Những sản phẩm lọt vào vòng chung khảo Nhân tài đất Việt 2007
(Dân trí) - Sáng và chiều 18/11, các thí sinh đã trình bày sản phẩm của mình trước hội đồng giám khảo. GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch hội đồng giám khảo, đã trực tiếp nghe và phản biện cho toàn bộ 17 sản phẩm tranh tài. Dân trí xin giới thiệu 12 trong số 17 sản phẩm lọt vào vòng chung khảo hôm nay.
Cổng thông tin người khuyết tật Việt Nam
Thí sinh khuyết tật Trịnh Công Thanh là người mở đầu phần trình bày cho sản phẩm Cổng thông tin người khuyết tật Việt
Được thành lập từ tháng 7/2003, với ý tưởng ban đầu là một diễn đàn trên internet để những người khuyết tật chia sẻ với nhau. Sau một thời gian, Trịnh Công Thanh đã phát triển và hoàn thiện diễn đàn thành cồng thông tin điện tử cung cấp nhiều dịch vụ miễn phí dành cho người khuyết tật.
Truy cập vào website www.nguoikhuyettat.org, người khuyết tật có thể chia sẻ và tìm kiếm thông tin về cộng đồng khuyết tật trong nước và quốc tế, các thông tin dự án, tài trợ dành cho người khuyết tật...
Modul Diễn đàn trên cổng thông tin người khuyết tật là nơi để cộng đồng người khuyết tật trong nước và ở nước ngoài chia sẻ những khó khăn, động viên nhau cùng vượt lên tật nguyền để thành công trong cuộc sống.
Ngoài ra, phần việc làm trực tuyến đăng tải thông tin tuyển dụng luôn thu hút sự quan tâm của người khuyết tật.
Hội đồng giám khảo đã đánh giá khá cao ý tưởng và những tính năng hỗ trợ người khuyết tật của cổng thông tin điện tử người khuyết tật. Sản phẩm có khả năng ứng dụng tốt, tính chuyên nghiệp cao, hỗ trợ đắc lực cho người khuyết tật.
Tuy nhiên, hội đồng phản biện cho rằng, trong tương lai sản phẩm này cần hoàn thiện hơn nữa các chức năng trao đổi thông tin, các dịch vụ miễn phí để đúng với ý nghĩa của cụm từ “Cổng thông tin điện tử cho người khuyết tật”.
Hệ thống tích hợp ứng dụng iDesk
Đây là một sản phẩm đã ứng dụng hoàn toàn do nhóm tác giả Nguyễn Văn Hiền phát triển. Sản phẩm có giao diện thân thiện, đơn giản, mọi người dùng trong môi trường văn phòng có thể dễ dàng sử dụng, chia sẻ thông tin. Sản phẩm là một phần mềm dựa trên nguồn mở nhằm mục tiêu xây dựng một “văn phòng không giấy tờ” và “văn phòng di động” với chi phí sở hữu thấp, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Sản phầm có thể tạo được 12 định dạng tập tin, quản lý 20 loại định dạng và tìm kiếm trong 1 loại định dạng khác nhau.
Theo Ths. Nguyễn Lâm Thanh, thành viên hội đồng phản biện, ưu điểm của sản phẩm này là khả năng tìm kiếm và quản lý trên hầu hết các định dạng tài liệu hiện có trên thị trường. Là phầm mềm nguồn mở nên chi phí thấp nhưng vẫn đầy đủ các tính năng của môi trường làm việc văn phòng, cộng tác (VoIP, chatting, e-mail, luồng văn bản, luồng công việc, lịch nhắc việc...).
Sản phẩm có giao diện hoàn toàn tiếng Việt nên khi triển khai trong thực tể khá dễ dàng. Ngoài ra, sản phẩm có ưu điểm là khả năng bảo mật dữ liệu cao và hỗ trợ trên nhiều hệ thống khác nhau như Windows, Linux, MAC-OS...
Trường học trực tuyến AISO và Hệ thống thi sát hạch
Hệ thống do nhóm tác giả thuộc công ty AI Việt Nam phát triển với 2 modul chính là Trường học online và Hệ thống thi sát hạch trực tuyến. Đây là hệ thống đã được nhóm tác giả triển khai ứng dụng trong thực tế tại địa chỉ school.aivietnam.net (trường học online) và test.aivietnam.net (thi sát hạch). Hệ thống đã cung cấp dịch vụ cho nhiều trung tâm thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau và nhận được nhiều phản hồi tich cực.
Hai hệ thống được phát triển dựa trên portal mã nguồn mở của dotnetnuke trên cơ sở ngôn ngữ Visual Basic.net, hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQL Server 2000.
