Nhóm lừa đảo người Việt đã chiếm đoạt 36 triệu USD từ Facebook như thế nào?

Thế Anh

(Dân trí) - Trong đơn kiện, Facebook đã mô tả lại chi tiết quá trình thực hiện hành vi lừa đảo của nhóm đối tượng người Việt Nam, gây thiệt hại hơn 36 triệu USD đối với mạng xã hội này.

Ngày 29/6, Facebook thông báo rằng họ vừa đệ đơn kiện hai nhóm lừa đảo trực tuyến, trong đó có một nhóm gồm bốn người Việt Nam. Bốn cá nhân bị cáo buộc bao gồm Nguyễn Hữu Thêm, Lê Khang, Nguyễn Quốc Bảo và Phạm Hữu Dũng. Những người này bị kiện vì hành vi lừa đảo để chạy quảng cáo trái phép, gây thiệt hại hơn 36 triệu USD.

Trong đơn kiện gửi tới Tòa án quận Nam California, Facebook nói rằng hành động gian lận của nhóm đối tượng này bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2020. Thời điểm đó, Lê Khang đã phát triển một ứng dụng độc hại có tên "Ads Manager" (Trình quản lý quảng cáo).

Nhóm lừa đảo người Việt đã chiếm đoạt 36 triệu USD từ Facebook như thế nào? - 1

Nhóm lừa đảo đã tạo ra ứng dụng giả mạo trình quản lý Facebook, sau đó chạy quảng cáo trên chính nền tảng này.

Ngày 28/12/2020, phần mềm này được phát tán trên kho ứng dụng Google Play. Đến ngày 7/1/2021, ứng dụng được đổi tên thành "Ads Manager for Facebook" (Trình quản lý quảng cáo cho Facebook). 

Ứng dụng được mô tả là một giải pháp thay thế hoàn hảo cho công cụ "Ad Manager" chính thức của Facebook. Thậm chí, nhóm lừa đảo còn chạy quảng cáo cho ứng dụng này trên chính nền tảng Facebook, nhắm vào những người dùng tại Mỹ, châu Âu, Brazil và Ấn Độ. Chỉ trong 4 ngày, khoảng 1.700 người đã bấm vào quảng cáo này.

Sau khi đăng nhập vào ứng dụng giả mạo này, các dữ liệu và cookie của người dùng sẽ được gửi đến máy tính và tài khoản Telegram của nhóm lừa đảo. Họ sử dụng những thông tin này để truy cập trái phép vào tài khoản của người dùng và chạy quảng cáo trên Facebook.

Theo thống kê từ Google Play, từ tháng 12/2020 đến tháng 5/2021, ứng dụng lừa đảo trên đã thu hút hơn 10.000 lượt cài đặt. Ứng dụng này hiện đã bị gỡ bỏ.

Facebook cho biết nhóm lừa đảo đã sử dụng các tài khoản để chạy hơn 10.000 quảng cáo trên Facebook và Instagram. Chưa dừng lại ở đó, những đối tượng này còn cho thuê lại các tài khoản đã bị đánh cắp.

Những nội dung chủ yếu được nhóm chạy quảng cáo bao gồm các video livestream bán hàng, bán quần áo, sản phẩm lưu niệm hoặc dịch vụ in áo. Các dịch vụ này được quảng cáo hướng tới người dùng tại Mỹ, châu Âu và Việt Nam. Thậm chí, không ít quảng cáo còn dẫn đến những trang web lừa đảo.

Đến ngày 16/6, Nguyễn Quốc Bảo đã chiếm đoạt được khoảng 150 tài khoản quảng cáo. Ngày 25/6, Facebook đã dùng các biện pháp kỹ thuật để khóa tài khoản Facebook, Instagram mà nhóm lừa đảo nắm giữ. Đồng thời, mạng xã hội này cũng cho biết họ đã hoàn tiền cho các nạn nhân và giúp họ tăng cường bảo mật cho tài khoản.

Nhóm lừa đảo người Việt đã chiếm đoạt 36 triệu USD từ Facebook như thế nào? - 2

Sau khi chiếm được các tài khoản quảng cáo, nhóm người này đã tự sử dụng, đồng thời cho thuê để chạy livestream bán hàng.

Ước tính, số tiền quảng cáo mà nhóm đối tượng này gây thiệt hại cho Facebook lên tới hơn 36 triệu USD. Facebook cũng đính kèm nhiều hình ảnh cho thấy nhóm đối tượng này đã sử dụng số tiền kiếm được từ hành vi lừa đảo để tiêu vào nhiều thú chơi xa hoa và đăng ảnh khoe khoang lên mạng xã hội.

Trong đơn kiện, Facebook cáo buộc những người này đã can thiệp vào mạng lưới dịch vụ của họ, làm ảnh hưởng tiêu cực tới trải nghiệm của người dùng và các nhà quảng cáo.

Facebook đã đề nghị Tòa án quận Nam California xét xử các cáo buộc với bị đơn. Mạng xã hội này cũng yêu cầu được phán xét để cấm nhóm bị đơn truy cập nền tảng Facebook, và đòi bồi thưởng số tiền ít nhất 36 triệu USD.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm