1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Trung Quốc dùng AI ngăn chặn gian lận trong kỳ thi tuyển sinh đại học

T.Thủy

(Dân trí) - Kỳ thi tuyển sinh Đại học toàn quốc là kỳ thi khắc nghiệt nhất tại Trung Quốc. Tại kỳ thi năm nay, nhiều tỉnh thành Trung Quốc đã ứng dụng AI để ngăn chặn hành vi gian lận.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được áp dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Mới đây, một số tỉnh tại Trung Quốc đã ứng dụng AI để giám sát trong kỳ thi tuyển sinh Đại học Quốc gia, hay còn gọi là cao khảo, nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận và vi phạm quy chế thi, đảm bảo công bằng cho kỳ thi được đánh giá là khắc nghiệt nhất hành tinh này.

Các tỉnh như Quảng Đông, Hải Nam, Sơn Đông… đã triển khai "hệ thống giám sát trí tuệ nhân tạo" để giám sát kỳ thi cao khảo diễn ra trên địa bàn của mình.

"Chúng ta cần tích cực thúc đẩy việc kiểm tra bằng công nghệ thông minh theo thời gian thực trong các phòng thi để ngăn chặn các hành vi gian lận", Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết trên trang web chính thức trước khi kỳ thi cao khảo diễn ra.

Trung Quốc dùng AI ngăn chặn gian lận trong kỳ thi tuyển sinh đại học - 1

Hệ thống giám sát AI giúp phát hiện kịp thời các hành vi gian lận trong kỳ thi cao khảo (Ảnh minh họa: TG).

Trong những năm gần đây, các nhà quản lý giáo dục tại Trung Quốc đã áp dụng nhiều công nghệ khác nhau nhằm ngăn chặn hành vi gian lận và đảm bảo tính công bằng trong các kỳ thi cao khảo. Năm 2015, máy bay không người lái đã được triển khai để giám sát quá trình thi và kể từ năm 2016, gian lận trong kỳ thi cao khảo được xem là tội hình sự.

Theo tờ Nhật báo Quảng Đông, tỉnh này đã triển khai hệ thống giám sát AI tại 386 địa điểm thi để phát hiện các hành vi gian lận, đạo văn và các hành vi bất thường trong kỳ thi thông qua hệ thống giám sát hình ảnh. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, hệ thống AI sẽ lập tức kích hoạt báo động để giám khảo kiểm tra thí sinh nghi vấn.

Các hệ thống AI giám sát thi đã được đào tạo liên tục, giúp tăng độ chính xác về khả năng nhận diện hành vi gian lận. Hệ thống AI có khả năng xử lý khối lượng lớn video giám sát trong thời gian ngắn và đưa ra đánh giá theo thời gian thực, giúp cảnh báo các giám thị kịp thời.

Để xây dựng hệ thống AI nhằm phát hiện gian lận trong các kỳ thi, nhóm nghiên cứu đã phải thu thập các dữ liệu lớn về hành vi bình thường và bất thường trong quá trình thi cử. Công nghệ thị giác máy tính được sử dụng để chụp và xử lý hình ảnh trong phòng thi, trích xuất các đặc điểm của hình ảnh để phát hiện điều bất thường.

Các thuật toán máy học sau đó được huấn luyện dựa vào các đặc điểm trên ảnh để xây dựng mô hình nhận diện hành vi bất thường, sau đó áp dụng vào giám sát thực tế trong kỳ thi.

Dĩ nhiên, hệ thống AI không hoàn toàn thay thế sự giám sát của con người. Thông tin cảnh báo do AI cung cấp sẽ được xác minh thủ công bằng các giám khảo trong phòng thi và họ sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng liệu thí sinh đó có thực sự gian lận hay không.

Cao khảo được xem là kỳ thi quan trọng bậc nhất tại Trung Quốc, có thể quyết định tương lai của nhiều người trẻ tuổi. Tính cạnh tranh tại kỳ thi này rất cao, bởi lẽ các thí sinh sẽ phải luôn cố gắng làm bài thi tốt để được trúng tuyển vào những trường đại học hàng đầu Trung Quốc.

Kỳ thi cao khảo năm nay diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/6, với hơn 13,42 triệu thí sinh, số lượng thí sinh tham gia kỷ lục trong các kỳ thi cao khảo từ trước đến nay.

Mỗi môn thi sẽ kéo dài từ 75 đến 150 phút và mỗi phòng thi thường có 2 giám thị để giám sát 30 thí sinh. Số lượng thí sinh và giám thị có thể thay đổi đôi chút tùy theo từng địa phương.

Mặc dù đã tăng cường nhiều biện pháp an ninh và giám sát, vẫn có nhiều trường hợp gian lận xảy ra tại các kỳ thi cao khảo. Năm 2021, một thí sinh đã tải ảnh chụp một câu hỏi trong đề thi toán lên ứng dụng tìm kiếm trong thời gian thi, nghĩa là thí sinh này đã có thể mang smartphone kết nối internet và sử dụng trong phòng thi.

Hiện hệ thống giám sát và phát hiện gian lận bằng AI tại kỳ thi cao khảo mới chỉ được áp dụng tại một số tỉnh ở Trung Quốc. Nếu hệ thống này phát huy tác dụng, rất có thể nó sẽ được mở rộng và triển khai rộng rãi trên khắp cả nước tại kỳ thi cao khảo vào năm tới.

Theo SCMP/Global Times