Thực hư tin đồn Facebook mua lại TikTok tại Mỹ
(Dân trí) - Nhiều cư dân mạng đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy có khả năng Meta, công ty mẹ của Facebook, sẽ mua lại TikTok để giúp mạng xã hội này tiếp tục hoạt động tại Mỹ. Sự thật về điều này như thế nào?
Nhiều bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, X, Reddit… đã chỉ ra những bằng chứng cho thấy Meta, công ty mẹ của Facebook, có động thái sẽ mua lại TikTok tại Mỹ.
Một số cư dân mạng cho biết họ phát hiện ra Facebook đã lập tài khoản chính thức trên TikTok. Dù tài khoản này chưa đăng tải bất kỳ nội dung nào nhưng đã có hơn 417,4 ngàn người theo dõi.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, tài khoản Facebook trên TikTok đã được lập từ năm 2022. Do vậy, tin đồn về việc Facebook lập tài khoản trên TikTok sau khi mua lại mạng xã hội này là không chính xác.
Việc một mạng xã hội lập tài khoản chính thức trên một nền tảng mạng xã hội khác không phải là điều hiếm gặp, chẳng hạn như TikTok cũng đang sở hữu tài khoản Facebook chính thức, với hơn 39 triệu người theo dõi.
Một số cư dân mạng cho biết họ phát hiện ra TikTok đã cho phép người dùng đồng bộ hóa dữ liệu với tài khoản Facebook và đây là bằng chứng cho thấy Meta sẽ mua lại TikTok. Tuy nhiên, trên thực tế tính năng này cũng đã tồn tại từ lâu và không phải là tính năng mới xuất hiện gần đây.
Nhiều người dùng mạng xã hội Reddit cho biết họ đã nhìn thấy nội dung quảng cáo của Facebook và Instagram xuất hiện trên TikTok và cho rằng đó là dấu hiệu Meta sẽ mua lại TikTok. Tuy nhiên, việc Meta mua quảng cáo trên TikTok cũng là điều bình thường và không phải quá đặc biệt.
Trong bối cảnh TikTok đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ, dường như Meta đang tích cực chạy các nội dung quảng cáo ngay trên chính TikTok để lôi kéo người dùng của mạng xã hội này chuyển sang sử dụng các dịch vụ của mình như Facebook, Instagram hay Threads.
Ngoài TikTok, Meta cũng đang chạy các chiến dịch quảng cáo trên YouTube hay Google…
Một động thái khác khiến nhiều người tin rằng TikTok tại Mỹ sắp có chủ mới, đó là khi Châu Thụ Tư (Shou Zi Chew) bất ngờ xóa đi thông tin mình là CEO của TikTok ở phần giới thiệu trên trang TikTok cá nhân.
Thậm chí nhiều người tin rằng TikTok tại Mỹ đã có chủ mới và Châu Thụ Tư sẽ phải rút lui khỏi vị trí CEO để nhường cho một người khác.
Vì sao Meta khó có thể mua lại TikTok?
Hiện cả Meta lẫn TikTok đều không đưa ra bình luận gì trước các tin đồn về một thương vụ giữa hai bên.
Tuy nhiên, việc Meta thâu tóm TikTok khó có thể xảy ra, nhất là khi Meta đang bị Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đưa vào tầm ngắm với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền.
FTC cáo buộc quy mô của Meta quá lớn khiến công ty này nắm giữ quyền lực độc quyền trên thị trường mạng xã hội tại Mỹ. Đây là điều dễ hiểu khi Meta đang sở hữu Facebook, Instagram, WhatsApp và Threads, đều là những nền tảng mạng xã hội với hàng tỷ người dùng.
Nếu Meta tiếp tục mua TikTok, điều này sẽ khiến FTC càng có thêm cơ sở để áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Meta, bao gồm việc buộc công ty này phải chia nhỏ các bộ phận của mình để phân tán quyền lực.
Hiện TikTok là một trong những mạng xã hội lớn nhất tại Mỹ, với hơn 170 triệu người dùng, còn Facebook là nền tảng mạng xã hội lớn nhất trên toàn cầu nói chung và tại Mỹ nói riêng, với hơn 250 triệu người dùng tính riêng tại quốc gia này.
Có thể nói, dù Meta có muốn mua lại TikTok tại Mỹ thì thương vụ này cũng rất khó xảy ra. Chắc hẳn chính quyền tân Tổng thống Donald Trump sẽ không muốn một công ty nắm giữ quá nhiều nền tảng mạng xã hội lớn như vậy, vì điều này đồng nghĩa với việc Meta sẽ có quyền định hướng dư luận rất lớn.
Thay vì thâu tóm TikTok, nhiều khả năng Meta sẽ tận dụng bối cảnh tương lai bất ổn của TikTok tại Mỹ để lôi kéo người dùng TikTok chuyển sang sử dụng các nền tảng mạng xã hội của hãng.
Tháng 4/2024, Tổng thống Mỹ mới mãn nhiệm Joe Biden đã ký một sắc lệnh buộc TikTok phải thoái vốn khỏi chủ sở hữu của Trung Quốc (công ty mẹ ByteDance) và bán lại cho một pháp nhân tại Mỹ, nếu không nền tảng mạng xã hội này sẽ bị cấm hoạt động.
Đêm 18 và sáng 19/1, người dùng TikTok tại Mỹ khi truy cập vào mạng xã hội này đã nhận được thông báo: "Xin lỗi, TikTok hiện không khả dụng. Một luật cấm TikTok đã được ban hành tại Hoa Kỳ. Thật tiếc là điều đó có nghĩa là bạn không thể sử dụng TikTok vào lúc này".
Ứng dụng TikTok cũng bị gỡ bỏ khỏi 2 kho ứng dụng Google Play dành cho Android và App Store dành cho iOS tại Mỹ.
Tuy nhiên, khoảng 12 giờ sau khi lệnh cấm có hiệu lực, TikTok đã quay trở lại hoạt động bình thường tại Mỹ.
Tổng thống mới nhậm chức Donald Trump đã gia hạn thời điểm lệnh cấm TikTok, giúp mạng xã hội này quay trở lại hoạt động và có thêm thời gian tìm một pháp nhân để bán lại quyền quản lý công ty tại Mỹ.