Hệ thống trường học trực tuyến cung cấp các khoá học với nội dung dạng text, các đường dẫn đến tài liệu tham khảo và bài giảng video. Người học có thể tự sắp xếp thời gian và tiến trình học tập của mình tuỳ thuộc vào ràng buộc của khoá học.
Sau khi học xong, học viên sẽ tham dự buổi thi và sẽ được chấm điểm tự động, được cấp giấy chứng nhận nếu có nhu cầu. Đối với người quản trị, hệ thống cho phép quản lý các khoá học, lớp học, phòng chat và thông báo…
Theo đánh giá chung của Hội đồng giám khảo, hai modul này được xây dựng tuy không mới về ý tưởng nhưng đã được triển khai khá chuyên nghiệp, giao diện thân thiện, dễ sử dụng.
Về những tồn tại và khuyết điểm, theo đánh giá của TS Nguyễn Kim Khánh, Giám đốc Thư viện và mạng thông tin, Giảng viên khoa CNTT, trường ĐHBK Hà Nội, thì nội dung và thiết kế của hệ thống còn khá đơn giản. Hình thức học của học viên chưa chưa phong phú, chủ yếu là theo giáo trình cố định đã cung cấp trên website với khả năng tương tác giữa người học với giáo viên và giữa các học viên với nhau còn hạn chế.
Hệ thống thi sát hạch mới chỉ có một hình thức trắc nghiệm, chưa hỗ trợ các bài thi tự luận, vốn rất quen thuộc với người học. Mặt khác, là lớp học qua internet nên có thể khai thác tối đa các tiện ích media nhưng khả năng sử dụng hình ảnh, âm thanh trong các bài học chưa được hỗ trợ.
Hệ thống chẩn đoán lỗi động cơ ô tô
Đối với đa số thợ sửa chữa ô tô Việt Nam, rào cản lớn nhất đối với họ là ngoại ngữ. Hệ thống chẩn đoán lỗi động cơ ô tô (DTDScantool) hỗ trợ tìm hơn 10.000 sự cố trục trặc hiển thị hoàn toàn bằng tiếng Việt, trong cơ sở dữ liệu, gấp khoảng 4 lần so với các sản phẩm khác hiện có ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Đáp ứng đầy đủ và tốt hơn về cơ sở dữ liệu cho thị trường ô tô trên thế giới và Việt Nam, đặc biệt là rất dễ sử dụng với một thợ sửa chữa ô tô bình thường chỉ với một vài thao tác.
Ngoài ra, sản phẩm cũng hỗ trợ kiểm tra xe thế hệ cũ OBD và OBD-I sản xuất trong khu vực ASEAN (phần EFI SCAN). Đây là phần hoàn toàn mới và duy nhất hiện nay trên thị trường Việt Nam.. Việc cập nhật dữ liệu và sử dụng thiết bị này khá đơn giản, thuận tiện và hoàn toàn miễn phí (như cập nhật chương trình diệt vius BKAV) tại địa chỉ của nhà cung cấp dịch vụ.
Ngoài những ưu điểm có thể nói là vượt trội, DTDScantool đáp ứng đầy đủ các tính năng thông thường như: Đọc và xóa mã lỗi chẩn đoán sai hỏng lưu trên “hộp đen” của xe và tắt đèn báo lỗi “MIL” hoặc (Check Engine Light) sau khi xe đựợc thay dầu hoặc sửa chữa; gợi ý tìm lỗi và sửa chữa; hiển thị các thông số kỹ thuật hiện hành của xe bao gồm: Tốc độ động cơ (máy), giá trị tải động cơ, nhiệt độ nước làm mát, trạng thái hệ thống nhiên liệu, tốc độ xe, áp suất khí nạp, thời gian đánh lửa sớm, nhiệt độ khí nạp, lưu lượng khí nạp, vị trí góc mở bướm ga, điện thế cảm biến khí thải (Oxygen), áp suất nhiên liệu, điện áp ắc quy...
Theo TS. Nguyễn Văn Xuất, Trưởng khoa CNTT-Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng, bộ phần mềm có ý tưởng tốt, có ý nghĩa kinh tế và xã hội, đã được phát triển tương đối hoàn chỉnh.
