Quảng cáo thuốc cường dương, thuốc xương khớp vẫn tràn lan trên YouTube

Thế Anh

(Dân trí) - Sau một khoảng thời gian biến mất, các quảng cáo thuốc đông y trị xương khớp, tiểu đường hay thuốc cường dương đã quay trở lại "tấn công" người dùng YouTube tại Việt Nam.

"Gần đây, khi xem YouTube trên TV, tôi lại bắt gặp quảng cáo thuốc trị xương khớp, tiểu đường, thậm chí là thuốc cường dương. Chúng xuất hiện ở cả các video hoạt hình và chương trình dành cho trẻ nhỏ. Điều này vô cùng nguy hiểm", anh Thanh Tuấn, một người dân tại quận Bình Thạnh, TPHCM, chia sẻ.

Quảng cáo thuốc cường dương, thuốc xương khớp vẫn tràn lan trên YouTube - 1

Quảng cáo thuốc trên YouTube được làm giống như một bản tin thời sự (Ảnh: Thế Anh).

Từ lâu, quảng cáo thuốc đông y trị tiểu đường, xương khớp đã trở thành nỗi ám ảnh với không ít người dùng YouTube tại Việt Nam. Những nội dung quảng cáo này thường xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn rồi biến mất.

Các video quảng cáo thuốc vẫn được thực hiện theo phong cách quen thuộc trước đây. Cụ thể, nội dung quảng cáo sẽ được lồng ghép hình ảnh của người nổi tiếng hoặc một số người tự nhận là bệnh nhân đã khỏi sau khi sử dụng thuốc.

Thậm chí, không ít đoạn quảng cáo còn lồng ghép cả logo của các đài truyền hình, dàn dựng giống như một video phóng sự hay bản tin thời sự để thu hút sự chú ý của người xem, nhằm lôi kéo người dùng tin tưởng sản phẩm.

Trên thực tế, những video quảng cáo dạng này vi phạm nghiêm trọng chính sách của Google. 

Bất chấp những quy định trên, giới chạy quảng cáo thuốc đông y tại Việt Nam vẫn liên tục vượt mặt hệ thống kiểm duyệt nội dung của Google. Có thể thấy, các nội dung quảng cáo sai phạm thường xuyên hiện diện trên nền tảng này trong thời gian dài.

Quảng cáo thuốc cường dương, thuốc xương khớp vẫn tràn lan trên YouTube - 2

Từ lâu, quảng cáo thuốc đông y trị tiểu đường, xương khớp đã trở thành nỗi ám ảnh với không ít người dùng YouTube tại Việt Nam (Ảnh: Thế Anh).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Ngọc Anh, một chuyên gia trong lĩnh vực Digital Marketing, cho biết nhóm lừa đảo đã sử dụng chiến lược "đánh nhanh rút gọn". Theo đó, các video quảng cáo thuốc đông y chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn rồi biến mất để tránh bị phát hiện.

"Họ có thể đã sử dụng một số thủ thuật giả mạo giấy phép để vượt qua kiểm duyệt của YouTube. Việc cấm các tài khoản Google Ads không phải là giải pháp xử lý triệt để. Ngưng tài khoản này thì họ sẽ tạo tài khoản khác và điều đó không hề khó", bà Ngọc Anh chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm