DMagazine

Sau 25 năm vào Việt Nam, Internet đã đưa người Việt đi xa đến đâu?

(Dân trí) - Ngày 19/11/1997, Internet đã chính thức xuất hiện tại Việt Nam. Xuyên suốt một phần tư thế kỷ, Internet đã trở thành một phần không thể thiếu, có mặt ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Các báo cáo mới nhất cho biết Việt Nam hiện có gần 70 triệu người dùng sử dụng Internet trên khắp lãnh thổ. Con số này tương đương với hơn 70,3% trên tổng dân số và cao hơn mức trung bình của thế giới (62,5%).

Đối với thế hệ trẻ hiện nay, Internet đã trở thành một phần quen thuộc, không thể thiếu trong đời sống. Không ai có thể phủ nhận được vai trò và tầm quan trọng của Internet đối với cuộc sống hiện đại ngày nay. Dù vậy, không phải ai cũng có thể biết được quá trình mà Internet "bước chân" vào Việt Nam và dần trở nên phổ biến như hiện tại.

Sau 25 năm vào Việt Nam, Internet đã đưa người Việt đi xa đến đâu? - 1

Nhìn về quá khứ, năm 1987, Việt Nam đã khai thông trạm thông tin vệ tinh công nghệ phương tây đầu tiên ở TPHCM, đồng thời kết nối với Úc, tự động hòa mạng viễn thông Việt Nam với thế giới. Trong giai đoạn 1978-1992, khái niệm Công nghệ Thông tin (CNTT) thậm chí còn chưa ra đời. Việc lắp đặt trạm viễn thông này được xem là quyết định cực kỳ táo bạo, thậm chí là dũng cảm trong thời điểm bấy giờ. 

Khi đó, Việt Nam có chưa đầy 100.000 thuê bao điện thoại. Việc bỏ công nghệ analog, đi thẳng vào số hóa ở hai thành phố lớn là một quyết định mang tính lịch sử. Do số lượng thuê bao ít, việc thay thế thiết bị, công nghệ có thể thực hiện rất nhanh. Tháng 11/1990, Hà Nội đã chuyển hoàn toàn sang digital chỉ sau một đêm. TPHCM cũng làm được điều tương tự vào tháng 12/1991.

Sau 25 năm vào Việt Nam, Internet đã đưa người Việt đi xa đến đâu? - 3

Di động chưa có, Internet chưa có, Việt Nam lúc đó hầu như chưa sản xuất được thiết bị viễn thông, tất cả hầu hết nhập ngoại. Tuy nhiên, đây lại là những dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự đi lên trong công nghệ thông tin của Việt Nam.

Người có ảnh hưởng to lớn, tạo bước ngoặt lịch sử trong hành trình đưa Internet về Việt Nam là Tiến sĩ Mai Liêm Trực. Ông là Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Bộ Thông tin & Truyền thông).

Năm 1991, ông đã tham dự Hội nghị Thông tin vệ tinh tại Mỹ và được giới thiệu về Internet. Khoảng thời gian này, mạng World Wide Web cũng chính thức xuất hiện, mở ra một cuộc đại cách mạng về Internet. Điều đó đã thôi thúc ông phải mang Internet về Việt Nam.

Trong giai đoạn từ năm 1991-1997, rất nhiều thử nghiệm đã được các trung tâm và viện công nghệ thực hiện tại Việt Nam. Ngày 19/11/1997 là một dấu mốc quan trọng khi Internet đã chính thức được cung cấp cho người dân trên cả nước.

Giai đoạn này, Internet bị quản lý rất chặt. Tuy nhiên, với quan điểm "Năng lực quản lý phải theo kịp với yêu cầu phát triển", ông Trực đã ra sức thuyết phục nhiều cơ quan chức năng cùng các lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đến tháng 10/2000, Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa" ra đời, tạo đà phát triển chóng mặt cho Internet.

"Để Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu là một chặng đường khó khăn. Khó khăn nhất là đánh thông "nhận thức" vì lúc đó Việt Nam vừa mới được dỡ bỏ cấm vận, bắt đầu mở cửa và đổi mới. Việt Nam đã hội nhập Internet và mở ra kỷ nguyên World Wide Web đến với người dân trong mọi lĩnh vực cuộc sống, xã hội như ngày hôm nay", ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, chia sẻ.

Đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng (Internet Service Provider - ISP), việc đưa Internet trở thành một phần quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam cũng là một nhiệm vụ đầy thách thức.

Sau 25 năm vào Việt Nam, Internet đã đưa người Việt đi xa đến đâu? - 5

Theo chia sẻ từ ông Hoàng Việt Anh - Tổng Giám đốc FPT Telecom, trong bối cảnh khái niệm về Internet còn quá mới với đại đa số người dân Việt Nam, việc đầu tư vào dịch vụ cung cấp Internet của FPT Telecom được xem là bước đi vô cùng liều lĩnh mà tập đoàn đã đặt cược. 

Ông Việt Anh cho biết vào năm 1997, FPT Telecom bắt đầu chỉ với 4 thành viên, với khối tài sản là căn phòng 6m2 và số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 70.000 USD. Đây là một con số không thể nhỏ hơn để một công ty viễn thông có thể bước vào hoạt động.

Từ tháng 4/1997, FPT Telecom đã lập ra mạng Intranet đầu tiên tại Việt Nam, tiền thân của mạng Internet bây giờ, mang tên gọi mạng Trí tuệ Việt Nam. Có khoảng hơn 5.000 người trên toàn quốc đã tham gia sử dụng mạng này, với các dịch vụ được cung cấp như thư điện báo, báo điện tử, hội thoại trực tiếp, thảo luận, đào tạo và tư vấn về tin học.

"Trong thời kỳ đầu đó, chúng tôi đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, tiềm lực tài chính,... Chưa kể, thời điểm đó Internet là lĩnh vực rất nhạy cảm và có thể có tác động mạnh về xã hội cũng như chủ quyền an ninh quốc gia nên không phải cứ có tiền là làm được. Thực tế là đã có rất nhiều người hoài nghi về sự thành công của chúng tôi và cho rằng công ty sẽ sớm phá sản chỉ sau vài tháng", ông Việt Anh chia sẻ.

Sau 25 năm vào Việt Nam, Internet đã đưa người Việt đi xa đến đâu? - 7

Đầu năm 2001, thị trường Internet tại Việt Nam bắt đầu phát triển với tốc độ chóng mặt. Đến tháng 7/2003, dịch vụ truy cập Internet băng thông rộng ADSL đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam với thương hiệu MegaVNN do VNPT cung cấp. Tiếp theo đó, Saigon Postel và FPT Telecom cũng tham gia vào thị trường này.

Sau 25 năm vào Việt Nam, Internet đã đưa người Việt đi xa đến đâu? - 9

"Bước ngoặt cho sự hội nhập và phát triển của Internet Việt Nam là việc phá bỏ thế độc quyền, mở cửa cạnh tranh. Từ đó, giá cước giảm xuống, trong khi chất lượng dịch vụ được nâng cao. Internet cũng dần được phổ cập nhanh chóng và rộng rãi đến đa số người dân từ thành thị tới nông thôn, biên giới, hải đảo", ông Hoàng Việt Anh - Tổng Giám đốc FPT Telecom, nhận định.

Với sự bùng nổ của Internet, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục,... Từ con số 0 trong những năm đầu hội nhập, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu ở Đông Nam Á về kết nối và phát triển Internet.

Qua mỗi năm, Internet lại càng trở nên thiết yếu với người dân Việt Nam trong cuộc sống hàng ngày, trong giao tiếp, giải trí, kinh doanh cũng như mọi lĩnh vực, ngành nghề khác nhau từ giáo dục, văn hóa, y tế,... Đây chính là nền móng cho việc ứng dụng Internet phát triển ở cấp độ cao hơn và quy mô lớn hơn trong các lĩnh vực như chính phủ điện tử, thành phố thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh và y tế thông minh,...

"Thay đổi sâu sắc đầu tiên mà Internet mang đến là từ nhận thức của người dân. Mọi người ai ai cũng được tiếp cận và trao đổi thông tin. Internet giúp Việt Nam nhanh chóng hòa nhập, hội nhập Kinh tế, Quản lý và cả Chính trị", ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, nhận định.

