1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sữa ở Việt Nam nhiễm melamine có hàm lượng thấp

(Dân trí) - Nếu chiểu theo công bố về tiêu chuẩn hàm lượng Melamine trong sữa của Trung Quốc thì chỉ có 4 mẫu sữa tại Việt Nam gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Trung Quốc: Vượt 1mg/kg mới nguy hiểm

Theo tiêu chuẩn mà Trung Quốc mới công bố, hàm lượng melamine được xem là an toàn ở mức 1mg/kg (tương đương với 1ppm) đối với sữa bột trẻ em và 2,5ppm đối với sữa nước, sữa bột và các loại thực phẩm khác có chứa hơn 15% là sữa. Vượt qua giới hạn này, sản phẩm là không đạt chất lượng.

Các bảng hướng dẫn ở Hong Kong và New Zealand cũng cho biết melamine cho phép trong thực phẩm là nhỏ hơn hoặc bằng 2,5ppm. Tiêu chuẩn này ở Australia và Malaysia cũng tương tự.

Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc khẳng định, tiêu chuẩn đó là cho những nguy cơ bị nhiễm một lượng nhỏ melamine từ môi trường, bao bì vào trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Còn việc cố ý cho hóa chất này vào thực phẩm thì nghiêm cấm tuyệt đối.

Vì thế, lượng 1mg/kg được đặt ra là mức để họ có thể căn cứ, phân biệt đâu là sản phẩm nhiễm melamine do nhiễm từ môi trường, bao bì, đâu là sản phẩm do nhà sản xuất cố tình trộn vào.

Việt Nam: 19 mẫu sữa nhiễm melamine an toàn?

Nếu so sánh với hàm lượng melamine cho phép trong thực phẩm mà Trung Quốc và nhiều nước khác đưa ra thì 23 mẫu sữa, nguyên liệu sữa được phát hiện tại Việt Nam đa số đều có hàm lượng melamine rất thấp so với tiêu chuẩn.

Chỉ có 4 mẫu sữa gồm:

- Sữa tăng chiều cao Golden Food cho trẻ từ 01 tuổi trở lên (hộp giấy) của Công ty cổ phần Dinh dưỡng thực phẩm vàng (TP. HCM) có hàm lượng melamine là 707,19 mg/kg;

- Sữa bột Advandced Distribution của Công ty TNHH CBLTTP Mai Anh (TPHCM) là 207,76 mg/kg;

- Sữa tươi YiLi hương original (250ml); Sữa tươi YiLi (250ml) của Công ty TNHH Kim Ấn, nhập từ Trung Quốc có hàm lượng melamine là 2,97mg/l và 2,95mg/l, cao hơn tiêu chuẩn 2,5ppm của một số nước và cao hơn tiêu chuẩn Trung Quốc.

Còn lại, đa số các mẫu sữa và sản phẩm sữa nhiễm melamine còn lại đều có hàm lượng thấp hơn tiêu chuẩn cho phép của các nước. Ví dụ, hàm lượng melamine trong mẫu Sữa bột nguyên kem Full cream milk powper grade A của Công ty cổ phẩn thực phẩm Anco là 203 mcg/kg, mẫu của Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) là 145 mcg/kg, Sữa tiệt trùng Hi-P sôcôla của Hanoimilk 150mcg/kg, Sữa bột whole milk 2 của Hanoimilk là 245mcg/kg, mẫu sữa của Anco chỉ ở mức 203 microgam/kg (tức 0,203 ppm)…

Vì thế, Tiến sĩ Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh: "Các sản phẩm sữa ở Việt Nam tương đối an toàn, kể cả những sản phẩm đã nhiễm melamine vì chúng chỉ có hàm lượng thấp".
 
Do vậy, người tiêu dùng không nên quay lưng lại với sữa để đảm bảo dinh dưỡng phát triển tốt nhất cho trẻ. Trong khi chờ đợi những quyết định chính thức của Bộ Y tế về việc có cho phép hàm lượng melamine nhất định trong sữa hay không, xử lý các sản phẩm nhiễm melamine như thế nào, người tiêu dùng nên chọn những loại sữa uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Sữa nhiễm hoá chất