Tiêu cực ngành y làm “nóng” những kiến nghị gửi tới Quốc hội
(Dân trí) - Từ những vấn đề lớn như Hiến pháp, luật Đất đai sửa đổi, kết quả phòng chống tham nhũng… đến những chuyện dân sinh, đời sống như tiêu cực ngành y, báo động VSATTP… đều được cử tri quan tâm, gửi tâm tư, kiến nghị đến Quốc hội trước kỳ họp thứ 6.
Báo cáo của UB TƯ MTTQ Việt Nam cho biết, đến thời điểm này đã có 1.129 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Đánh giá cao những nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ nhằm điều hành đất nước, ổn định tình hình trong bối cảnh khó khăn, tâm tư chung của cử tri, nhân dân, theo nhận xét của MTTQ là niềm tin tiếp tục được củng cố.
Tuy nhiên, cử tri rất bức xúc vì nhiều vụ việc sai phạm, tiêu cực liên tiếp xảy ra, xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo một số bệnh viện và sự quản lý chưa chặt chẽ của cơ quan chức năng ngành y tế. Những vi phạm nghiêm trọng được đề cập, điển hình như vụ “nhân bản” xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội); việc tiêm vaccine viêm gan B dẫn đến chết người tại Quảng Trị và một số địa phương; việc quản lý và sử dụng không đúng vật tư y tế, tài chính của một số cơ sở y tế...
Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, chính quyền các địa phương làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những vi phạm của từng cơ quan, cá nhân trong từng cấp quản lý; có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế, quản lý và lưu thông thuốc chữa bệnh, giá thuốc; nâng cao y đức trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Ngoài ra, yêu cầu đặt ra đối với ngành y tế là triển khai quyết liệt hơn các giải pháp giảm quá tải ở các bệnh viện.
Cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, cử tri bất bình về vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề này đang trở thành nỗi lo thường trực của người dân trước tình trạng sử dụng hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc trong bảo quản thực phẩm; phun quá liều lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất không được phép sử dụng lên rau xanh; dùng chất độc huỳnh quang trong sản xuất bún; tình trạng tiêu thụ sản phẩm thiu thối, không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch, bệnh... Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm, công bố công khai người vi phạm rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Về lĩnh vực PCTN, lãng phí, cử tri đánh giá, nămg 2013, công tác này đã được triển khai khá đồng bộ trên các mặt. Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần từng bước kiềm chế tham nhũng ở một số lĩnh vực...
Người dân đặc biệt quan tâm và hoan nghênh việc Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN lập 7 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, giám sát, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp vừa qua. Người dân gửi nhiều kỳ vọng thời gian tới công tác PCTN sẽ có những chuyển biến rõ rệt, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết TƯ 4, đáp ứng niềm tin của nhân dân vào quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, báo cáo của UB TƯ MTTQ Việt Nam vẫn khái quát, cử tri và nhân dân vẫn thẳng thắn cho rằng công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng còn nhiều hạn chế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhiều nơi thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp.
Các vụ tham nhũng chủ yếu bị phát giác thông qua tố cáo của người dân và các cơ quan báo chí; việc tự phát hiện và phát hiện qua thanh tra, kiểm tra còn rất hạn chế. Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng xử lý kỷ luật hành chính để không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, bỏ lọt tội phạm.
Cử tri kiến nghị đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, điều tra truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, đặc biệt là với 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được đưa vào danh sách theo dõi.
Về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Luật đất đai, cử tri bày tỏ mong muốn Quốc hội chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý. Nội dung được đông đảo cử tri quan tâm và kiến nghị trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi là vấn đề thu hồi đất. Quy định về thu hồi đất với trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, công cộng nhận sự tán thành cao. Tuy nhiên đối với mục đích phát triển kinh tế - xã hội thì còn nhiều ý kiến băn khoăn và chưa thật sự đồng tình. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có quy định chặt chẽ bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư khi thu hồi đất. |
P.Thảo