Vụ "nhân bản" xét nghiệm: Chị Oanh “Hoài Đức” và nỗi đau hậu tố cáo
Sáng 20.8, Công an Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố bị can với 10 người “dính” đến vụ bê bối động trời trong ngành y: nhân bản kết quả xét nghiệm để trục lợi từ nguồn bảo hiểm y tế.
Nửa đường... đứt gánh
Tại buổi họp báo công bố quyết định khởi tố các đối tượng trong vụ án “nhân bản kết quả xét nghiệm”, Công an TP.Hà Nội cho biết, trong khoảng chín tháng (từ 1.8.2012 đến 15.5.2013), Trưởng khoa xét nghiệm cùng 7 nhân viên trong khoa đã thực hiện 24.857 xét nghiệm huyết học, có tới 1.495 trường hợp có kết quả xét nghiệm trùng nhau và trong số kết quả trùng nhau có 764 kết quả xét nghiệm khống. Việc tự in kết quả khống đều do Trưởng khoa Vương Kim Thành và các nhân viên thực hiện.
“Hay tin kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh bị khởi tố, tim chúng tôi tan nát” - chị Hoàng Thị Nguyệt - một trong ba người dù chịu nhiều sức ép vẫn dũng cảm đi đến cùng sự việc - đã khóc khi gọi điện thông báo với chúng tôi về tin buồn này.
Chị nói: “Không có chị Oanh thì chúng tôi không thể nào có được chứng cứ để tố cáo, không thể biết được việc gian dối này đã tồn tại suốt cả thời gian dài. Chị Oanh là người phát hiện đầu tiên. Chúng tôi - những người đứng đơn tố cáo - vì làm ở khác khoa nên không thể có mặt trong phòng xét nghiệm để thu thập được bằng chứng, chỉ có Oanh là được ra vào phòng xét nghiệm.
Để có được bằng chứng, tôi đã bàn với chị cách đặt máy sao cho quay được mà không bị lãnh đạo và nhân viên trong phòng phát hiện, cách sao chép các kết quả xét nghiệm... Nếu không có những bằng chứng này thì việc đưa ra ánh sáng những sai phạm không thể thành công như ngày hôm nay. Nhiều buổi trưa, Oanh phải bỏ cả ăn để đi đến cửa hàng photocopy, cách bệnh viện cả cây số để photocopy phiếu xét nghiệm làm bằng chứng”.
Từ những chứng cứ mà chị Phan Thị Oanh thu thập được, 5 người phụ nữ dũng cảm đã ký tên vào đơn tố cáo gửi các cấp có thẩm quyền. Đơn tố cáo gửi đêm hôm trước thì sáng hôm sau, tên các chị bị lộ. Và cuộc tấn công gây sức ép từ nhiều phía để buộc các chị phải rút đơn tố cáo, được lãnh đạo bệnh viện Hoài Đức thực hiện khá bài bản. Tại cuộc họp giao ban, Giám đốc Bệnh viện Hoài Đức đã chỉ đạo cụ thể người đến gây sức ép với gia đình các chị.
Chị Nguyệt kể, tuy được mẹ chồng ủng hộ, nhưng chồng chị Oanh sợ vợ mất việc nên đã ép bằng được chị phải viết đơn rút tên khỏi đơn tố cáo. Ngay cả bố mẹ đẻ của chị Oanh cũng không đồng tình, ủng hộ. Chị Nguyệt nghẹn ngào: “Những áp lực mà Oanh phải chịu quá sức tưởng tượng của chúng tôi. Tôi không muốn nhắc lại thêm một lần, để trái tim đang đau đớn của Oanh thêm một vết cứa”.
Ngay sau khi cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can, biết chị Oanh vừa rời khỏi trụ sở Công an Hà Nội, chúng tôi gọi điện mời chị đến tòa soạn Báo Lao Động, chị hốt hoảng từ chối vì “sợ lắm”. Chị nói: “Tôi vừa ký vào bản cam kết với công an không rời khỏi xã Di Trạch (nơi cư trú của gia đình chị Oanh), nay đến báo thì có sao không?”. Sau khi chúng tôi giải thích và được sự động viên của người em trai, chị mới đồng ý đến tòa soạn.
Tại toà soạn Báo Lao Động, chị Oanh chỉ biết khóc mỗi khi chúng tôi hỏi. Chị Oanh cho biết chị có ký vào 18 bản xét nghiệm khống, vì bệnh nhân xin kết quả nói rằng để hoàn thiện hồ sơ bệnh án.
“Chị Thành - trưởng khoa - nói rằng bệnh nhân họ xin thì cho họ, nên tôi mới làm. Sau đó tôi thấy việc làm của mình là sai, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe người bệnh. Tôi biết chị Nguyệt là người đã biết vụ việc gian dối ở khoa xét nghiệm. Khi nghe tôi kể lại, chị Nguyệt đã đặt vấn đề và động viên tôi bằng mọi cách để lấy được bằng chứng. Tôi cùng với chị Nguyệt tìm mọi cách để có được chứng cứ” - chị nói.
Em trai chị Oanh - anh Phan Như Hùng - nói, giọng ăn năn: “Chính tôi là người đã viết bản tường trình gửi lãnh đạo Bệnh viện Hoài Đức, xin rút đơn tố cáo. Tôi vì quá lo và thương chị, nay đã hại chị”. Anh Hùng trao cho tôi bản tường trình đó. Chúng tôi đã lặng người khi đọc được những dòng chữ và nghĩ rằng, cần phải công bố nội dung bản tường trình “bất bình thường” này để bạn đọc hiểu và chia sẻ với chị Oanh về một nỗi đau khi đã đi gần trọn con đường đấu tranh, đã phải... đứt gánh.
