớn, và hành khách cũng sẽ chọn sân bay Long Thành không chỉ bởi hạ tầng hiện đại của sân bay mà còn cả sự thuận tiện trong kết nối giao thông từ sân bay đến TPHCM và các địa phương khác. Sức sống của sân bay Long Thành còn quyết định đến sự phát triển của đô thị ở khu vực này.
Một bài toán đơn giản là việc đi đến sân bay càng thuận tiện, chi phí cả về thời gian và tiền bạc càng giảm thì sân bay sẽ càng có lợi thế trong việc thu hút hành khách. Đây cũng là lý do các nước thường quy hoạch sân bay gắn liền với quy hoạch hạ tầng kết nối nguồn hành khách, nguồn hàng hóa.
Đặt lên bàn cân về chi phí và an toàn thì vận tải đường bộ tuy có "điểm cộng", song cũng tồn tại nhiều "điểm trừ" so với các loại hình giao thông khác như đường thủy hay đường sắt. Được biết vừa qua ngành Giao thông đã lên phương án xây dựng tuyến đường sắt thông suốt từ Tân Sơn Nhất đến Long Thành. Và trong diễn biến mới nhất, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang tính toán phương án vận chuyển hành khách từ trung tâm TPHCM đến sân bay Long Thành bằng đường thủy, đặc biệt là tàu cao tốc để kết hợp di chuyển và tham quan du lịch bằng đường thủy.
Rõ ràng việc đầu tư tuyến đường sắt hay đường thủy kết nối TPHCM - Long Thành là cần thiết, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phải dựa vào các tuyến đường bộ đã quá tải như nêu trên. Ở đây tuyến đường sắt chắc chắn sẽ cần số vốn lớn (tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành từng được tính toán có tổng vốn hơn 40.000 tỷ đồng) và thời gian thi công nhiều năm; trong khi đó tuyến đường thủy tuy chưa được công bố về số vốn và thời gian triển khai, song chắc chắn sẽ ít tốn kém hơn và nhanh hơn nhiều so với đường sắt.
Đã đến lúc ngành Giao thông và các địa phương liên quan không chỉ cần khẩn trương với sân bay Long Thành mà cả với các tuyến đường kết nối.
Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!