Trở về từ Việt Nam, một người Úc nhiễm vi rút Zika

(Dân trí) - Một người Úc đã được xác định nhiễm vi rút Zika tại quê hương sau khi ở Việt Nam 10 ngày . Ngay trong chiều 23/3 Bộ Y tế đã có thông báo khẩn nâng mức cảnh báo phòng dịch Zika tại Việt Nam.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, ngày 22/3 Việt Nam đã nhận được thông báo từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc Úc đã xác định một trường hợp nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam.

Theo đó, trường hợp này đến TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận từ ngày 26/02 và xuất cảnh về Úc ngày 06/3. Sau 2 ngày trở về Úc, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn và xét nghiệm xác định nhiễm vi rút Zika. Bộ Y tế Việt Nam đang tiếp tục tiếp nhận các thông tin về ca bệnh này.

Do chưa có đầy đủ thông tin từ Cơ quan đầu mối của WHO và Úc về trường hợp bệnh nhân này trong thời gian lưu trú tại Việt Nam cũng như chưa loại trừ được các khả năng nhiễm vi rút Zika trước khi đến và sau khi rời Việt Nam của trường hợp này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bên để làm rõ các thông tin liên quan, triển khai giám sát và xác minh sự lưu hành vi rút Zika tại Việt Nam.

Bộ Y tế làm việc tại Khánh Hóa, nơi bệnh nhân người Úc đã từng lưu trú.
Bộ Y tế làm việc tại Khánh Hóa, nơi bệnh nhân người Úc đã từng lưu trú.

Hôm nay (23/3), đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long làm Trưởng đoàn đã đến các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận để trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, xác minh và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.

Thứ trưởng đã chỉ đạo ngành y tế nâng mức cảnh báo đối với phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika tại Việt Nam và yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng tương tự; đẩy mạnh các hoạt động phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang hỗ trợ các địa phương, nơi trường hợp người Úc này đã từng đến, tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm; sẵn sàng thuốc, vật tư, sinh phẩm để đảm bảo việc giám sát, xử lý khi phát hiện ổ dịch Zika.

Theo WHO, hiện đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika, trong đó có một số quốc gia khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia,... bị coi là nước có sự lưu hành vi rút Zika do có những trường hợp người nước ngoài nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ các nước này. Hiện các quốc gia này cũng đang tích cực triển khai các biện pháp giám sát, xác minh sự lưu hành vi rút Zika và triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp.

WHO cũng chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại đến các quốc gia đang có dịch bệnh vi rút Zika này.

Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục khuyến cáo phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika khi không cần thiết. Người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh này chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

Điện thoại đường dây nóng: 0989. 671. 115

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Ứng phó với bệnh Zika