TPHCM:
Người đàn ông ngộ độc botulinum sau khi ăn mắm hiện ra sao?
(Dân trí) - Trải qua 7 ngày điều trị, bệnh nhân ngộ độc botulinum sau khi ăn một loại mắm đã cử động được các ngón tay nhưng vẫn yếu cơ tứ chi, phải thở máy và nuôi ăn qua ống sonde dạ dày.
Tối 22/5, đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) đã thông tin với phóng viên Dân trí về tình hình của bệnh nhân 45 tuổi ngộ độc botulinum mà dư luận rất quan tâm những ngày qua.
Trước đó, vào tối 15/5, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định có tiếp nhận một người đàn ông ngụ TP Thủ Đức được chuyển từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh đến trong tình trạng lơ mơ, sụp mi mắt 2 bên, yếu cơ hô hấp, yếu cơ tứ chi.
Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được đưa vào khoa Nội thần kinh đặt nội khí quản, thở máy, với chẩn đoán ban đầu là nhiễm trùng đường tiêu hóa, theo dõi ngộ độc C.botulinum, với các triệu chứng phân biệt là cơn nhược cơ và viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính.
Khai thác bệnh sử, ngày 13/5 bệnh nhân có ăn một loại mắm để lâu ngày, rồi xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, đau bụng và tiêu chảy.
Bệnh nhân được phía Bệnh viện Nhân dân Gia Định lấy mẫu phân đưa đến Viện Vệ sinh Dịch tễ TPHCM làm xét nghiệm. Ngày 19/5, kết quả cho thấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân có gen độc tố C.botulinum type A.
Đến nay sau 7 ngày điều trị, người bệnh gọi biết, cử động được các ngón tay nhưng vẫn sụp mi mắt 2 bên, yếu cơ tứ chi. Hiện, bệnh nhân được tích cực theo dõi điều trị bằng phác đồ thở máy, điều trị kháng sinh, truyền dịch, phải nuôi ăn qua ống sonde dạ dày.
Cũng vào ngày 13/5, 5 trường hợp khác (đều ngụ TP Thủ Đức) đã ăn bánh mì kèm với một loại chả lụa bán dạo, rồi xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc botulinum.
Trong đó, 3 bệnh nhi (là 3 anh em ruột) điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đã được truyền thuốc giải BAT. Còn hai bệnh nhân 18 tuổi và 26 tuổi khác hiện đã liệt cơ, được nuôi dưỡng, chăm sóc tích cực theo phác đồ điều trị không thuốc giải tại khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo Cơ quan An toàn thực phẩm TP Thủ Đức, ngộ độc botulinum do vi khuẩn C.botulinum gây ra. Vi khuẩn này tồn tại trong môi trường thiếu oxy, như trong đất, bùn, chất thải và thức ăn hỏng.
Ngộ độc botulinum thường xảy ra khi người dân tiêu thụ thực phẩm chứa độc tố này. Các thực phẩm thường bị nhiễm độc bao gồm: thực phẩm đóng hộp không được chế biến đúng cách, các món ăn đông lạnh không được đông đá đúng cách, cá và hải sản sống, thức ăn hỏng...
Khi ăn phải thực phẩm chứa độc tố botulinum, vi khuẩn sẽ phát triển trong ruột non và sản xuất thêm độc tố. Độc tố này sau đó sẽ xâm nhập vào hệ thần kinh, gây ra tình trạng ngộ độc.
Triệu chứng của ngộ độc botulinum bao gồm mệt mỏi, khó thở, khó nói, khó nuốt, khó tiểu, suy giảm khả năng hoạt động của các cơ. Đau đầu, mất ngủ, mờ mắt, khó tập trung cũng có thể xảy ra. Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến liệt cơ, mất khả năng di chuyển và thậm chí tử vong.
Cơ quan chức năng đề nghị người dân nâng cao cảnh giác. Khi có các vấn đề về sức khỏe, nghi ngờ ngộ độc botulinum liên quan đến việc dùng sản phẩm chả lụa và bánh mì không đảm bảo an toàn, cần ngưng sử dụng và đến ngay bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt. Điều quan trọng là không tự điều trị hoặc chờ đợi, vì ngộ độc botulinum có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm TP Thủ Đức đang tiến hành điều tra, xử lý các trường hợp ngộ độc botulinum, liên quan đến việc mua và sử dụng chả lụa, bánh mì ngày 13/5 từ những người bán hàng rong trên địa bàn.
Trong đó, bước đầu đã xác định được nơi sản xuất loại chả lụa mà các bệnh nhân ăn, là một cơ sở trên địa bàn phường Trường Thọ, TP Thủ Đức. Qua xác minh, cơ sở này mới hoạt động hơn một tháng, không có giấy phép.
Phòng Y tế TP Thủ Đức đã đình chỉ hoạt động cơ sở trên, đồng thời lấy mẫu chả lụa gửi đi xét nghiệm.