Thị trường iPhone xách tay tại Việt Nam có quá nhiều "rác"

Thế Anh

(Dân trí) - Khi chọn mua một chiếc iPhone xách tay, người dùng sẽ cần phải kiểm tra thật kỹ thiết bị, tránh chọn phải những mẫu máy kém chất lượng.

Trong nhiều năm qua, iPhone xách tay không còn là mặt hàng quá xa lạ đối với người tiêu dùng tại Việt Nam. So với máy chính hãng, những sản phẩm này luôn tỏ ra có lợi thế nhờ giá bán hấp dẫn hơn hẳn. Đây cũng là điểm mạnh chính khiến nó có được thu hút được nhiều người dùng.

Tuy nhiên, thị trường iPhone xách tay cũng tràn lan với đủ loại mặt hàng “thượng vàng hạ cám” khác nhau. Thậm chí, nếu không cẩn thận và không tìm hiểu kỹ thông tin trước khi lựa chọn, người dùng hoàn toàn có thể mua phải những chiếc máy kém chất lượng.

Hàng "bãi" được gắn mác 90%, 95%

Bên cạnh những chiếc máy được quảng cáo là hàng like new hay mới 99%, một số cửa hàng nhỏ lẻ cũng bán ra những thiết bị với mác 90%, 95%. Những thiết bị này thường có ngoại hình trầy xước, một số máy thậm chí có thể bị cấn hoặc móp. Đa số chúng được bán ra dưới dạng máy trần, không kèm phụ kiện.

Thị trường iPhone xách tay tại Việt Nam có quá nhiều rác - 1
Chiếc iPhone 7 Plus hàng 90 % bị trầy trước, mất kính camera sau.

Những loại hàng này được một số cửa hàng nhỏ lẻ chào bán trên các hội nhóm hoặc các trang rao vặt. Xét về giá bán, mặt hàng này thường có giá thấp hơn từ 1-1,5 triệu đồng so với loại hàng 99%.

"Các cửa hàng thường phân loại iPhone theo hình thức và chất lượng máy trước khi bán ra thị trường. Hàng cấp A (hàng 99%) là những máy có ngoại hình đẹp nhất, chỉ có một vài vết xước nhẹ, gần như mới, chất lượng linh kiện được đảm bảo", ông Hoàng Giang, chủ một cửa hàng kinh doanh iPhone lâu năm tại Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

Ông Giang cho biết thêm, 2 loại hàng còn lại là hàng cấp B (hàng 95%) và cấp C (hàng 90%). Đây là những máy có ngoại hình xấu, trầy xước, bị cấn móp trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, linh kiện bên trong của chúng cũng có thể đã bị thay thế.

Sau khi phân loại, cửa hàng sẽ định giá cho từng loại máy. Hàng cấp A có giá cao nhất, sau đó là hàng cấp B và thấp nhất là hàng cấp C. Ông cũng đưa ra lời khuyên người dùng không nên ham rẻ mà mua những máy cấp B hay cấp C bởi chúng hoạt động không ổn định, dùng lâu dài rất dễ xảy ra lỗi.

iPhone mất vân tay, lỗi Face ID

Khoảng 2 năm nay trở lại đây, những chiếc iPhone mất vân tay, lỗi Face ID xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Chúng được chào bán với mức giá rẻ hơn khoảng 3-4 triệu đồng so với máy hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nguồn gốc của loạt hàng này rất khó xác định và chất lượng của chúng cũng không được đảm bảo.

Hiện tại, một số cửa hàng đang chào bán chiếc iPhone X mất Face ID với giá khoảng 7 triệu đồng. Có thể thấy, mức giá này thấp hơn khoảng 3,5 triệu đồng so với máy quốc tế có cùng màu sắc và dung lượng bộ nhớ.

