Vụ “nhân bản” xét nghiệm: Bị can Phạm Thị Oanh kêu cứu

(Dân trí) - Sau khi bị khởi tố bị can vụ “nhân bản” xét nghiệm, chị Phạm Thị Oanh đã có đơn kêu cứu, mong mỏi cơ quan chức năng xem xét giữa công - tội bởi chị là một người chủ chốt trong việc thu thập các tài liệu, chứng cứ tố cáo vụ “nhân bản”.

Người từng đứng đơn tố cáo bị khởi tố
 
Vụ nhân bản xét nghiệm tại BV Hoài Đức được phanh phui, rúng động dư luận. Ảnh: H.Hải
Vụ "nhân bản" xét nghiệm tại BV Hoài Đức được phanh phui, rúng động dư luận. Ảnh: H.Hải

Ngày 21/8, một ngày sau khi chính thức bị khởi tố và chưa bị bắt giam, chị Phạm Thị Oanh vẫn đến bệnh viện làm việc như bình thường. Chị cũng từ chối chia sẻ tâm tư, bởi sự việc đang được công an xem xét. Tuy nhiên, gương mặt chị Oanh không giấu nổi sự mệt mỏi, lo lắng. Chị chia sẻ: “Từ hôm xảy ra sự việc, dù chị vẫn đi làm bình thường nhưng luôn trong tâm trạng căng thẳng, vừa phải hợp tác với cơ quan điều tra, vừa phải đảm bảo công việc bình thường ở viện. Trong khi đó, mình lại bị đau dạ dày, mấy ngày hôm nay, tình trạng đau càng nặng, mệt mỏi. Nếu hôm nay không có lịch trực chắc mình cũng phải xin nghỉ”, chị Oanh chia sẻ.

Khi được hỏi, chị suy nghĩ như thế nào khi biết mình là 1 trong 10 bị can liên quan đến vụ “nhân bản” bị khởi tố, chị Oanh trùng xuống, lo lắng, cho biết chị đã gửi đơn kêu cứu gửi đến ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
 
Đơn kêu cứu của chị Oanh và đơn xin giảm tội cho đồng nghiệp của chị Nguyệt
Đơn kêu cứu của chị Oanh và đơn xin giảm tội cho đồng nghiệp của chị Nguyệt

Trong đơn kêu cứu, chị Oanh cho biết, chị được phân công làm kỹ thuật viên trưởng phụ trách chuyên môn và chưa bao giờ được phân công làm công tác chuyên môn tại bộ phận ngoại trú. Từ tháng 7/2012 đén nay, khoa xét nghiệm luôn được sự chỉ đạo chặt chẽ từ giám đốc, phó giám đốc và trưởng khoa xét nghiệm.

“Chúng tôi chỉ là những người thừa hành mệnh lệnh. Trong quá trình tách khoa thành 2 bộ phận, việc phân bổ máy và sắp xếp nhân lực đều do lãnh đạo thực hiện. Trong quá trình khoa thực hiện nhiệm vụ đã phát sinh nhiều bất hợp lý và có dấu hiệu sai phạm chuyên môn, tôi cùng một số chị em trong khoa đã liên tục góp ý dưới mọi hình thức, từ trao đổi ngoài cuộc họp đến ý kiến trong hội nghị, trong giao ban xong không được lãnh đạo lắng nghe, thậm chí chúng tôi còn bị gạt ra ngoài và cho rằng có tư tưởng chống đối. Vì thế, chúng tôi đã chủ động thu thập thông tin bằng chứng để báo cáo cấp trên về những việc làm sai trái của lãnh đạo”, chị Oanh trình bày.

Được biết, trong đơn tố cáo Giám đốc Nguyễn Trí Liêm về những việc làm sai trái, chị Phạm Thị Oanh là một trong những người ký đơn đầu tiên. Cùng ký đơn còn có chị Hoàng Thị Nguyệt, Khuất Thị Định, Phan Thị Nam Đông, Nguyễn Thị Cường. Tuy nhiên, ngay sau một ngày ký đơn tố cáo gửi lên Sở Y tế Hà Nội, thông tin tố cáo bị lộ và chị Oanh buộc phải rút đơn tố cáo vì có nhiều sức ép.

