Vụ 4 trẻ sơ sinh bị tử vong: Do nhiễm khuẩn bệnh viện

(Dân trí) - Sau khi nghiên cứu hồ sơ bệnh án, biên bản họp của Hội đồng chuyên môn và báo cáo của Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, các thành viên của Hội đồng đã thảo luận, phân tích và thống nhất đưa ra kết luận ban đầu về nguyên nhân tử vong của 4 trẻ sơ sinh.


Bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh – Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Sở Y tế thông báo kết luận ban đầu vụ 4 trẻ sinh non tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.

Bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh – Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Sở Y tế thông báo kết luận ban đầu vụ 4 trẻ sinh non tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.

Hồi 14 giờ, ngày 21 tháng 11 năm 2017. Hội đồng chuyên môn thành lập theo Quyết định số 686/QĐ-SYT ngày 21/11/2017, tiến hành họp tại Bệnh viện Sản Nhi.

Thành phần Hội đồng chuyên môn Sở Y tế, gồm: Bs CKII. Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế – Chủ tịch; PGS.TS Trần Minh Điển, PGĐ BV Nhi Trung ương - Phó chủ tịch; PGS. TS. Trần Danh Cường, PGĐ BV Phụ Sản TƯ – Phó chủ tịch; Ts. Nguyễn Thanh Bình, TP NVY Sở Y tế – Thư ký; Bs CKII. Đỗ Đức Huy, PTP QLHN Sở Y tế – Thành viên; Ths Nguyễn Văn Lịch, TP Nghiệp vụ Dược Sở Y tế – Thành viên; Nguyễn Minh Hiệp, PGĐ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh – Thành viên

Hội đồng tiến hành nghiên cứu, xem xét toàn bộ quá trình tiếp đón, khám, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc 04 cháu bé sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi ngày 20/11/2017.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ bệnh án, Biên bản họp Hội đồng chuyên môn và báo cáo của Bệnh viện Sản Nhi. Các thành viên hội đồng tiến hành thảo luận, phân tích hồ sơ bệnh án, quá trình tiếp nhận, theo dõi, chẩn đoán, chỉ định, điều trị, chăm sóc các cháu bé; đánh giá toàn bộ quy trình chuyên môn; ý kiến của cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị, cấp cứu tại Đơn nguyên Sơ sinh, Khoa Nhi, Bệnh viện Sản Nhi. Hội đồng chuyên môn thống nhất kết luận như sau:

Bệnh nhân: V.T.P. sinh ngày 13/11/2017 - Trẻ đẻ non, thai 34 tuần, cân nặng khi sinh 2100 gram, trên bà mẹ sản giật, theo dõi Hội chứng Hellp. Chỉ định mổ lấy thai cứu mẹ là phù hợp.

Sau đẻ trẻ suy hô hấp sơ sinh (thở rên, rút lõm lồng ngực, nhịp thở 62 lần/phút), tim đều, phản xạ sơ sinh có, bụng mềm. Chẩn đoán: Đẻ non- suy hô hấp. Trẻ đã được xử trí theo đúng phác đồ: thở CPAP, bù đường, nuôi dưỡng và theo dõi lâm sàng và xét nghiệm.

Đến ngày 16/11, trẻ vẫn tiếp tục được thở CPAP, xét nghiệm có toan chuyển hóa nhẹ; chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn sơ sinh được chỉ định sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch. Đến ngày 19/11/2017, trẻ tình trạng nặng hơn, có biểu hiện da tái, phù cứng bì chi dưới, nhịp tim nhanh, xét nghiệm thấy các chỉ số nhiễm khuẩn trong máu tăng, tiểu cầu giảm, trẻ được đặt nội khí quản, thở máy, truyền khối tiểu cầu, bù dịch nhanh, cho thuốc vận mạch. Trẻ diễn biến nặng, suy tuần hoàn, không đáp ứng điều trị.

Hội đồng kết luận: Trẻ đẻ non, suy hô hấp sau sinh, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.

Bệnh nhân: V.H.Đ sinh ngày 12/11/2017 - Trẻ đẻ non, thai 34 tuần, đẻ mổ vì ngôi ngược, trọng lượng khi sinh 2300 gram. Chỉ định mổ lấy thai là phù hợp.

Sau đẻ trẻ suy hô hấp sơ sinh, chẩn đoán: Đẻ non- suy hô hấp. Trẻ đã được xử trí theo đúng phác đồ: thở CPAP, bù đường, nuôi dưỡng, kháng sinh tĩnh mạch, theo dõi lâm sàng và xét nghiệm theo đúng phác đồ.

Ngày 15/11/2017, trẻ có tình trạng nhiễm khuẩn tăng lên, đã được xử lý phù hợp theo phác đồ.

Trẻ tiếp tục diễn biến nặng, ngày 19/11/2017, trẻ sốt cao, da tái, nhịp tim nhanh, xét nghiêm khí máu toan chuyển hóa, tiểu cầu giảm, bạch cầu tăng. Trẻ đã được xử trí chống sốc: Đặt nội khí quản, thở máy, bù dịch, thuốc vận mạch, bù tiểu cầu. Trẻ diễn biến nặng nhanh, có suy tuần hoàn, cấp cứu chống sốc không hiệu quả.

Hội đồng kết luận: Trẻ đẻ non, suy hô hấp sau sinh, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.

Bệnh nhân: V.Đ.C, sinh ngày 13/11/2017 - Trẻ đẻ non, thai 31-32 tuần, cân nặng khi sinh 1600 gram, mẹ có tiền sử viêm âm đạo.

Sau đẻ trẻ suy hô hấp sơ sinh, đã được xử trí tại đơn nguyên sơ sinh tích cực theo đúng phác đồ.

Ngày 16/11/2017, trẻ tiếp tục được thở CPAP, diễn biến nhiễm khuẩn tăng, kết quả xét nghiệm: Bạch cầu giảm, toan chuyển hóa, đã được xử trí đổi kháng sinh và theo dõi tình trạng nhiễm khuẩn.

Ngày 19/11/2017, trẻ diễn biến nặng hơn, nhịp tim nhanh, dịch dạ dày bẩn, xét nghiệm thấy tiểu cầu giảm, toan chuyển hóa, rối loạn đông máu. Trẻ đã được điều trị chống sốc: Đặt nội khí quản, thở máy, bù dịch, thuốc vận mạch, bù tiểu cầu. Trẻ diễn biến nặng nhanh, có suy tuần hoàn, cấp cứu chống sốc không hiệu quả.

Hội đồng kết luận: Trẻ đẻ non, suy hô hấp sau sinh, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.

Bệnh nhân: Ng.H.V sinh ngày 16/11/2017 - Trẻ là con thực hiện hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp IVF, thai 35-36 tuần, mổ đẻ vì thai suy, mẹ có tiền sản giật, bất thường động mạch tử cung, chỉ định mổ lấy thai là đúng. Thai suy dinh dưỡng, cân nặng khi sinh 1600 gram.

Sau đẻ trẻ suy hô hấp sơ sinh, đã được xử trí tại đơn nguyên sơ sinh theo đúng phác đồ.

3h ngày 20/11/2017 trẻ tình trạng nặng, diễn biến suy hô hấp tăng, xét nghiệm có tình trạng nhiễm khuẩn (xét nghiệm thấy tiểu cầu giảm, bạch cầu giảm).

Trẻ đã được tiến hành chống suy hô hấp: Đặt nội khí quản, thở máy. Điều trị chống sốc: bù dịch, thuốc vận mạch.

Trẻ diễn biến nặng nhanh, suy hô hấp, suy tuần hoàn điều trị không hiệu quả.

Hội đồng kết luận: Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh.

Trên cơ sở đó, Hội đồng đưa ra kết luận chung: Bốn trẻ sinh non tháng, nhẹ cân so với tuổi thai trên các bà mẹ có tiền sử sản khoa bệnh lý, đã được xử lý sản khoa phù hợp; Các trẻ đều có tình trạng suy hô hấp sau sinh, được xử trí cấp cứu và điều trị tích cực.

Các trẻ đều có tình trạng nhiễm khuẩn sau 3 đến 5 ngày điều trị, tiến triển đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn. Trẻ không có đáp ứng với các biện pháp điều trị chống sốc tại Bệnh viện. Nguyên nhân của tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh có thể liên quan đến vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện.

Về nguyên nhân chính thức thì còn phải chờ kết luận của Viện khoa học hình sự Bộ Công an

Hồng Hải - Bá Đoàn