Nào có ai hay?
Tường trình của chị Oanh: “Vào ngày 16.5.2013, do bị lôi kéo và thuyết phục, tôi đã ký vào đơn tố cáo ông Nguyễn Trí Liêm - Giám đốc Bệnh viện Hoài Đức, đơn do bà Hoàng Thị Nguyệt viết... Hiện nay tôi không rõ lá đơn đã được gửi đi chưa, nhưng tôi thấy đó là chữ ký sai lầm của tôi. Tôi tự nhận thấy việc làm trên của tôi là hoàn toàn sai trái, không phù hợp với vị trí công tác của tôi. Nay tôi viết bản tường trình này xin rút lại chữ ký của tôi trong đơn tố cáo...”.
Chưa hết, trong bản tường trình này còn có câu mà có lẽ, ai đọc được cũng hiểu đó là lời của người có quyền lực ép phải viết: “Tôi xin cam kết chỉ làm tốt công việc chuyên môn và không tham gia bất cứ vụ việc nào như trên, cũng không trả lời bất cứ câu hỏi nào từ phía công luận nếu không được phép của Ban Giám đốc bệnh viện. Tôi cũng biết hành động ký đơn của tôi làm ảnh hưởng đến uy tín của giám đốc...”. Chúng tôi nghĩ rằng, có lẽ không cần bình luận gì thêm, bạn đọc cũng đủ hiểu để cảm thông và chia sẻ với lá đơn xin tự nguyện rút chữ ký nói trên của chị Oanh.
Nghe em trai kể lại nguyên cớ khi đặt bút thay chị viết đơn rút tên tố cáo, chị Oanh nức nở: “Em trai tôi viết, tôi phải cầm bút ký để hoàn chỉnh một lá đơn, để em tôi cầm đi nộp cho ông giám đốc”. Còn chị Hoàng Thị Nguyệt- khi được chúng tôi hỏi rằng chị có giận không khi biết chị Oanh đã viết đơn xin rút tên- chị trả lời: “Tôi thương Oanh nhiều lắm, hiểu rõ vì sao lại có đơn ấy. Những chứng cứ mà Oanh giúp chúng tôi thu thập được đó chính là tấm lòng trong sáng của Oanh. Nếu tôi ở trong hoàn cảnh đó, chắc tôi cũng sẽ phải làm như Oanh mà thôi”.
Trao đổi với chúng tôi, chị Khuất Thị Định trăn trở: “Tôi là nữ hộ sinh, chị Phan Thị Nam Đông là y sĩ khoa Liên chuyên khoa... Hai chúng tôi chỉ biết được vụ việc qua những bằng chứng do chị Oanh thu thập được, đặc biệt khi tận mắt được xem băng ghi hình thì chúng tôi đã quyết định đồng hành cùng chị Nguyệt trong cuộc đấu tranh. 5 người ký đơn nay còn 3.
Chúng tôi hiểu lắm vì sao cả chị Oanh và chị Cường phải rút đơn. Có ở trong hoàn cảnh của các chị thì mới trả lời được câu hỏi vì sao. Chị Cường có hai con gái, một vừa mới được Bệnh viện Hoài Đức ký hợp đồng ba tháng, một làm ở Trung tâm y tế - nơi vợ ông Liêm làm giám đốc. Chị Cường đã không thể cầm lòng khi nhìn thấy đứa con quỳ xuống trước mặt mẹ để xin mẹ rút đơn.
Ngày chúng tôi nhận được khen thưởng của Sở Y tế, nhận được hoa và quà tặng của Báo Lao Động, rồi một cụ già 72 tuổi đến tận bệnh viện tặng quà... nhưng không có chị Cường, chị Oanh, chúng tôi thấy xót xa cho hai chị vô cùng.
Rồi ngày hôm nay, khi biết chị Oanh bị khởi tố, chúng tôi chỉ biết chia sẻ bằng nước mắt. Chúng tôi bàn nhau, viết đơn nhờ báo chí kêu oan cho Oanh; dù phải đi phải đi đến đâu cũng không nản. Nếu không có Oanh thì làm sao sự thật gian đối ở Bệnh viện Hoài Đức được đưa ra ánh sáng, chúng tôi chỉ là những người thấy cái sai mà không thể không tiếp sức để đấu tranh...”.
Tiễn chị Oanh rời khỏi tòa soạn Báo Lao Động, chúng tôi đã không dám nhìn theo vì không đủ dũng cảm để một lần nữa đối mặt với những giọt nước mắt vẫn lăn trên gương mặt thẫn thờ của chị. Chúng tôi càng đau lòng hơn khi nghe chị Oanh ngoái lại nói trong nấc nghẹn: “Tôi biết có đấu tranh là có hy sinh có mất mát. Thôi đành...”.
Vâng, với 18 bản xét nghiệm mà chị Oanh đã ký khống so với con số 1.495 kết quả xét nghiệm trùng nhau và 764 kết quả ký khống do 7 người thực hiện thì chúng tôi tin rằng “công-tội” của chị Oanh cũng sẽ được phán xét công bằng, nếu không thì mấy ai dám lao vào những cuộc đấu tranh chống tiêu cực đầy cam go... (?!).
Theo Linh Trần
Lao động