WHO tìm nguồn hỗ trợ thuốc giải độc tố botulinum cho Việt Nam

Nam Phương

(Dân trí) - Ngày 23/5, Bộ Y tế cho biết Tổ chức Y tế thế giới đang tìm nguồn hỗ trợ khẩn cấp thuốc giải độc tố botulinum cho nhu cầu cấp bách của Việt Nam.

Liên quan đến các trường hợp ngộ độc botulinum tại TPHCM, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết đã khẩn trương liên hệ, trao đổi và làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để hỗ trợ giải quyết. WHO đang tìm nguồn thuốc giải độc tố botulinum (BAT) để hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam. 

WHO tìm nguồn hỗ trợ thuốc giải độc tố botulinum cho Việt Nam - 1

Thuốc giải botulinum có giá đến 8.000USD/lọ (Ảnh: BV).

Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ với các công ty nhập khẩu, nhà cung ứng để có thêm nguồn cung ứng thuốc. 

Ngộ độc botulinum là ngộ độc do nhiễm độc tố vi khuẩn clostridium botulinum. Ngộ độc này rất hiếm xảy ra, ở Việt Nam và trên thế giới. Nguyên nhân chính là do người bệnh nhiễm độc tố vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng, ăn phải các loại thức ăn bảo quản không tốt. 

Từ năm 2020 đến nay, nước ta ghi nhận rải rác một vài ca bệnh/năm. Do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh này (thuốc BAT) trên thế giới cũng rất hiếm. Vì vậy, đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung. 

Bên cạnh đó, giá của thuốc này cũng rất cao. BAT hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. 

Để chủ động hơn với các thuốc chống ngộ độc nói riêng, các thuốc hạn chế về nguồn cung nói chung, Bộ Y tế đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý và chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Trong đó, một giải pháp quan trọng là thành lập các trung tâm tồn trữ thuốc hiếm nguồn cung tại các vùng kinh tế - xã hội và đặc biệt là cơ chế để có thể thanh toán các thuốc hiếm về nguồn cung đã tồn trữ nhưng hết hạn do không phải dùng đến vì không có bệnh nhân.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần hết sức lưu ý, không bảo quản và sử dụng thức ăn đã được chế biến từ lâu, đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh nguy cơ ngộ độc nói chung, ngộ độc độc tố botulinum nói riêng.