Chị Oanh bị công an thành phố Hà Nội khởi tố vì có 18 trường hợp trùng phiếu xét nghiệm là chữ kí của chị Oanh. “18 trường hợp này là do lãnh đạo yêu cầu để bổ sung vào bệnh án nên tôi phải làm theo. Xét thấy việc làm trên không phù hợp với đạo đức nghề nghiệp nên tôi không làm nữa và chủ động thu thập chứng cứ để làm đơn tố cáo”, chị Oanh cho biết.

Vì thế, chị mong mỏi cơ quan chức năng xem xét kỹ giữa công và tội để giảm nhẹ những thiếu sót, tạo điều kiện để chị Oanh tiếp tục được cống hiến, làm việc.

Xin giảm tội cho Oanh!

Chia sẻ về vấn đề này, chị Hoàng Thị Nguyệt, người tố cáo tiêu cực xác nhận, chị Oanh là 1 trong 5 người đã tham gia kí đơn tố cáo vụ “nhân bản”. Sau đó, chị Oanh và cô Cường là một trong hai người rút đơn vì họ chịu quá nhiều sức ép. Tuy rút đơn, nhưng chị Oanh vẫn rất ủng hộ nhóm tố cáo tiêu cực, thường xuyên nhắn tin, gọi điện trao đổi, động viên.

“Không chỉ trực tiếp kí vào đơn, chị Oanh là người có vai trò rất quan trọng để đưa vụ tiêu cực ra ánh sáng, bởi chị chính là người đặt máy quay, photo các tài liệu liên quan để làm chứng cứ”, chị Nguyệt cho biết.
 
Vụ nhân bản xét nghiệm tại BV Hoài Đức được phanh phui, rúng động dư luận. Ảnh: H.Hải
Chị Hoàng Thị Nguyệt cho biết, chị Oanh dù rút đơn nhưng vẫn luôn đồng hành cùng các chị trong tố cáo tiêu cực. Ảnh: H.Hải

Ngay trong ngày 20/8, chị Nguyệt cùng với chị Phan Thị Nam Đông, Nguyễn Thị Định đã làm đơn kêu cứu, xem xét giải quyết cho trường hợp của chị Oanh trong vụ việc “nhân bản” xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức.

“Chị Oanh đã giúp chúng tôi toàn bộ từ việc phát hiện ra sai phạm đến việc thu thập tài liệu, không quản khó khăn, không ngừng đấu tranh để đưa sự việc ra ánh sáng. Nếu không có kỹ thuật viên Oanh dũng cảm nói lên sự thật, giúp chúng tôi thu thập chứng cứ tài liệu thì chúng tôi không thể có đầy đủ bằng chứng thuyết phục về việc làm sai trái trên”, chị Nguyệt tâm sự.

Chị Phan Thị Nam Đông, viên chức khoa Liên chuyên khoa bệnh viện Hoài Đức, 1 trong 3 người được Sở Y tế khen thưởng vì đã dũng cảm viết đơn tố cáo tiêu cực tại BV này chia sẻ, suốt mấy ngày trước, từ khi sự việc được phanh phui, chị Oanh luôn trong trạng thái lo lắng, mệt mỏi và thường xuyên bị đau dạ dày, có hôm phải nghỉ làm. Từ hôm qua, khi chính thức có tên trong danh sách bị can, chị Oanh buồn, khóc lóc, đau dạ dày liên tục.

Theo chị Nguyệt, chị Oanh là người đã có công chứng minh những sai phạm về việc “nhân bản” đã được vạch trần, chị cũng chỉ là một người phải thừa hành mệnh lệnh nhưng đã nhận ra đó là việc làm sai trái, đã dừng lại, đã thu thập chứng cứ để phanh phui tiêu cực, nay lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề, bị khởi tố bị can, những người trong cuộc đều rất đau xót bởi người tố cáo việc làm chính đáng lại bị tội.

“Chúng tôi sẽ luôn ở bên, động viên, an ủi chị, nói lên tiếng nói của mình để bênh vực chị. Vì không có chị, không có các bằng chứng thu thập được, vụ việc sẽ không thể được phanh phui”, chị Nguyệt chia sẻ.

Hồng Hải