Còn PGS. TS Nguyễn Hoàng Phong, Trung tâm tin học Bộ Y tế, lại cho rằng sản phẩm có một số chức năng chưa hoàn thiện, chỉ dừng lại ở đọc và so sánh các lỗi thông thường được ghi lại trên hộp đen của xe hơi. Đối với các loại xe đời mới, việc đọc các lỗi kỹ thuật này là không cần thiết vì các thiết bị cảm biến sẽ tự phát hiện ra những lỗi này. Mặt khác, nếu so sánh với các sản phẩm của nước ngoài thì một số sản phẩm ở nước ngoài còn rẻ hơn do họ sử dụng mã nguồn mở.
Hội đồng phản biện cũng khá băn khoăn về tên gọi của sản phẩm bởi nếu gọi là thiết bị chẩn đoán lỗi động cơ ô tô là không hoàn toàn chính xác. Nếu gọi là thiết bị đọc và so sánh lỗi động cơ ô tô sẽ chính xác hơn vì thực tế sản phẩm là một thiết bị gia tăng trên nền tảng của thiết bị sẵn có (hộp đen).
Phần mềm quản lý và chấm bài thi trắc nghiệm tự động MarkREC
Phần mềm có khả năng chấm thi với tốc độ nhanh (70 bài/phút trong điều kiện cấu hình máy Celeron 1.5Ghz, 256Mb RAM), có thể nhận dạng những bài thi bị vò nát, bị bóp méo phi tuyến...
Tuy nhiên, BGK đã nêu ra những câu hỏi về đầu vào, khả năng tương thích của sản phẩm với các loại máy scan. Theo ông Hoàng Lê Minh, đối với các sản phẩm chấm thi trắc nghiệm, máy scan rất quan trọng.
Hệ điều hành Portals
Từ ý tưởng Portals Desktop, sau nhiều lần trao đổi, thảo luận, "Web Operating System" đã là tên chính thức cho sản phẩm Hệ điều hành web của Nhóm Tia Chớp Việt thuộc Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ cao.
Xuất phát từ những ý tưởng ban đầu muốn xây dựng một hệ thống Cổng thông tin đa cấp, những tác giả của sản phẩm Hệ điều hành web (Web Operating System) đã xây dựng phần mềm nhằm tối ưu hóa những tính năng (quản trị hệ thống, xây dựng cấu trúc dữ liệu) mô phỏng hệ điều hành Windows của Microsoft.
Theo trưởng nhóm Nguyễn Hoàng Long, hệ điều hành này lấy các portal làm đối tượng trung tâm, trong đó mỗi portal hướng đến một lĩnh vực, một đối tượng sử dụng thông tin khác nhau, các portal cấp cao lại được phân thành các portal cấp thấp hơn. Đặc biệt, trên hệ điều hành có một loại portal tiện ích gọi là SaaS (kế thừa của dòng sản phẩm ERPAAS hệ thống quản trị tổng thể doanh nghiệp theo mô hình SaaS – sản phẩm đã đạt giải thưởng Triển Vọng trong cuộc thi Nhân tài đất Việt 2006). SaaS là các phần mềm quản lý được triển khai trực tiếp trên mạng internet theo phương thức cho thuê phần mềm.
Theo phản biện của TS Nguyễn Kim Khánh, giảng viên khoa CNTT, ĐH Bách Khoa HN, nhóm tác giả chưa nói rõ về nhân hệ điều hành, nếu độc lập thì chưa thể hiện được bản chất của hệ điều hành. Các module mặc dù giao diện khá bắt mắt nhưng còn một số lỗi.
Những tồn tại, khuyết điểm của sản phẩm: module chơi nhạc còn chậm, định dạng file còn hạn chế. Module nhân hệ thống chưa trình bày kỹ, BGK cũng đã đề nghị nhóm tác giả trình bày chi tiết module này và một số module mã nguồn mở mà nhóm tác giả chưa trình bày đầy đủ.
Cuối cùng, tác giả cho biết “Portals” chỉ là tên riêng của sản phẩm, chi tiết này khiến BGK ồ lên ngạc nhiên.
Hệ thống thông tin nhà hàng, bar, cafe (e-coffee)
Đây là hệ thống gồm phần cứng và phần mềm, nhằm tối ưu hóa việc trao đổi thông tin trong quán bar, coffee, nhà hàng và những nơi có mô hình tương tự. Hệ thống là sự kết hợp hài hòa, khoa học các cộng nghệ: điện tử, tin học và điều khiển từ xa, nhằm tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng. Hệ thống bao gồm: Thiết bị chọn món; Thiết bị nhận. Bộ xử lý thông minh
Phụ bàn dùng thiết bị chọn món ghi nhận thực đơn khách yêu cầu (mỗi món được gán một số duy nhất), rồi gửi thông tin đến thiết bị nhận. Thiết bị nhật sẽ gửi thông tin đến bộ xử lý trung tâm. Tại đây, số liệu được lưu trữ cho việc tính toán hóa đơn, đồng thời gửi đến bộ phận chế biến. Một khi món chế biến (pha chế) xong, hệ thống hỗ trợ việc thông báo cho phụ bàn biết để mời khách thưởng thức.
