1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Từ vụ 4 trẻ tử vong ở Bắc Ninh: Nhiễm khuẩn bệnh viện ở mức báo động

TS BS Trương Hồng Sơn: Vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện cần phải được coi là một nội dung quan trọng trong công tác khám chữa bệnh.

Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Bắc Ninh vừa công bố nguyên nhân ban đầu của 4 trẻ sơ sinh tử vong ngày 20/11 tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh có thể liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện.

Bình luận về vấn đề này, TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh: “Đây là vấn đề nghiêm trọng, không chỉ là sự kiện đau lòng đối với gia đình các cháu mà còn với các nhân viên y tế, và gây hoang mang, bức xúc trong dư luận”.


Trẻ sinh non ở BV Sản nhi Bắc Ninh đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Trẻ sinh non ở BV Sản nhi Bắc Ninh đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Tiến sỹ, bác sỹ Trương Hồng Sơn cho rằng, từ sự việc này cần xem xét và nhìn nhận một cách tổng thể toàn bộ vấn đề về an toàn người bệnh, đặc biệt là vấn đề phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện hiện nay. Đây không phải chỉ là việc kỷ luật một bác sĩ hay cán bộ y tế mà ngoài việc xem xét cá nhân đã thực hiện đúng quy trình hay chưa còn phải xem lại tất cả các quy trình phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện một cách tổng thể, như quy trình về quản lý sự cố, môi trường làm việc, vấn đề về vị trí, sắp xếp của bệnh viện, phân trực... Khi chúng ta giải quyết được một cách hợp lý mới có thể hạn chế được các sự cố y khoa tương tự.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, các nghiên cứu quy mô vùng, quốc gia và liên quốc gia của các nước và Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện từ 3,5% đến 10% người bệnh nhập viện.

Tại các nước đang phát triển, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viên ở mức cao hơn, từ 5-15% và tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các khoa hồi sức cấp cứu từ 9-37%. Tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện tại Việt Nam chưa được xác định đầy đủ do có ít tài liệu được công bố. Tuy nhiên kết quả của một số cuộc điều tra cắt ngang của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đều ghi nhận tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện từ 4,2-8,1%.

Các nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp gồm viêm phổi bệnh viện, nhiễm khuẩn huyết và một số nhiễm khuẩn khác. Vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện có thể từ hai nguồn gốc khác nhau: Một số vi khuẩn nội sinh có thể trở thành căn nguyên nhiễm khuẩn khi khả năng bảo vệ tự nhiên của vật chủ bị tổn thương.

Các nguồn gây nhiễm khuẩn có thể bao gồm từ môi trường, từ người bệnh và từ chính các hoạt động chăm sóc và điều trị. Và thông qua 3 đường lây truyền chính trong cơ sở y tế là lây qua đường tiếp xúc, đường nước bọt bắn và không khí.

Nhiễm khuẩn do sự chủ quan của nhân viên y tế

Trả lời câu hỏi về tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện còn khá phổ biến, Tiến sỹ Trương Hồng Sơn nhận định gần một thập kỷ đã qua, mặc dù đã có rất nhiều những nỗ lực trong tất cả các lĩnh vực từ việc xây dựng và ban hành chính sách kiểm soát nhiễm khuẩn và thiết lập các hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn, đào tạo và tăng cường thêm các phương tiện, hóa chất phục vụ cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tuy nhiên kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn còn là 1 vấn đề cần quan tâm hơn vì một số nguyên nhân chính gồm các yếu tố nội sinh: bệnh nhân ở 1 số chuyên khoa có tình trạng miễn dịch kém, suy giảm khả năng phòng vệ của cơ thể, những người bệnh dùng thuốc kháng sinh kéo dài, trẻ sơ sinh non tháng thì các vi sinh vật cư trú trên da, các hốc tự nhiên của cơ thể người bệnh có thể gây nhiễm khuẩn cơ hội, đặc biệt khi cơ thể bị giảm sức đề kháng.

