Người dân sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi mạng 2G bị tắt sóng tại Việt Nam?
(Dân trí) - Người dân sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi các nhà mạng chính thức tắt sóng mạng 2G tại Việt Nam? Bài viết dưới đây sẽ cho bạn câu trả lời.
Mạng 2G là gì?
Trước khi tìm hiểu những tác động của việc tắt sóng 2G đến người dân, hãy cùng tìm hiểu mạng 2G là gì?
Mạng 2G là công nghệ mạng di động viễn thông thế hệ thứ 2. Đây là thế hệ mạng di động đầu tiên sử dụng kỹ thuật số để truyền dữ liệu. Mạng 2G được thương mại hóa lần đầu tiên ở Phần Lan vào năm 1991 bởi nhà mạng Radiolinja và nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
Ưu điểm lớn nhất của mạng 2G đó là cho phép gọi điện thoại di động với tín hiệu được mã hóa dưới dạng kỹ thuật số; sử dụng hiệu quả tần số vô tuyến, cho phép nhiều người dùng hơn trên một dải tần số; cung cấp dịch vụ tin nhắn văn bản SMS…
Mạng 2G cũng cho phép người dùng di động kết nối internet thông qua dịch vụ vô tuyến gói tổng hợp (GPRS) với tốc độ truyền dữ liệu tối đa theo lý thuyết là 0,5 Mbit/giây (114 kbit/giây trên thực tế) và công nghệ EDGE, với tốc độ truyền dữ liệu tối đa theo lý thuyết là 1 Mbit/giây (trên thực tế ở mức 0,5 Mbit/giây).
Vì sao phải tắt sóng 2G?
Mạng 2G dần được thay thế bởi mạng 3G (công nghệ mạng di động viễn thông thế hệ thứ 3) từ khoảng năm 2002. Tại Việt Nam, mạng 3G được triển khai lần đầu tiên vào năm 2009 và nhanh chóng được phủ sóng trên các tỉnh thành khắp cả nước.
So với mạng 2G, mạng 3G mang lại nhiều cải tiến vượt trội, như tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn, khả năng truy cập internet tốc độ cao, khả năng sử dụng các dịch vụ thoại và kết nối dữ liệu di động cùng một lúc…
Sau mạng 3G, mạng 4G tiếp tục được triển khai tại Việt Nam vào năm 2017, mang lại nhiều lợi ích về tốc độ kết nối mạng internet, dịch vụ viễn thông…
Sự ra đời và phổ biến của các công nghệ mạng di động thế hệ mới đã khiến mạng 2G trở nên lỗi thời và dần được thay thế.
Tính đến năm 2023, nhiều quốc gia trên thế giới đã ngừng cung cấp dịch vụ và hoàn toàn tắt sóng 2G, chẳng hạn Mỹ (bắt đầu tắt sóng 2G từ năm 2017), Nhật Bản (tắt sóng 2G từ năm 2010), Hàn Quốc (tắt sóng 2G từ năm 2011), Singapore (tắt sóng 2G từ năm 2017), Thái Lan (tắt sóng 2G từ năm 2019)…
Tại Việt Nam, theo kế hoạch của Bộ TT&TT, đến tháng 9/2024 sẽ không còn thiết bị di động sử dụng mạng 2G và sẽ tắt sóng 2G hoàn toàn vào tháng 9/2026. Đây được xem là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.
Việc tắt sóng 2G là một xu hướng tất yếu trong sự phát triển của công nghệ di động. Mạng 2G đã quá lạc hậu và không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng về tốc độ truyền dữ liệu và khả năng truy cập internet. Tắt sóng 2G cũng sẽ giúp các nhà mạng tập trung nguồn lực để phát triển các công nghệ mạng 3G, 4G và 5G mới hơn.
Ngoài ra, tắt sóng 2G sẽ giúp tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn. Tắt sóng 2G cũng giúp giảm ô nhiễm điện từ, do mạng 2G sử dụng công nghệ cũ và tiêu tốn nhiều năng lượng để phát sóng.
Tắt sóng 2G cũng là giải pháp để người dân chuyển sang sử dụng những công nghệ viễn thông mới và hiện đại hơn, có tốc độ kết nối nhanh, ổn định hơn… giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, xã hội số…
Tắt sóng 2G sẽ ảnh hưởng người dân như thế nào?
Như trên đã đề cập, mạng 2G đã trở nên rất lỗi thời ở hiện tại, do vậy, việc tắt sóng mạng 2G về cơ bản sẽ hầu như không ảnh hưởng đến người dùng trong nước.
Trước đó, theo Thông tư 43/2020/TT-BTTTT ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy cập vô tuyến" do Bộ TT&TT ban hành, từ ngày 1/7/2021, tất cả điện thoại di động sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam đều phải được hỗ trợ công nghệ kết nối 4G.
Điều này đồng nghĩa với việc trong hơn 2 năm qua, không còn điện thoại kết nối 2G nào được nhập khẩu và bán ra thị trường. Bên cạnh đó, thị trường di động xuất hiện những sản phẩm với giá thành ngày càng rẻ giúp người dân có thể dễ dàng sở hữu những mẫu smartphone kết nối mạng 4G, 5G với chi phí không quá cao.
Dĩ nhiên, vẫn còn một số người dân đang sở hữu những điện thoại "cục gạch" chỉ hỗ trợ mạng 2G với các tính năng cơ bản như gọi điện hay nhắn tin. Nhóm người dùng này chủ yếu sống ở những khu vực nông thôn, miền núi xa xôi… hoặc những người cao tuổi không muốn chuyển sang smartphone vì ngại phức tạp, khó sử dụng…
Trước thực trạng này, Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam (trực thuộc Bộ TT&TT) sẽ tài trợ 400.000 máy điện thoại kết nối 4G để hỗ trợ các đối tượng thuộc diện ưu tiên như vùng sâu xa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong việc chuyển đổi sang công nghệ mới.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã có chương trình hợp tác với các nhà sản xuất cũng như các nhà mạng Việt Nam để hỗ trợ bán smartphone với giá từ 600.000 đến 700.000 đồng cho toàn bộ người dân.
Bên cạnh đó, hiện trên thị trường có không ít mẫu điện thoại "cục gạch" nhưng vẫn hỗ trợ kết nối mạng 3G, 4G để người dùng lựa chọn, vừa có thể sử dụng dễ dàng, vừa không phải lo ngại việc mạng 2G bị tắt sóng.
Theo ước tính, hiện cả nước có khoảng 15 triệu thuê bao 2G. Tuy nhiên, không phải người dùng thuê bao 2G nào cũng chỉ sở hữu một chiếc điện thoại "cục gạch", mà nhiều người trong số đó còn đang sở hữu thêm những smartphone với khả năng kết nối mạng 3G, 4G…
Tóm lại, việc tắt sóng 2G là xu thế tất yếu, không chỉ tại Việt Nam mà tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, giúp phát triển các công nghệ mạng mới và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Việc tắt sóng 2G này hầu như không ảnh hưởng đến phần lớn người dùng tại Việt Nam, khi các mẫu điện thoại hỗ trợ công nghệ mạng 4G, 5G đã trở nên rất phổ biến như hiện nay.