Vụ người Úc nhiễm Zika: Chưa khẳng định nguồn lây nhiễm là ở Việt Nam

(Dân trí) - Dù chưa xác định chính xác nguồn lây vi rút Zika ở người Úc sau khi trở về từ Việt Nam nhưng Bộ Y tế đề nghị nâng mức cảnh báo đối với phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.

Theo đó hiện Việt Nam ở mức độ 2 mức có ca bệnh đầu tiên và yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh do vi rút Zika tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng chống dịch do vi rút Zika tại Bình Thuận. Ảnh: L.H
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng chống dịch do vi rút Zika tại Bình Thuận. Ảnh: L.H

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng chưa thể xác định được du khách người Úc nhiễm mầm bệnh ở Việt Nam hay nhiễm trước đó, bởi vi rút Zika có thời gian ủ bệnh từ 3 - 12 ngày. Tuy nhiên kết quả giám sát 200 mẫu bệnh phẩm mới nhất đây cho thấy không phát hiện ca bệnh nhiễm vi rút Zika.

Trong khi đó, vị khách này vào Việt Nam từ từ ngày 26/02 và xuất cảnh về Úc ngày 06/3, sau 2 ngày về Úc mới có biểu hiện. “Rất có thể du khách này nhiễm vi rút Zika ngoài khu vực Việt Nam. Dù vậy các tỉnh nơi có du khách người Úc nhiễm vi rút Zika đi qua đều phải nâng mức cảnh báo phòng dịch ở cấp độ 2, cấp độ có ca bệnh đầu tiên xâm nhập”, ông Phu nói.

Giải thích về nâng mức cảnh báo, ông Phu cho biết vi rút Zika lây truyền qua đường muỗi đốt, tác nhân truyền bệnh là loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Vì thế, những nơi mà vị khách này đã đến và nghỉ lại mỗi nơi 2 - 3 ngày, gồm TP HCM, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận... đều cần phải tăng cường giám sát.

Ngày 24/3, làm việc tại Bình Thuận, nơi mà vị khách người Úc đã ghé qua, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tại địa phương này, bất cứ du khách nào ở các tỉnh này có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ nhiễm vi rút Zika đều phải lấy mẫu chuyển đến Viện Paster Nha Trang để xét nghiệm.

Cũng theo đánh giá của Thứ trưởng Long, nguy cơ vi rút Zika xâm nhập là rất lớn vì các nước xung quanh như: Thái Lan, Trung Quốc, Philippines đã đều đã phát hiện vi rút này.

Vì thế, cần nâng mức độ cảnh báo ở các địa phương này. Tất cả các bệnh nhân có dấu hiệu sốt, phát ban, đặc biệt là xét nghiệm sốt xuất huyết âm tính đều phải lấy mẫu gửi ngay đến Viện Pasteur Nha Trang làm xét nghiệm. Tuy nhiên công việc này cũng rất khó khăn, bởi có đến 80% bệnh nhân nhiễm vi rút Zika không có biểu hiện điển hình, nhẹ và tự khỏi.

Đối với tỉnh Bình Thuận, nơi mà du khách này đã ghé qua cần triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch bệnh Zika tương tự như phòng chống sốt xuất huyết. Chính quyền địa phương phải tăng cường tuyên truyền để người dân diệt loăng quăng (bọ gậy), đổ nước đọng ở các dụng cụ chứa nước phế thải, thả cá 7 màu nơi chứa nước, thả hóa chất nơi nước đọng, các công trình xây dựng, thả hóa chất vào bình bông ở các bàn thờ thiên ngoài trời...do phòng muỗi đốt sẽ có tác dụng phòng cả bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.

Thứ trưởng cũng đã chỉ đạo các Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang hỗ trợ các địa phương nơi trường hợp người Úc này đã từng đến tăng cường lấy mẫu, mở rộng diện giám sát các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm xác định. Theo đó có thể lấy mẫu giám sát tại bệnh viện, phòng khám, thậm chí tại nhà những trường hợp sốt không rõ nguyên nhân để khẳng định xem có sự lưu hành của vi rút Zika tại Việt Nam không. Các bệnh viện cũng cần sẵn sàng thuốc, vật tư, sinh phẩm để đảm bảo việc giám sát, xử lý khi phát hiện ổ dịch Zika.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Ứng phó với bệnh Zika