WHO “sốc” vì sữa nhiễm độc tố Melamine

(Dân trí) - Mặc dù biết được nguy cơ sữa bột cho trẻ em có thể bị hỏng hoặc nhiễm độc trong suốt quá trình sản xuất, pha chế và sử dụng nhưng TS Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam rất “sốc” trước sự kiện nhiều loại sữa của Trung Quốc nhiễm độc tố melamine.

Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhi nhiễm Melamine

Sáng nay, tại buổi họp báo về sữa trẻ em nhiễm độc tố do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) tổ chức, TS Jean-Marc Olivé bày tỏ rất kinh ngạc và buồn phiền trước tác động mạnh mẽ của sữa nhiễm độc tố Melamine với rất nhiều trẻ em Trung Quốc.

Ông cũng cho biết thêm, tại Việt Nam, WHO chưa ghi nhận cũng chưa nhận được bất cứ một báo cáo nào về việc phát hiện trẻ em bị ảnh hưởng bởi sữa nhiễm độc tố Melamine và đây là một điều đáng mừng.

Trở lại vấn đề sữa “bẩn” sản xuất tại Trung Quốc, ông Jean nhận định: “Dù biết rằng sữa bột cho trẻ em có thể bị hỏng hoặc nhiễm độc trong suốt quá trình sản xuất, pha chế và sử dụng nhưng sự cố nhiễm Melamine lần này rõ ràng là có chủ ý. Đó là một tội ác dẫn tới những mất mát về tính mạng và đặt sự tăng trưởng và phát triển của trẻ trước rủi ro”.

Vì lợi nhuận nên các nhà sản xuất đã dùng chất melamine để đánh lừa các cơ quan kiểm định. Cho nhiều chất này sẽ "giúp" qua được những cuộc xét nghiệm để chứng tỏ hàm lượng protein trong sữa cao nhưng thực tế đó chỉ là ảo. Hậu quả mà trẻ em hứng chịu, đó là sử dụng các sản phẩm có độc tố này, gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khoẻ, biểu hiện là bị bệnh sỏi thận, sạn thận, một bệnh lý rất hiếm gặp với trẻ em.

Sữa mẹ là số 1

Cũng qua sự cố sữa bột nhiễm chất động hại melamine, TS Jean-Marc Olivé bày tỏ: “Sự kiện sữa bột nhiễm hoá chất gây sốc này đã nêu bật lên một thực tế rằng sự lựa chọn an toàn nhất, lành mạnh nhất là cho trẻ bú sữa mẹ. Giá trị của sữa mẹ đã quá rõ ràng, nếu cho bé bú sữa mẹ thì có thể những trẻ nhỏ ở Trung Quốc không gặp phải sự cố nghiêm trọng như ngày hôm nay”.

Các bà mẹ nên cho trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và tiếp tục cho bé bú song song với việc ăn thức ăn bổ sung thích hợp khi trẻ đến hai tuổi. Theo nghiên cứu của WHO, hơn 1/3 ca tử vong trẻ em xảy ra trong suốt tháng non nớt đầu đời và cho trẻ bú mẹ sớm cung cấp các dưỡng chất cần thiết, bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các bệnh tật hiểm nghèo. Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ có nguy cơ tử vong cao gấp 4 lần so với trẻ được bú mẹ. Trẻ không được bú mẹ trong 24 giờ đầu sau khi sinh có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 lần so với trẻ được bú.

Bà Marjatta Tolvanen-Ojutkangas, Trưởng phòng Y tế & Dinh dưỡng (Unicef) cũng khẳng định, không chỉ đến thời điểm này, sữa bột, những sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ nhỏ mới gặp sự cố nhiễm hoá chất melamine. Mà trước đó, trong lịch sử, nhiều lần sữa công thức được xác định nhiễm khuẩn, vi rút, siêu vi trùng… Tất cả những điều này cho thấy các sản phẩm thay thế sữa mẹ không thể mang lại điều tốt nhất cho đứa trẻ.

Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ rất quan trọng, mang lại những hiệu quả tốt đẹp cho sự phát triển của trẻ. Giúp trẻ phát triển tốt, phòng chống bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ những bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở Việt Nam ngày càng giảm. Chỉ 17% trẻ được nuôi bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Tỷ lệ cho con bú ngay 1 giờ đầu sau sinh cũng ngày càng giảm, chỉ khoảng 58% trẻ em Việt Nam được bú mẹ ngay sau sinh 1 giờ đầu.

Bà Marjatta khẳng định, không có loại sữa bột nào cho trẻ kết hợp hoàn hảo của chất đạm, hydrat cacbon và chất béo để kích thích tăng trưởng và phát triển trí não như sữa mẹ. Không một loại sữa bột cho trẻ nào chứa các kháng thể để bảo vệ trẻ khỏi nhiễm khuẩn như sữa mẹ. Không có loại sữa bột cho trẻ nào an toàn như sử dụng sữa mẹ, nhất là qua sự kiện sữa bột nhiễm melamine lần này.

“Qua sự kiện đáng buồn này một lần nữa các bậc cha mẹ phải nhìn nhận nghiêm túc về việc cho trẻ bú sữa mẹ. Vì thế, Việt Nam cần tuyên truyền để người dân nuôi con bằng sữa mẹ. Bú sữa mẹ vừa kinh tế, an toàn lại vừa mang đến cho trẻ sự phát triển thể chất, tinh thần tốt nhất”, bà Marjatta nói.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Sữa nhiễm hoá chất

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm