Hội đồng sơ khảo “thị sát” sản phẩm dự thi Nhân tài đất Việt 2012

(Dân trí) –Chiều 8/11, Hội đồng sơ khảo NTĐV 2012 lĩnh vực CNTT đã có chuyến khảo sát sản phẩm lọt vòng chung khảo “Giải pháp sách giáo khoa điện tử Classbook”. Sản phẩm này đang được ứng dụng ở trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội).

“Giải pháp sách giáo khoa điện tử Classbook” là một trong 14 sản phẩm được lọt vào vòng Chung khảo của cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm nay. Nhóm tác giả cho biết, sản phẩm mới được đưa vào sử dụng thí điểm cho lớp 8 của trường THCS Thực nghiệm và đã có những bước phản hồi tốt từ phía cô và trò.
 
Sản phẩm này được hiểu như 1 hệ sinh thái phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh trong nhà trường, trong đó cốt lõi là hệ thống sách giáo khoa, bài giảng điện tử hay tư liệu học tập được phân phối tập trung thống nhất từ Nhà xuất bản Giáo dục. Người sử dụng gồm học sinh, giáo viên được quyền khai thác tất cả các tài nguyên (nội dung, ứng dụng) trên môi trường này thông qua thiết bị cầm tay Classbook. Thiết bị được kết nối vào hệ sinh thái này và tận dụng các khả năng hỗ trợ giảng dạy đa nhiệm phong phú, hấp dẫn trên đó.
HS trường Thực nghiệm hào hứng với sản phẩm SGK điện tử Classbook.

HS trường Thực nghiệm hào hứng với sản phẩm SGK điện tử Classbook.

Thiết bị giáo dục Classbook là máy tính bảng chuyên dụng do người Việt Nam thiết kế và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập cho giáo viên và học sinh phổ thông với màn hình cảm ứng đa điểm, tỷ lệ 4:3, dung lượn pin đủ để đọc sách liên tục được 10-12 giờ.

Chức năng truy cập Internet bị kiểm soát để đảm bảo môi trường học tập bổ ích, hấp dẫn và phù hợp lứa tuổi. Hệ điều hành được phát triển riêng trên nền tảng Android để đảm bảo đáp ứng toàn bộ các yêu cầu phục vụ học tập cũng như kiểm soát 100% mã nguồn, tạo cơ chế bảo mật và kiểm soát nội dung/kết nối. Thiết bị Classbook cho phép người dùng sử dụng toàn bộ số lượng sách giáo khoa, sách bài tập cũng các các đầu sách tham khảo, bổ trợ học tập của chương trình phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 dưới dạng điện tử và tương tác.

Kho quản lý nội dung và ứng dụng Classbook Store: Từ điển, máy tính, Atlas, Gia sư điện tử, thí nghiệm mô phỏng… (và nhiều ứng dụng khác phục vụ học tập). Từ định hướng phát triển thiết bị công nghệ cao dưới dạng máy tính bảng chuyên dụng dành cho giáo dục, Classbook có thể được áp dụng với qui mô từ lớp 1 đến lớp 12, phổ cập tới gần 15 triệu học sinh phổ thông ở Việt Nam, góp phần nâng cao và mở rộng khả năng tiếp thu kiến thức, Đồng thời, các tính năng mở rộng cho phép nâng cao tính tương tác giữa học sinh – học sinh và giáo viên trong mô hình lớp học tương tác, giữa nhà trường và gia đình và cơ chế mở trong việc tích hợp vào các giải pháp đào tạo trực tuyến hoặc trao đổi dữ liệu với hệ thống quản lý học sinh/sổ liên lạc điện tử.
TS Nguyễn Long cùng thành viên trong đoàn chăm chú lắng nghe tiết học để đánh
TS Nguyễn Long cùng thành viên trong đoàn chăm chú lắng nghe tiết học để đánh giá tính ứng dụng của sản phẩm

Để đánh giá tính thực tế của sản phẩm này, Hội đồng sơ khảo đã tham dự một tiết học tiếng Anh của lớp HS khối 8 trường Thực nghiệm. Không khó để nhìn thấy ưu điểm của sản phẩm lọt vào vòng chung khảo này. Nó được thể hiện ở chỗ HS không cần phải mang SGK bản cứng đến lớp. Bên cạnh đó những ứng dụng tích hợp trong sản phẩm tạo ưu thế lớn cho HS học ngoại ngữ. Nếu như trước kia HS phải nghe băng hoặc đĩa từ thiết bị của giáo viên thì giờ đây với Classbook mỗi em được nghe trực tiếp bằng tai nghe với phiên âm chuẩn.

Một thành viên trong đoàn tham gia “thị sát” đánh giá, Classbook là xu hướng của tương lai. Đối với các nước có nền giáo dục phát triển thì việc đưa sách giáo khoa điện tử vào trường học đã được thực hiện từ đâu. Nó có rất nhiều lợi thế so với SGK bản cứng. Điều quan trong hơn cả là các em không phải “cõng” những chiếc cặp nặng mỗi khi đến trường. Tuy nhiên việc ứng dụng cũng chưa thể hiện hết tính ưu việt sản phẩm bởi thiếu thiết bị tương tác.
Trao đổi thêm với HS để biết hiệu quả quả sản phẩm

Trao đổi thêm với HS để biết hiệu quả quả sản phẩm
 
Hội đồng cùng tác giả lắng nghe ý kiến phản hồi của Ban giám hiệu trường THCS Thực nghiệm

Hội đồng cùng tác giả lắng nghe ý kiến phản hồi của Ban giám hiệu trường THCS Thực nghiệm

Để đánh giá tính ứng dụng của sản phẩm, TS Nguyễn Long cùng với các thanh viên cũng đã có một cuộc “test” nhỏ đối với HS của lớp. Bên cạnh đó đoàn cũng trao đổi thêm với Ban Giám hiệu nhà trường để tìm hiểu thêm tính ứng dụng của sản phẩm. “Mặc dù là Chủ tịch hội đồng sơ khảo nhưng để đánh giá sản phẩm có hoạt động và ứng dụng hiệu quả hay không thì phải do chính những người sử dụng đánh giá. Sự phản hồi này là khách quan nhất” – TS Nguyễn Long nói.

Ông Long cũng cho biết thêm, việc đi “thăm” sản phẩm rất quan trọng bởi nó sẽ là tiền đề để Hội đồng chung khảo đánh giá và đặt ra các câu hỏi sát với thực tế cho tác giả hoặc nhóm tác giải thuyết trình và trao đổi lại. “Chúng ta chưa vội bàn đến việc sản phẩm nào sẽ đoạt giải. Qua khảo sát thực tế Ban giám khảo sẽ định hướng giúp tác giả hoàn thiện sản phẩm của mình hơn. Quan trọng nhất là làm sao để sản phẩm dự thi được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong thực tế”, vị Chủ tịch Hội đồng sơ khảo nhấn mạnh.

BGK cũng cho biết thêm, sau chuyến “thị sát” này Hội đồng sơ khảo sẽ tiếp tục “thăm” các sản phẩm khác. Sau khi hoàn tất công đoạn này thì vào ngày 17/11 sẽ chính thức chấm vòng chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.
 
Vào 20h ngày 19/11 Lễ công bố kết quả và trao giải sẽ diễn ra tại Cung văn hoá hữu nghị Việt Xô, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 - Đài THVN và tường thuật trực tuyến trên Báo điện tử Dân trí (http://dantri.com.vn/), Báo Điện tử VnMedia (http://vnmedia.vn/).

S.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm