Kết nối sớm có thuốc giải độc tố botulinum cứu bệnh nhân
(Dân trí) - Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã liên hệ với đơn vị nhập khẩu thuốc giải độc tố botulinum. Cục Quản lý Dược đã liên hệ với WHO nhờ hỗ trợ trong tình huống không mua được thuốc.
Gần đây, ít nhất 6 người tại TPHCM (bao gồm 3 trẻ em và 3 người lớn) bị phát hiện ngộ độc botulinum, phải nhập viện điều trị. Trong đó, có 5 trường hợp phát bệnh sau khi ăn bánh mì với một loại chả lụa sản xuất tại một cơ sở ở TP Thủ Đức. Đáng chú ý loại thuốc trị giá 8.000 USD để thải độc đã hết.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, đã nhận được thông tin về việc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đang tạm hết thuốc giải độc tố botulinum. Cục đã liên hệ với nhà nhập khẩu và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã trao đổi với đơn vị này về việc đặt hàng. Nhà nhập khẩu đã liên hệ với nhà cung ứng nước ngoài để làm các thủ tục nhập khẩu.
Cục cũng đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới trong tình huống không mua được thuốc sẽ nhờ hỗ trợ từ WHO.
Thuốc giải độc tố botulinum là loại thuốc rất hiếm. Mỗi năm cả nước chỉ có vài ca bệnh nên các bệnh viện thường không dự trù đủ. Tuy nhiên, nguồn cung thuốc giải vẫn có, các bệnh viện sẽ liên hệ để đặt hàng.
Botulinum là một trong những loại độc tố mạnh nhất. Chỉ cần hấp thụ với liều lượng 1,3-2,1 nanogam/kg thể trọng cũng đã có thể gây chết người. Ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, tỷ lệ tử vong cao, thời gian liệt kéo dài.
Theo hướng dẫn tạm thời chẩn đoán và điều trị ngộ độc botulinum, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum do các chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra.
Các loại thực phẩm gây ngộ độc botulinum
- Cổ điển là thịt hộp (do đó vi khuẩn gây bệnh được gọi là vi khuẩn độc thịt). Tuy nhiên các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản.... được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (như đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc.
- Phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo. Có thể gặp các trường hợp ngộ độc với sản phẩm sản xuất công nghiệp và ăn tại các nhà hàng.
Xu hướng ngộ độc tăng lên trên thế giới do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước ăn.