Hệ thống quản lý được 999 món, 255 bàn. Bộ phận pha chế biết số lượng thức uống/ ăn theo khách yêu cầu của toàn bộ quán, (hoặc khu vực) và theo từng bàn. Nhân viên không cần dùng giấy bút để ghi nhận yêu cầu của khách. Chỉ cần dùng remote để chọn món, đơn giản như trong phòng KaraOke...
Lợi ích của sản phẩm là khá lớn: Giảm thời gian khách phải chờ thức uống/ ăn; Giảm nhân viên phụ bàn (do có hệ thống mạng truyền dẫn thông tin); Thống kê, báo cáo doanh thu hiệu quả hơn; giúp dự đoán chính xác, khoa học hơn doanh thu thời gian sắp tới.
Hầu hết BGK đều quan tâm tới phần mềm thiết thực này nên các câu hỏi đều khá sôi nổi. BGK đưa ra nhiều tình huống hàng ngày đời sống, chẳng hạn như khách đã gọi món xong lại đòi đổi, khách tự ý mang thiết bị remote vào “thử”... Ông Nguyễn Long hỏi cụ thể: “Một bộ 30 bàn /60 m2 thì hết khoảng bao nhiêu tiền? Trong quán có lưu lượng khách lớn liệu tác giả đã tính đến những nhầm lẫn, giả sử bấm nhầm, giả sử khách ăn một món 2-3 lần?...”
Phần mềm hỗ trợ trẻ khiếm thính luyện âm, tập nói và tư duy
Phần mềm được phát triển bởi nhóm Listen Me đến từ trường Đại học KHTN TPHCM. Đối tượng chính mà phần mềm này hướng tới là trẻ khiếm thính từ lớp 1 trở xuống và ở mức độ khiếm thính nhẹ. Phần mềm bao gồm một giáo trình (phiên bản 2.0), gồm 4 phần chính là Học Toán, Học Vần, Luyện phát hơi và Luyện nghe. Phần mềm cũng có các module hỗ trợ luyện phát âm, luyện khẩu hình miệng, module mô phỏng 3D cách phát âm, module hỗ trợ giúp bé tập viết và một từ điển múa dấu.
Trong 4 phần chính của giáo trình này, nhóm bài Học Vần được các tác giả đầu tư rất kỹ với 29 bài học, được gom nhóm theo bảng chữ cái tiếng Việt. Mỗi bài học sẽ có 3 cấp độ học: Học chữ cái (học cách phát âm, cách múa dấu, cách viết chữ cái). Học từ: học các từ vựng có liên quan đến chữ cái đó. Nội dung của các từ vựng này xoay quanh việc mô tả về thế giới xung quanh. Ứng với mỗi chữ cái, có khoảng 5-10 từ vựng đi kèm. Mỗi từ vựng bé được học cách phát âm, múa dấu, khẩu hình miệng, các dạng tồn tại của đối tượng mô tả.
Là sản phẩm hỗ trợ cho trẻ em khiếm thính nên ở mỗi bài học, khi đưa chuột vào bài học nào sẽ phát ra âm thanh của bài học đó
Theo PGS. TS Nguyễn Hoàng Phương, phần mềm bước đầu đã giúp cho trẻ em khiếm thính lớp 1 trở xuống trong luyện âm tập nói và rèn luyện tư duy, dễ sử dụng, đã bước đầu hỗ trợ tốt cho trẻ khiếm thính.
Tuy nhiên, sản phẩm chưa có sự đánh giá của cơ sở ứng dụng về nội dung cũng như lợi ích của nó. Trong tương lai cần có đánh giá thử nghiệm về tính khả thi của sản phẩm.
Hệ thống tìm kiếm thông tin tổng hợp tích hợp bản đồ số Izomi
Dịch vụ tìm kiếm nổi tiếng, như Google, Yahoo, MSN… rất phổ biến nhưng các công cụ này chưa mang lợi ích cho người dùng tại một địa phương cụ thể những thông tin cần thiết về “những cái xung quanh họ”.
Dịch vụ tìm kiếm IZOMI (Ease your mind) của nhóm tác giả Hoàng Quốc Việt và Nguyễn Hữu Thành có thể coi là công cụ Local Search (tìm kiếm cục bộ) đầu tiên ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu đó.
Phản biện của TS Nguyễn Nhật Quang: ý tưởng sản phẩm tốt, có tham vọng, có thể trở thành sản phẩm có triển vọng, tác giả có am hiểu trong lĩnh vực CNTT. Tuy nhiên sản phẩm đang dở dang về công nghệ, tính năng. Các phân tích cạnh tranh còn sơ sài, hệ thống thu thập thông tin từ web chưa đóng góp được nhiều.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Trung: sản phẩm nếu hoàn chỉnh thì rất tốt, hình thức tương đối. nhưng việc tìm bản đồ rất phức tạp thì giải quyết ra sao?!
Giám khảo đã đưa ra những khuyến nghị rất có ích cho tác giả trong việc tiếp tục phát triển sản phẩm, đặc biệt là việc phát triển bản đồ tìm kiếm. Kết thúc phần thi là một tình huống khá thú vị, Tổng thư ký hội Tin học Việt
Hệ thống tính cước ghise tập trung dựa trên công nghệ internet
Hệ thống được phát triển bởi tác giả Lê Nguyên Quang, phòng tin học bưu điện tỉnh Bắc Ninh. Sản phẩm là giải pháp áp dụng công nghệ web để tính cước tập trung và hiển thị cước phân tán cho các ghise giao dịch điện thoại, khắc phục nhược điểm của phương pháp tính cước phân tán, có hiệu quả kinh tế cao và đã được áp dụng trong phạm vi tỉnh Bắc Ninh.
Theo TS Vũ Văn Chung, phần sản phẩm dùng cho điểm giao dịch ở xa được thực hiện dưới dạng web 1.0 có giao diện về cơ bản đáp ứng được nhu cầu người dùng. Tuy nhiên việc dùng chức năng refresh trang web để lấy các thông tin cước mới nhất từ web server về điểm ghise giao dịch khá bất tiện cho nhân viên giao dịch và tăng tải cho cả hệ thống. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu năng của hệ thống khi triển khai trong phạm vi lớn.
Mặt khác, sản phẩm nặng về vấn đề tính cước và hiển thị cước mà chưa quan tâm nhiều đến việc dùng công cụ phân tích số liệu phục vụ kinh doanh. Theo TS Chung, sản phẩm nên quan tâm hơn nữa đến tính năng bảo mật của các trang web. Việc dùng thử cho thấy người dùng bất hợp pháp vẫn có thể xem được một số nội dung trong website.
Về ưu điểm, sản phẩm này đã xây dựng thành công mô hình hoàn chỉnh quản lý và tính cước điện thoại ghise tập trung từ xa bằng công nghệ web. Từ kết quả thực hiện tại bưu điện tỉnh Bắc Ninh cho thấy khả năng ứng dụng rộng rãi trong VNPT sẽ có hiệu quả kinh tế.
Phần mềm Lino 5.0
Phần mềm có khả năng tạo các trắc nghiệm, tạo các đĩa CD. ngân hàng trắc nghiệm, xáo câu hỏi, xáo đáp án, tạo các bài kiểm tra một cách tự động, in ấn bài kiểm tra và các đáp án..
Tác giả nhận định, trên thị trường đã có nhiều phần mềm cùng loại. Là giáo viên, tác giả quan tâm các phần mềm hữu ích nhất cho chính bản thân. Nhu cầu đầu tiên là để công việc được của chính bản thân được trôi chảy. Hiểu biết trong lĩnh vực CNTT của giáo viên là không đồng đều, cho nên sản phẩm được viết với giao diện dễ dùng, thân thiện và dễ hiểu.
Các ý kiến phản biện cho rằng sản phẩm chưa xử lý vấn đề kết xuất, việc sinh đề tác giả không trình bày, phân bố điểm, nhóm chủ đề chưa đề cập trong sản phẩm, không đề cập ứng dụng trong môi trường LAN.
Frame work hỗ trợ phát triển game 3D trên pocket PC
Với khát vọng xây dựng Framework hỗ trợ phát triển Game 3D trên Pocket PC, nhóm tác giả Lê Quang Song và Vũ Minh Thành đã phát triển sản phẩm “Framework hỗ trợ phát triển Game 3D trên Pocket PC”.
Ông Nguyễn Long hỏi ngắn gọn: “Nhóm tác giả có ý tưởng phát triển sản phẩm như thế nào sau cuộc thi?” GS TS Phạm Thế Long cho rằng giao diện sản phẩm còn hạn chế, không sắc nét, tuy nhiên sản phẩm còn khá mới ở VN, có nhiều triển vọng.