Năm nay Hội đồng Giám khảo chia thành 2 nhóm: Hội đồng giám khảo nhóm sản phẩm thành công và Hội đồng giám khảo nhóm sản phẩm có tiềm năng.
Ở nhóm sản phẩm thành công gồm, thành viên Hội đồng gồm GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, TS. Nguyễn Long- Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, TS Nguyễn Sỹ Huề- Trưởng ban Khoa học Công nghệ VNPT, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Viện trưởng Đại học Bách khoa HN, PGS.TS Nguyễn Minh Dân- Hội Đồng Khoa học Chương trình CNTT NN, GS. Nguyễn Thanh Thuỷ- Trường Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, TS Hoàng Lê Minh- Viện trưởng Viện CNG Phần mềm và NDS
Ở nhóm sản phẩm có tiềm năng, thành viên Hội đồng gồm PGS.TS Lương Chi Mai- Phó giám đốc Viện CNTT; ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học và Viễn thông Hà Nội; TS Phùng Văn Ổn- Giám đốc Trung tâm tin học Văn phòng Chính phủ, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng - Viện Trưởng ĐH BK Hà Nội, PGS.TS Dương Anh Đức- Trường ĐH KHTN - ĐHQG TP. HCM.
Trong mỗi phần bảo vệ dài 45 phút, sau phần trình bày của các nhóm tác giả về sản phẩm dự thi (thường dài khoảng 15phút), là phần phản biện của BGK, vốn rất nhiều câu "hỏi xoáy".
Nhìn vào danh sách Hội đồng giám khảo có thể thấy, tất cả những người gách trách nhiệm thẩm định, đánh giá sản phẩm, đều là các nhà khoa học lớn, các chuyên gia hàng đầu về CNTT hiện nay.
Giám khảo đưa ra rất nhiều câu hỏi từ những vấn đề rất thực tế tới những vấn đề liên quan tới kỹ thuật, công nghệ. Chẳng hạn với nhóm tác giả sản phẩm "Thiết bị cảnh báo trộm và định vị xe gắn máy thông qua ĐTDD S-Bike - Motobike alarm and tracking device controlled by mobile Phone S-Bike", thiết bị lấy nguồn điện từ ắc quy trên xe. TS Phùng Văn Ổn đặt câu hỏi: "Nhỡ ắc quy chết thì sao?", tác giả: "Thiết bị có thể lấy nguồn từ hệ thống điện khi xe nổ máy", Giám khảo tiếp lời: "Khi đã ngồi trên xe thì không thằng trộm nào lấy được...".
Với nhóm tác giả sản phẩm Viet2Go - Phần mềm hỗ trợ tìm kiếm, quảng bá địa điểm ứng công nghệ Tương tác thực tế - các giám khảo “xoay” nhiều về những ưu điểm so với các sản phẩm tương tự đã có trên thị trường. Đại diện nhóm khẳng định, tại Việt Nam mới chỉ có các sản phẩm ứng dụng trên máy tính. Viet2Go là sản phẩm đầu tiên chạy được trên smartphone và tablet.
Nhóm tác giả sản phẩm “Hệ thống trả lời tự động bằng giọng nói (VIS: Viet voice Serve)” lại bị các giám khảo “xoáy” về những cải tiến so với 1 sản phẩm khác của nhóm từng giành giải 3 Nhân tài Đất Việt 2009 là “Tiếng nói Phương Nam - VOS”. Đậu Ngọc Hà Dương, trưởng nhóm, lý giải: Sản phẩm của nhóm sử dụng công nghệ tổng hợp tiếng nói tốt hơn nhiều so với “Tiếng nói Phương Nam” và cũng đã có những ứng dụng thực tế, mang lại hiệu quả nhất định.
Khá tự tin sau phần bảo vệ của nhóm mình, anh Hà Dương chia sẻ: “Những phản biện, góp ý của các giám khảo sẽ giúp chúng tôi rất nhiều để khắc phục các khuyết điểm của sản phẩm và phát triển sản phẩm trong tương lai.”
Anh Dương cũng không giấu tham vọng “giật giải” năm nay: “Tham dự Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay, nhóm kỳ vọng sẽ giành giải cao hơn năm 2009. Song, mong muốn lớn nhất của nhóm là mang tri thức mình đã học tập, nghiên cứu cho xã hội, cho mọi người, muốn sản phẩm của mình được ứng dụng rộng rãi trong thực tế.”
"Màn" hỏi đáp khiến nhiều tác giả toát mồ hôi. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ về sản phẩm, tác giả sẽ rất dễ gặp lúng túng trước những câu hỏi đầy bất ngờ của Hội đồng.
Các tác giả sản phẩm "Hệ thống biến báo điện tử thành báo nói ViNAS" trình bày sản phẩm.
Tác giả sản phẩm Walltopforest - Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin cho hệ thống chăm sóc và quản lý cây trồng đang trả lời các câu hỏi của Hội đồng.
Tác giả demo sản phẩm trước Hội đồng.
Video không khí buổi chấm Chung khảo
Nhóm PV