Bên cạnh đó là các yếu tố ngoại sinh như: Vệ sinh môi trường, nước, không khí, chất thải, quá tải bệnh viện, nằm ghép, dụng cụ y tế, các phẫu thuật, các can thiệp thủ thuật xâm lấn… Và yếu tố quan trọng thứ 3 là các yếu tố liên quan đến sự tuân thủ qui định về phòng chống nhiễm khuẩn của y tế thế giới như vệ sinh tay, sử dụng chung găng tay sạch chưa đúng quy định (lạm dụng mang găng, dùng một đôi găng tay cho nhiều người bệnh..), sử dụng khẩu trang chưa đúng quy định, các đơn vị khử khuẩn, tiệt khuẩn hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu , tỷ lệ mũi tiêm an toàn đạt các tiêu chuẩn đề ra còn thấp và vấn đề vệ sinh môi trường dù đã có tiến bộ nhưng vẫn cần tiếp tục cải thiện (dùng chung giẻ lau nhà, giẻ lau xong chưa được xử lý đúng cách, dung dịch làm vệ sinh chưa đúng nồng độ,..).

Tiến sỹ bác sĩ Trương Hồng Sơn
Tiến sỹ bác sĩ Trương Hồng Sơn

Tiến sỹ Trương Hồng Sơn cũng cho biết, Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam nhận thức việc đào tạo và tuyên truyền rộng rãi cho các bác sĩ cũng như người nhà bệnh nhân, những người đến thăm nom cần chú trọng trong vấn đề vệ sinh để phòng tránh nhiễm khuẩn là vấn đề cực kỳ quan trọng.

Trong 6 năm vừa qua, Tổng hội Y học phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh và Vụ Truyền thông (Bộ Y tế) đã tổ chức liên tục các đợt tập huấn cho các bác sĩ về an toàn người bệnh và nhấn mạnh qui trình kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và việc này tiếp tục cần được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của các tuyến bệnh viện trong thời gian tới.

Vi khuẩn bệnh viện vô cùng nguy hiểm

Là chuyên gia có nhiều năm điều trị cho trẻ sơ sinh, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, các loại vi khuẩn trong môi trường bệnh viện nguy hiểm hơn vi khuẩn ở các môi trường khác vì dễ nhờn với các loại kháng sinh và đặc biệt cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ sinh non. Bên cạnh tình trạng nhiễm trùng, vì đều là những trẻ sinh non, sức đề kháng kém hơn các trẻ khác, lại có tổn thương rất nhiều cơ quan: Phổi, tim, gan, não... nên việc điều trị cho các cháu là rất khó khăn.

Nói về tình trạng nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh, PGS. Dũng cho biết đây là vấn đề không hiếm gặp, dù đã phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh là Acinetobacter baumannii nhưng việc điều trị tùy thuộc rất nhiều vào sức đề kháng của từng trẻ, mỗi trẻ sẽ khác nhau, phụ thuộc vào cả tình trạng sức khỏe của người mẹ trước khi đẻ…. Chính vì vậy trẻ cần được theo dõi tỉ mỉ, sát sao, từng giờ, hội chẩn liên tục.

“Có những hành động tưởng như đơn giản như vào thăm, chăm sóc trẻ…là những hành vi mang vi khuẩn vào cơ thể trẻ và trong buồng nuôi trẻ, thậm chí chỉ cần không rửa tay khi vào thăm trẻ là giường, lồng ấp đã bị ô nhiễm. Về cơ chế về lây bệnh từ đó các vi khuẩn sẽ dễ dàng trú ngụ trên da, cơ thể trẻ... gây nhiễm trùng”- PGS Dũng cho biết.

Vì thế, việc tuân thủ các biện pháp đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối cho khu vực nuôi trẻ sinh non không chỉ là nhiệm vụ của riêng nhân viên y tế mà các bà mẹ, người thân cũng phải hết sức chú ý điều này./.

Theo Thu Thủy- Hải Yến

VOV