1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ăn chả lụa, liên tục ngộ độc botulinum: Cảnh báo thói quen "chết người"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Chuyên gia cảnh báo, việc lấy bao ni lông bọc kín khi sản xuất thức ăn như chả lụa cũng là một hình thái cung cấp điều kiện yếm khí, để vi khuẩn gây ngộ độc botulinum có khả năng phát triển.

Chỉ trong vòng ít ngày, ít nhất 6 người tại TPHCM (bao gồm 3 trẻ em và 3 người lớn) bị phát hiện ngộ độc botulinum, phải nhập viện điều trị. Trong đó, có 5 trường hợp phát bệnh sau khi ăn bánh mì với một loại chả lụa sản xuất tại một cơ sở ở TP Thủ Đức.

Liên tục ngộ độc botulinum, cạn thuốc giải 8.000 USD

Theo đó, vào ngày 14/5, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận 3 anh em tên N.Đ. (13 tuổi), N.H. (14 tuổi) và N.X. (10 tuổi), trú tại TP Thủ Đức vào viện vì lý do yếu chi dưới tăng dần, suy hô hấp.

Người nhà khai với bác sĩ, vào ngày 13/5 các bé có ăn chả lụa không rõ nguồn gốc do người dì mua về, có dấu hiệu hư hỏng. Đến chiều cùng ngày, các em bắt đầu chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu lỏng. Trong đó, bé N.Đ. suy hô hấp nặng, phải thở máy và điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU).

Sau khi được chẩn đoán ngộ độc botulinum, 3 em được dùng 2 lọ thuốc giải BAT còn lại của Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển sang và sức khỏe dần cải thiện. Tuy nhiên đến ngày 18/5, tình trạng của em N.X. bất ngờ trở nặng, phải chuyển từ khoa Nội tổng hợp vào khoa ICU.

Ăn chả lụa, liên tục ngộ độc botulinum: Cảnh báo thói quen chết người - 1

Một trong 3 bệnh nhi ngộ độc botulinum, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: BV).

Bác sĩ nhận định, với những độc tố đã gắn chặt vào dây thần kinh từ trước, thuốc kháng độc tố BAT sẽ không trung hòa được. Đây là lý do khiến bệnh nhân vẫn diễn tiến nặng. Do đó, thuốc giải cần phải được truyền càng sớm càng tốt.

Cũng trong ngày 13/5, hai anh em ruột khác (18 tuổi và 26 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cũng ăn bánh mì kèm với chả lụa bán dạo, và một người đàn ông 45 tuổi thì ăn một loại mắm để lâu ngày.

Sau ăn, 3 bệnh nhân trên có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, đau bụng và tiêu chảy, đến ngày 15/5 thì bắt đầu yếu cơ, khó nuốt. Bệnh nhân 18 tuổi diễn biến sớm nhất  nên nhập vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, trong khi người anh 26 tuổi bị nhẹ hơn nên tự đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó, người đàn ông 45 tuổi cũng nhập Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Với các triệu chứng điển hình, bác sĩ 3 bệnh viện ngay lập tức nghĩ tới ngộ độc botulinum, nên tổ chức hội chẩn cùng nhau. Trong đó, bệnh nhân 45 tuổi đã lấy được lấy mẫu mang đi xét nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ TPHCM, xác định có độc tố botulinum.

Hiện tại, hai trường hợp 18 tuổi và 45 tuổi đã liệt cơ, không tự thở được, trong khi bệnh nhân 26 tuổi cũng có nguy cơ diễn tiến nặng, vì đã không còn thuốc giải BAT.

Ăn chả lụa, liên tục ngộ độc botulinum: Cảnh báo thói quen chết người - 2

Thuốc BAT giải độc botulinum, có giá nhập khẩu lên đến 8.000 USD/lọ, hiện đã không còn ở Việt Nam (Ảnh: BV).

Trước tình hình trên, các bác sĩ chỉ còn cách hỗ trợ theo triệu chứng, nuôi dưỡng, chăm sóc tích cực cho bệnh nhân theo phác đồ điều trị không thuốc giải của Bộ Y tế. Bác sĩ cho biết, bệnh nhân sẽ có khả năng cao nhiễm trùng thứ phát, sau đó sẽ là những biến chứng như suy dinh dưỡng do thở máy kéo dài, liệt hoàn toàn dẫn đến tắc mạch...

Cảnh báo thói quen ăn uống, chế biến thực phẩm "chết người"

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, kể cả Mỹ - quốc gia có sự nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm hàng đầu vẫn có 150-300 ca ngộ độc botulinum mỗi năm. Điều này cho thấy, tình trạng ngộ độc botulinum không quá hiếm gặp.

Tại Việt Nam, trước đây khả năng chẩn đoán ngộ độc botulinum còn hạn chế. Đến năm 2020, chùm ca bệnh botulinum đầu tiên được phát hiện, với sự phối hợp giữa Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Vệ sinh Dịch tễ TPHCM và một số đơn vị khác. Đây là hồi chuông báo động, để các cơ sở y tế trên toàn quốc biết đến loại bệnh này.

Theo bác sĩ Hùng, độc tố botulinum do một loại vi khuẩn Clostridium botulinum, sống trong môi trường yếm khí (không có không khí, nồng độ oxy rất thấp) gây ra. Nói cách khác, trong môi trường không khí bình thường, vi khuẩn botulinum không thể phát triển được, nên dù con người có hít phải cũng sẽ không nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khi đặt trong môi trường yếm khí, vi khuẩn sẽ tái hoạt động trở lại.

Chuyên gia phân tích, tất cả thức ăn được chế biến, đóng gói, đóng hộp hay đưa vào bao kín không có oxy, vi khuẩn botulinum đều có khả năng phát triển, nên nguy cơ nhiễm độc là luôn rình rập trước mắt.

Ăn chả lụa, liên tục ngộ độc botulinum: Cảnh báo thói quen chết người - 3

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi đồng 2 trao đổi chuyên môn để lên kế hoạch điều trị cho trẻ ngộ độc botulinum (Ảnh: BV).

Để phòng bệnh, sẽ có các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên là khi mới mua thực phẩm về để chế biến (nhất là các loại thức ăn đóng chai, lọ), người dân phải làm trong môi trường sạch, lau chùi, vệ sinh thường xuyên để tránh bụi bẩn, đất cát bám vào, tránh sự nhiễm khuẩn.

Giai đoạn thứ hai là khâu đóng gói, chuyên gia khuyến cáo người dân không nên đóng kín thức ăn, nếu không có kỹ thuật khử khuẩn an toàn như các nhà sản xuất. Thay vào đó, người dân có thể bảo quản để độ chua hay độ mặn của thức ăn trên 5%, dùng 5% gam muối/100gr thức ăn. Ở môi trường quá mặn, vi khuẩn không phát triển được.

Khi đến giai đoạn sử dụng thức ăn, người dân phải xem kỹ hạn dùng trên hộp, bao bì, vì đó là khoảng thời gian đảm bảo không có vi khuẩn phát triển. Tuyệt đối không ăn thực phẩm quá hạn sử dụng hoặc hộp bên ngoài đã biến dạng, vì không chỉ botulinum mà các loại vi khuẩn khác cũng có thể gây nhiễm độc, sinh ra khí làm móp méo đồ ăn. Một số thức ăn có thể sử dụng bằng cách nấu sôi 100 độ trong 10-15 phút để diệt vi khuẩn, giảm nguy cơ gây ngộ độc.

"Các trường hợp bệnh nhân vừa rồi đều ăn loại chả lụa được gói bằng bao ni lông rất kín, khi mở ra đã chảy nước và trong tình trạng mùi vị không bình thường, nên nguy cơ ngộ độc rất cao" - chuyên gia phân tích.