Thậm chí, mức chênh lệch trên có thể lên đến hơn 4 triệu đồng đối với một số model đời mới như iPhone XS hay XS Max. Trước đó, những mẫu iPhone 7 Plus, 8 Plus mất vân tay cũng xuất hiện tràn lan trên thị trường với giá rẻ.

Thị trường iPhone xách tay tại Việt Nam có quá nhiều rác - 2
iPhone X mất Face ID được chào bán với giá từ 7 triệu đồng, thấp hơn 3 triệu so với máy hoạt động bình thường.

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hỏng Face ID. Trường hợp nhẹ nhất là phần cáp kết nối bị lỏng, đứt, người dùng chỉ cần thay cáp mới là có thể sử dụng hoàn toàn bình thường", ông Đức Huy, đại diện một hệ thống chuyên sửa chữa điện thoại tại Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.

Ông Huy cho biết cảm biến Face ID được Apple thiết kế đi liền với cụm camera trước, cảm biến ánh sáng, cảm biến tiệm cận. Do đó, chỉ một trong những linh kiện này bị hỏng, người dùng sẽ không thể sử dụng được Face ID.

"Chưa bàn đến việc máy mất Face ID sẽ khiến người dùng không thể sử dụng và trải nghiệm đầy đủ các tính năng trên iPhone X. Chất lượng của những sản phẩm này cũng là một dấu hỏi lớn. Người dùng nên cảnh giác với loại hàng này bởi chúng có nguồn gốc không rõ ràng", ông Huy nói thêm.

Theo chia sẻ từ một số cửa hàng, đây là những chiếc máy đã hỏng từ trước. Sau khi nhập loại hàng này về, họ sẽ phải tháo máy ra để kiểm tra linh kiện và thử sửa chữa chúng. Trường hợp không thể sửa được, máy sẽ được bán thanh lý dưới dạng hàng mất Face ID với mức giá rẻ hơn.

iPhone khóa mạng

iPhone khóa mạng (iPhone lock) cũng là một mặt hàng quen thuộc với không ít người dùng máy xách tay. Loại hàng này đã xuất hiện trên thị trường từ lâu nhưng phải đến giữa năm 2018 nó mới thực sự gây được sức hút đối với người dùng.

Thị trường iPhone xách tay tại Việt Nam có quá nhiều rác - 3
iPhone lock từng trở thành mặt hàng hot vào giữa năm 2018.

Thời điểm đó, một loại SIM ghép đặc biệt kết hợp với mã ICCID đã giúp cho iPhone lock có thể dễ dàng được kích hoạt và sử dụng như máy quốc tế. Người dùng lúc đó không cần phải cài đặt bất cứ phần mềm sửa lỗi hay gặp khó khăn gì trong quá trình sử dụng. Điều này vô tình khiến những chiếc iPhone lock trở thành “món hời” trong một khoảng thời gian ngắn.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, mã ICCID liên tục bị chặn khiến cho nhiều người dùng iPhone lock không thể sử dụng máy một cách bình thường. Đến nay, loại hàng này đã gần như biến mất trên thị trường.

Nhiều cửa hàng thậm chí cũng đã ngừng kinh doanh iPhone lock từ lâu. Nguyên nhân chính được cho là do giá bán của những thiết bị này không còn nhiều chênh lệch so với hàng quốc tế như trước.

Hiện tại, một chiếc iPhone XS Max khóa mạng đang được chào bán với giá 12,2 triệu đồng cho phiên bản 64 GB bộ nhớ. Trong khi đó, máy quốc tế có cùng màu sắc và dung lượng chỉ đắt hơn khoảng 1 triệu đồng.

“Mức chênh lệch này là khá thấp. Vì thế, người dùng không còn nhiều hứng thú với iPhone khóa mạng. Thêm vào đó, những hạn chế và rắc rối trong việc dùng iPhone lock khá nhiều nên mặt hàng này không còn được săn đón như trước”, ông Quang Trung, đại diện truyền thông một hệ thống bán điện thoại xách tay tại Hà Nội chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm