"Bệnh viện sẽ thành nhà xác nếu không kiểm soát được nhiễm khuẩn"

Theo TS Nguyễn Khánh Hòa, Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh phải giám sát và định kỳ 2 năm/lần và báo cáo mức độ nhiễm khuẩn bệnh viện.

Vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viên Sản Nhi Bắc Ninh do nhiễm khuẩn bệnh viện. Nhiều chuyên gia y tế thừa nhận, nhiễm khuẩn bệnh viện ở Việt Nam đang ở mức báo động, nó còn nguy hiểm hơn cả sự cố y khoa do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Làm thế nào để giải quyết được vấn đề này đang là bài toán vô cùng khó khăn và tốn kém đối với ngành y tế. Theo họ, khi nào ngành y tế giải quyết được tình trạng quá tải bệnh viện mới có thể hạn chế được tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện.

Phóng viên VOV.VN đã phỏng vấn TS.BS Nguyễn Khánh Hòa, Quản lý lobo các chất vận chuyển nucleotide, Bộ môn Dược lý, Khoa Y và Nha, Trường ĐH Alberta, Canada.

PV: Thưa ông, nhiễm khuẩn bệnh viện đang là vấn đề nan giải không chỉ ở Việt Nam và trên thế giới. Nhiều chuyên gia y tế cũng như lãnh đạo bệnh viện cho rằng, nhiễm khuẩn bệnh viên còn nguy hiểm và khó giải quyết hơn cả sự cố y khoa. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

TS.BS Nguyễn Khánh Hòa: Các nhận định của các chuyên gia y tế và lãnh đạo viện rất chính xác. Nếu ngành Y tế không kiểm soát được nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) thì bệnh viện sẽ trở thành nhà xác giống như trường hợp dịch sởi năm 2014 và đợt bùng phát tử vong ở Bắc Ninh. Hơn nữa, khi có dịch nguy hiểm như SARS khả năng lây lan trong bệnh nhân rất lớn và hậu quả không chỉ là một mà là hàng loạt bệnh nhân.

Cái khó xử lý của nhiễm khuẩn bệnh viện chính là việc không thể ngay lập tức phát hiện sớm NKBV và đóng cửa toàn bộ bệnh viện để xử lý. Đồng thời khi nó đã xảy ra, việc điều trị cho bệnh nhân cực kỳ tốn kém. Điển hình chính là vụ việc ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. Toàn bộ trẻ trong khoa sơ sinh phải chuyển tuyến và điều trị tích cực ở các bệnh viện Trung ương. Việc xử lý tiếp theo với bệnh viện còn chưa được thực hiện một cách triệt để.

Các trẻ sinh non chuyển từ BV Sản Nhi Bắc Ninh lên đang điều trị tích cực tại BV Bạch Mai.
Các trẻ sinh non chuyển từ BV Sản Nhi Bắc Ninh lên đang điều trị tích cực tại BV Bạch Mai.

Sự cố Y khoa nếu có xảy ra chỉ ở một hoặc 2 bệnh nhân và hoàn toàn không lây lan. Khi xảy ra sự cố, chúng ta chỉ cần tìm được nguyên nhân là hoàn toàn có thể khắc phục ngay, còn NKBV nếu xảy ra khó có thể ngăn cản và khắc phục ngay lập tức.

PV: Theo ông, nguy cơ gây nhiễm khuẩn bệnh viện bắt nguồn từ đâu?

TS.BS Nguyễn Khánh Hòa: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiễm khuẩn bệnh viện là những nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian người bệnh điều trị tại bệnh viện và nhiễm khuẩn này không hiện diện cũng như không nằm trong giai đoạn ủ bệnh tại thời điểm nhập viện. Nó thường xuất hiện sau 48 giờ kể từ khi người bệnh nhập viện.

Theo định nghĩa của cơ quan y tế tỉnh Ontario (Canada), nhiễm khuẩn bệnh viện là những nhiễm khuẩn xuất hiện do hậu quả của quá trình khám chữa bệnh. Những nơi có nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất là nhiễm khuẩn máu, nhiễm khuẩn phổi, tiết niệu, tiêu hóa, da.

Môi trường của các cơ sở y tế có thể là một nguồn gây nhiễm khuẩn bệnh viện (hay còn gọi là nhiễm khuẩn bệnh viện), đặc biệt là ở những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.

Sự phơi nhiễm của người bệnh hoặc nhân viên y tế với các mầm bệnh có nguồn gốc từ môi trường những mầm bệnh lây truyền qua không khí như lao phổi và thủy đậu) hoặc mầm bệnh lây truyền qua đường máu (Viêm gan B (HBV) hoặc Viêm gan C có thể gây ra bệnh.

Để phòng ngừa những nhiễm khuẩn này, việc thiết lập một chính sách kiểm soát nhiễm khuẩn môi trường và kiểm soát về kỹ thuật thật sự sẽ đem lại hiệu quả trong việc cắt đứt chu trình lây truyền bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở y tế.

PV: Vậy ông có cảnh báo gì để phòng tránh nhiễm trùng bệnh viện, tránh gây biến chứng cũng như tỷ lệ tử vong?

TS.BS Nguyễn Khánh Hòa: Nhiễm khuẩn bệnh viện là vấn đề đã được cảnh báo từ nhiều năm nay của cả tổ chức Y tế thế giới cũng như các bệnh viện và chương trình đào tạo tại Việt Nam.

Tổ chức Y tế thế giới cũng đã nhấn mạnh nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những nguy cơ gây gia tăng biến chứng, gây tử vong, kéo dài thời gian điều trị cũng như lằm tăng chi phí điều trị. Đồng thời, WHO cũng đã đưa ra hướng dẫn chung về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện trong đó hướng dẫn khá đầy đủ về các chương trình kiểm soát cũng như thực hành nhằm phòng ngừa nhiễm trùng bệnh viện. Các biện pháp đó bao gồm: Xây dựng chương trình phòng nhiễm khuẩn bệnh viện; Thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn; Thực hành kiểm soát môi trường; Chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế; Xử lý một số trường hợp nguy cơ cao nhiễm khuẩn bệnh viện có thể gây thảm họa.

Tuy nhiên, tại Việt Nam các khuyến cáo cũng như cảnh báo về nhiễm khuẩn bệnh viện hiện mới chỉ nhận được sự ủng hộ hoặc tuân thủ tương đối hạn chế.

PV: Ông có nhận xét như thế nào về thực trạng cũng như khả năng phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện tại Việt Nam?

TS.BS Nguyễn Khánh Hòa: Theo nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khảo sát trên khoảng gần 4.000 bệnh nhân tại các khoa Hồi sức tích cực của 15 bệnh viện trên cả nước cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 29,5%. Các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn bệnh viện tuyến cơ sở. Nguy hiểm hiện nay là các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh đặc trị dao động trong khoảng 50% đến 75%.

Chẳng hạn như dịch sởi bùng phát năm 2014 với hơn 100 trẻ tử vong tại các bệnh viện tuyến Trung ương mà một trong 4 nguyên nhân chính là do lây nhiễm chéo các vi khuẩn tại bệnh viện là cái giá phải trả khi công tác phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện không được quan tâm và thực hiện.

Năm 2012, nhờ có sự hỗ trợ của CHLB Đức, chương trình “Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh” đã xây dựng được tài liệu “Hướng dẫn thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn môi trường bệnh viện”.

Tài liệu tham khảo này được nhóm chuyên gia trong nước và nước ngoài biên soạn rất công phu, được Hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập, bao gồm các nhà quản lý y tế, quản lý điều dưỡng, những cán bộ thực hành tại kiểm soát nhiễm khuẩn và thực hành điều dưỡng đến từ các cơ sở khám chữa bệnh thẩm định.

Tuy nhiên, tài liệu này mới chỉ dừng ở mức độ hướng dẫn mà chưa phải chế tài bắt buộc đối với các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước. Chính vì vậy, cho tới nay, chỉ có 72,06% bệnh viện đã xây dựng kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn (GSNK) hàng năm, nhưng việc thực hiện GSNK vẫn rất thấp, mới chỉ có 35,29% bệnh viện có bộ phận GSNK chuyên trách. Việc triển khai GSNK kém, dẫn tới khó kiểm soát được thực trạng nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế.

Các bệnh viện hiện tại chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện (GSNKBV), chưa chú ý kiện toàn bộ phận GSNKBV. Tỷ lệ bệnh viện thực hiện GSNK đối với các bệnh trọng điểm thấp. Trong số 121 bệnh viện thực hiện GSNK vết mổ chỉ chiếm 25,42%. Những con số này còn thấp hơn trong giám sát viêm phổi thở máy (14,46%); giám sát nhiễm khuẩn huyết (12,61%) và giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu (14,29%).

Trong hướng dẫn của WHO có các biện pháp thực hành kiểm soát môi trường và chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế hầu như không được tiến hành. Tất cả các bệnh viện hiện nay đều phải dựa vào thân nhân người bệnh để chăm sóc bệnh nhân. Một số khoa, phòng đặc biệt thì có quy trình riêng cách ly bệnh nhân và đảm bảo chăm sóc bệnh nhân toàn diện cho tới hết giai đoạn cấp cứu, khi tình trạng bệnh nhân hét nguy kịch lại quay lại giao cho thân nhân.

Các bệnh viện có mật độ bệnh nhân đông, không có phòng dự trữ, không có kế hoạch tẩy uế hàng tháng, hàng năm. Việc thiết kế xây dựng bệnh viện chủ yếu là thiết kế xây dựng theo hệ thống mở, không đảm bảo không gian cách ly, do vậy không đảm bảo không khí sạch trong môi trường bệnh viện.

Kinh phí cấp cho Y tế quá eo hẹp, dẫn tới việc vận động xã hội hóa y tế trong đó mới chỉ dừng ở mức tăng thu nhập cho cán bộ Y tế, mua sắm máy móc, trang thiết bị, cải tiến và thực hiện các kỹ thuật điều trị chuyên sâu mà chưa chú ý đến việc triển khai thực hiện công tác phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Hiện tại ở Việt Nam chưa có cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng vật tư tiêu hao y tế. Hậu quả có thể là dùng hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí là hàng tái chế do không xây dựng hệ thống xử lý rác thải bệnh viện mà cho tư nhân đấu thầu. Công tác thanh tra, giám sát chất lượng bệnh viện trong đó có mục phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện hoàn toàn bỏ trống.

PV: Vậy, theo ông ngành Y tế cần làm gì để giải quyết tình trạng trên?

TS.BS Nguyễn Khánh Hòa: Bộ Y tế cần tiến hành rà soát lại các mục tiêu xây dựng và phát triển bệnh viện và cần tham khảo các chuyên gia thiết kế bệnh viện của các nước tiên tiến để tiến hành xây mới các bệnh viện có đủ khả năng thực hiện chương trình phòng chống nhiễm khuẩn, cải tạo các khoa, phòng hiện có đảm bảo có khả năng tiến hành chương trình phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện một cách tối thiểu.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng về chuyên môn, công tác phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện cần đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu, có kinh phí cũng như có tổ chức kiểm tra, giám sát. Cán bộ và nhân viên y tế cần được đào tạo, đào tạo lại định kỳ về thực hành phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện.

Các hạng mục về bảo đảm sức khỏe và phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng phải được tiến hành bao gồm tiêm chủng phòng các bệnh lây nhiễm như HIV, viêm gan siêu virus, uốn ván thậm chí cả vaccine cúm mùa. Hoàn thiện và giám sát chặt chẽ công tác xử lý rác thải bệnh viện.

Giám đốc các bệnh viện phải là người trực tiếp chịu trách nhiệm đôn đốc cũng như kiểm tra các quy trình thực hiện ngăn ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện. Bộ Y tế cũng như Sở Y tế các tỉnh phải là cơ quan kiểm tra, giám sát và định kỳ 2 năm/lần các bệnh viện phải tiến hành kiểm tra và báo cáo mức độ nhiễm khuẩn bệnh viện, nguy cơ và kế hoạch khử khuẩn cho các khoa, phòng có dấu hiệu nhiễm khuẩn bệnh viện.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo Thu Thủy

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm