1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Bộ công cụ AI chống gian lận trong thi cử

T.Thủy

(Dân trí) - Gian lận trong thi cử là vấn đề khiến nhiều quốc gia phải đau đầu tìm cách giải quyết. Một hãng phần mềm có trụ sở tại bang California, Mỹ, đã cho ra mắt công cụ chống gian lận trong thi cử bằng AI.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở nên phổ biến trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống. Trong lĩnh vực giáo dục, những chatbot (phần mềm chat tự động) tích hợp AI như ChatGPT, Gemini, CoPilot… đã trở thành những "trợ thủ" đắc lực cho học sinh, sinh viên trên ghế nhà trường.

Với những chatbot tích hợp AI, học sinh và sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm những câu hỏi, lời giải đáp cho các bài tập về nhà. Thậm chí, nhiều người còn yêu cầu những chatbot này làm giúp bài tập, soạn giúp các bài viết khóa luận… mà không cần phải mất công sáng tạo hoặc suy nghĩ.

Bộ công cụ AI chống gian lận trong thi cử - 1

AI có thể hỗ trợ tốt học sinh, sinh viên trong quá trình học tập, nhưng cũng có thể bị lợi dụng để gian lận khi thi cử (Ảnh minh họa: Getty).

Nói cách khác, những công cụ AI đang giúp cho quá trình gian lận trong học tập trở nên tinh vi và khó ngăn chặn hơn. Các giáo viên rất khó để có thể nhận biết những nội dung trong bài tập của học sinh, sinh viên được tạo ra bằng các chatbot AI.

Các hình thức gian lận trong học tập và thi cử bằng AI sẽ càng khó kiểm soát hơn với các lớp học trực tuyến, khi giáo viên không thể giám sát trực tiếp học sinh, sinh viên thực hiện bài thi.

Để khắc phục vấn đề này, hãng phần mềm Coursera, có trụ sở tại bang California, Mỹ, đã cho ra mắt bộ công cụ AI nhằm hỗ trợ ngăn chặn học sinh, sinh viên lợi dụng AI để gian lận trong thi cử, như một cách "lấy độc trị độc".

Bộ công cụ AI của Coursera bao gồm các tính năng hỗ trợ giáo viên chấm bài thi, giám sát, khóa trình duyệt web trong quá trình thực hiện bài thi trên máy tính… Đáng chú ý, bộ công cụ này còn có tính năng phát hiện đạo văn bằng AI, giúp nhận diện những nội dung bài thi sao chép từ nơi khác hoặc do các công cụ AI tạo ra.

Bộ công cụ cũng hỗ trợ giáo viên ra các đề thi bằng AI, bao gồm cả những đề thi vấn đáp, giúp tiết kiệm thời gian và tạo sự đa dạng cho đề thi. Quá trình chấm thi của bộ công cụ này cũng được trang bị tính năng AI, giúp cho kết quả chấm thi được khách quan nhất có thể.

Coursera được sáng lập vào năm 2012 bởi hai giáo sư Khoa học Máy tính của Đại học Stanford, Andrew Ng và Daphne Koller, với sứ mệnh giúp người học có thể truy cập vào những tài nguyên học tập chất lượng cao trên toàn cầu.

Hiện nay, Coursera là một trong những nền tảng học trực tuyến lớn nhất thế giới với hơn 148 triệu học viên đăng ký tính đến ngày 31/03. Hiện một số trường đại học tại Việt Nam như Đại học FPT, Văn Lang… đã ứng dụng công cụ AI của Coursera để giúp ngăn chặn gian lận và thiếu minh bạch, đảm bảo sự công bằng trong quá trình thi cử.

Trước đó, chính quyền nhiều tỉnh tại Trung Quốc cũng đã ứng dụng AI để ngăn chặn gian lận trong cuộc thi Đại học toàn quốc năm 2024.