WHO: Khó giám sát lây truyền vi rút H7N9
Sau khi nghiên cứu gene của chủng virus cúm A/H7N9 đã gây tử vong 3 người Trung Quốc, các nhà khoa học thế giới nhận định: Loại vi rút này khó nắm bắt hơn nhiều so với vi rút cúm gia cầm H5N1.
Vi rút cúm A/H7N9- từng được cho rằng chỉ có nguy cơ lây lan ở chim- nay có dấu hiệu biến đổi và lây lan sang các loài vật khác, trong đó có lợn, một cách dễ dàng. Các con vật nhiễm virus H7N9 có thể trở thành vật trung gian lây sang người. Nhưng đáng chú ý là chúng lại không hề bộc lộ bất kỳ dấu hiệu bệnh nào. Do đó, rất khó khăn để giám sát lây bệnh, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch.
Một số báo chí tại Trung Quốc đưa tin, đã có tới 10 ca bệnh được ghi nhận. Tuy nhiên, WHO mới chỉ xác nhận đã có 7 ca nhiễm, trong đó có 3 ca tử vong. 2 bệnh nhân nam đã tử vong sống gần TP.Thượng Hải. 2 bệnh nhân này có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Bệnh nhân thứ ba tử vong là một người đàn ông 38 tuổi, từng làm việc gần tỉnh Giang Tô - nơi phát hiện ít nhất 4 ca nhiễm H7N9 khác.
Theo tin ngày 4.4 từ Báo NHK (Nhật Bản), Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đang thu thập thêm thông tin và bắt đầu chuẩn bị phát triển loại vắc xin phòng cúm H7N9. Cơ quan này cũng đã bắt đầu nghiên cứu gene cúm A/H7N9 và phát triển vắc xin phòng chủng cúm này.
4 trường hợp mới nhất được Cục Y tế tỉnh Giang Tô ngày 2/4 thông báo gồm 1 phụ nữ 45 tuổi tại TP.Nam Kinh, 1 phụ nữ 48 tuổi tại thị trấn Túc Thiên, 1 cụ ông 83 tuổi tại TP.Tô Châu và 1 phụ nữ 32 tuổi tại TP.Vô Tích. Trong đó, bệnh nhân sống tại TP.Nam Kinh từng làm trong lò mổ gia cầm.
Hiện các nhà khoa học thế giới đề nghị chính quyền Trung Quốc cần khẩn trương kiểm tra trên diện rộng các loài vật và chim tại các khu vực phát hiện bệnh nhân để có thể tiêu diệt vi rút, ngăn ngừa sự lây lan rộng hơn.
Ngày 4.4, Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết thêm: Bộ Nông nghiệp Trung Quốc vẫn cho rằng chưa tìm thấy chủng vi rút H7N9 trên động vật bao gồm cả gia cầm và lợn. Vi rút mới H7N9 lây lan sang người từ con vật chủ nào hiện vẫn ở dạng giả thiết. Lợn chết trên các dòng sông ở Trung Quốc từng bị nghi là thủ phạm, nhưng đối tượng này hiện đã bị loại trừ. Các chuyên gia đang đặt ra giả thiết vi rút H7N9 là từ loài chim di trú.
Sau khi Trung Quốc công bố về 4 ca mới nhất, GS Oshitani Hitoshi thuộc Đại học Tohoku (Nhật Bản) - chuyên gia về cúm gia cầm - nhận định rằng: Tình hình có thể rất nghiêm trọng. Các bệnh nhân được ghi nhận đều có triệu chứng nặng. Nếu tính cả những trường hợp có bệnh cảnh nhẹ, thống kê về số ca bệnh ở Trung Quốc có thể cao hơn.
Theo Nhóm PV
Lao động