Sau 25 năm vào Việt Nam, Internet đã đưa người Việt đi xa đến đâu? - 11

Internet hiện tại là nền tảng kết nối cốt lõi, đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc thực thi chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Trong tương lai, chính Internet cũng sẽ mở đường để Việt Nam tiến vào thế giới số, thiết lập hạ tầng số cho phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.

"Việt Nam đang hướng tới chuyển đổi số - kinh tế số và chắc chắn Internet sẽ có vai trò quyết định trong quá trình này. Điều đó cũng đòi hỏi thể chế, môi trường, chính sách phải thay đổi phù hợp và mạnh mẽ hơn. Hy vọng với quyết tâm đổi mới, sáng tạo, tương lai của Internet tại Việt Nam trong 10-15 năm tới sẽ có sự đột phá mới, thành công mới", ông Nguyễn Long chia sẻ.

Trong suốt 25 năm qua, Internet đã mang đến cho Việt Nam rất nhiều những sự đổi mới và cơ hội. Không chỉ phục vụ nhu cầu kết nối, tìm kiếm, chia sẻ thông tin, Internet đã len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội, trở thành nền tảng kết nối không thể thiếu. Sự ra đời và phát triển của các mô hình dịch vụ, ứng dụng, hay sản phẩm công nghệ trên nền tảng kết nối Internet đã đem lại sự thay đổi nhanh chóng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như tri thức con người.

Sau 25 năm vào Việt Nam, Internet đã đưa người Việt đi xa đến đâu? - 13

Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch Covid-19, cả xã hội phải giãn cách khiến nhu cầu kết nối và chuyển đổi số tại Việt Nam bùng nổ. Lưu lượng Internet cũng tăng hơn 30% trong năm qua. Điều này là minh chứng mạnh mẽ cho thấy tầm quan trọng của Internet đối với sự phát triển của con người, doanh nghiệp, quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh lẫn giai đoạn bình thường mới.

"Từ một dịch vụ mới còn xa lạ với người dân Việt Nam, khiến các nhà quản lý thời kỳ đầu bỡ ngỡ, Internet giờ đây đã trở thành trụ cột của nền kinh tế số. Tốc độ phát triển Internet tại Việt Nam không chỉ tăng trưởng về số lượng người dùng mà còn nâng cấp cả về chất lượng đường truyền, chất lượng dịch vụ", Tổng Giám đốc FPT Telecom chia sẻ.

Từ năm 2010 đến nay, Internet Việt Nam chuyển dịch từ cáp đồng ADSL sang cáp quang FTTH. Không đơn giản chỉ là nâng cấp kết nối mà sự thay đổi này còn tạo ra môi trường Internet an toàn, bảo mật và riêng tư hơn.

Sau 25 năm vào Việt Nam, Internet đã đưa người Việt đi xa đến đâu? - 15

Dù Internet có mặt tại Việt Nam sau rất nhiều quốc gia trên thế giới, song Việt Nam đang nằm trong top đầu những nước có lượng người dùng Internet nhiều nhất, cả trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia trong nhóm đứng đầu về số người sử dụng điện thoại di động lớn trong những năm gần đây. 

"Đây là tiền đề thuận lợi cho việc phát triển hệ sinh thái Internet ở Việt Nam trong tương lai. Đồng thời, sự phát triển, cải tiến của công nghệ Internet ngày càng diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi sự nhạy bén, chuyển mình của các tổ chức, doanh nghiệp. Kỷ nguyên phát triển tiếp theo của Internet tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng bao trùm bởi 4 xu hướng toàn cầu: metaverse (vũ trụ ảo), web 3.0, AI (trí tuệ nhân tạo) và blockchain (chuỗi khối). Cùng với đó sẽ là sự bùng nổ của các dịch vụ tiện ích trên mạng viễn thông và Internet là điều tất yếu tại thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam", ông Việt Anh nói.

Nội dung: Thế Anh

Thiết kế: Khương Hiền