Vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem: Nước sản xuất không dùng loại này!

Có ý kiến đề nghị chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và Bộ Y tế tạm dừng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem sau sáu ca tử vong trong hai tháng trở lại đây.

 

Chích ngừa vắc xin cho trẻ tại Bệnh viện Từ Dũ (Ảnh: N.C.T.

 Chích ngừa vắc xin cho trẻ tại Bệnh viện Từ Dũ (Ảnh: N.C.T.  Ảnh: Việt Dũng)

 

Trả lời báo chí chiều 7/1, chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, ông Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, nói:

 

- Lô vắc xin Quinvaxem sử dụng tiêm ngừa tại Nghệ An và Thanh Hóa vừa rồi (có bốn trường hợp tử vong sau tiêm) đạt tiêu chuẩn của Dược điển VN. Hiện chúng tôi chờ kết quả kiểm định tại labo độc lập do Tổ chức Y tế thế giới giới thiệu. Điều đó cho thấy tìm ra căn nguyên tai biến do vắc xin rất khó, bởi nếu lỗi do vắc xin với rất nhiều trẻ được tiêm thì tai biến sẽ nhiều hơn.

 

Nếu vắc xin đạt chuẩn, vậy tai biến do đâu, thưa ông?

 

Các kết luận phải dựa trên bằng cớ khoa học điều tra trên bốn nhóm nguyên nhân. Vắc xin đạt tiêu chuẩn, loại trừ dần, xem có lỗi do dịch vụ tiêm chủng thì quy trình đạt, dây chuyền lạnh đảm bảo, vật tư sử dụng là bơm kim tiêm tự khóa đảm bảo nên được loại trừ tiếp. Nguyên nhân tai biến do sốc phản vệ thì ba trường hợp ở Nghệ An là khó xác định vì các bé đều tử vong tại nhà, không có hồ sơ theo dõi sức khỏe sau tiêm ở cơ quan y tế nên không có bằng chứng.

 

Căn nguyên do các bé có bệnh phối hợp nào khác cũng không có bằng chứng. Còn ba trường hợp ở Bình Định thì không có bằng chứng liên quan đến vắc xin, vận chuyển, bảo quản vắc xin, quy trình tiêm chủng. Đây được coi là phản ứng thông thường xảy ra với các vắc xin có thành phần ho gà tế bào nhưng ở mức độ nặng hơn và đã được xử trí ở bệnh viện.

 

Cũng có thể có những phản ứng sau tiêm không xác định nguyên nhân, có trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin viêm gan B từ năm 2007 đến nay cũng chưa tìm được nguyên nhân. Tuy nhiên tất cả các trường hợp được giám định pháp y đều xác định được nguyên nhân, như năm 2010 có một trường hợp tử vong liên quan đến tiêm chủng, năm 2012 có hai trường hợp tử vong sau tiêm do sốc phản vệ...

 

Có ý kiến cho hay đây là loại vắc xin giá rẻ, thành phần ho gà chưa được tinh chế hoàn toàn...

 

Tiêm vắc xin có một tỉ lệ nhất định gặp phản ứng, vắc xin ngừa bạch hầu - ho gà - uốn ván (như có trong Quinvaxem) có tỉ lệ phản ứng cao trong các loại vắc xin. Nhưng phần lớn phản ứng đó là sốt, sưng đỏ chỗ tiêm và phần lớn là tự khỏi sau 1-2 ngày. Tỉ lệ tử vong sau tiêm vắc xin DPT (ngừa bạch hầu- ho gà- uốn ván) là 1/1 triệu, thống kê ở VN trước khi dùng Quinvaxem (trước năm 2010, dùng DPT) là 0,6/1 triệu, sau năm 2010 dùng Quinvaxem là 0,17/1 triệu.

 

Ở Quinvaxem, phản ứng lo ngại nhất là thành phần ho gà, chứa các vi khuẩn ho gà đã chết được tinh lọc và phản ứng thường do protein trong vi khuẩn đó. Các vắc xin vô bào không có thành phần xác vi khuẩn ho gà mà thay thế bằng thành phần kháng nguyên đặc thù sẽ tinh khiết hơn.
 
 
Ông Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ

Ông Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ

 

Vấn đề đặt ra là nhiều nước không dùng vắc xin này, nhưng VN lại dùng, vậy có nguy hiểm khi lựa chọn sản phẩm có nguy cơ cao không khi ngay Hàn Quốc, nước sản xuất vắc xin này, cũng không sử dụng Quinvaxem?

 

Năm 2010 khi Liên minh vắc xin và tiêm chủng toàn cầu hỗ trợ, vắc xin có thành phần tế bào còn có hiệu quả trong dự phòng và tỉ lệ phản ứng chấp nhận được. Một vấn đề quan trọng nữa là giá thành, nguồn kinh phí hỗ trợ chỉ có hạn và không đủ để mua vắc xin thế hệ mới hơn. Từng quốc gia có lựa chọn theo điều kiện của mình. Từ năm 2006 đến nay đã có trên 429 triệu liều Quinvaxem được sử dụng ở hơn 30 nước.

 

Hàn Quốc không dùng vì họ giàu. Nhưng nói nước ta nghèo dùng Quinvaxem tai biến dồn dập cũng không đúng, vì tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm là 0,17/1 triệu, thấp hơn so với loại vắc xin tương tự sử dụng trước đó, đặc biệt khi VN sử dụng tới 4,5 triệu liều Quinvaxem/năm.

 

Tình hình hiện nay khiến các bậc cha mẹ đang rất lo lắng. Ở vị trí chỉ huy của chương trình tiêm chủng mở rộng, ông thấy cần phải nói gì với các bậc cha mẹ có con đang gửi gắm vào chương trình này?

 

Chương trình tiêm chủng mở rộng phải tiếp tục tăng cường chất lượng của dây chuyền bảo quản lạnh, theo dõi chất lượng vắc xin nghiêm ngặt từ sản xuất, vận chuyển đến tiêm chủng. Các cán bộ tiêm chủng phải tăng cường tiêm chủng an toàn, từ quy trình tiêm, hỏi tiền sử của trẻ trước tiêm, theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm, có chỉ định đúng, có tư vấn cho gia đình trẻ về chăm sóc bé sau tiêm như nếu đã có tiền sử dị ứng với mũi tiêm thứ nhất thì cẩn trọng ở mũi hai, đưa ngay đến cơ sở y tế khi bé có biểu hiện sốt kéo dài, khóc thét trên ba giờ, co giật trong ba ngày sau tiêm... Về phía gia đình, nên hiểu rõ con tiêm vắc xin gì, có hạn chế gì, chống chỉ định thế nào và hợp tác với cán bộ y tế như thông báo tiền sử sinh đẻ: bé có sinh non không, có biểu hiện bất thường trong ba ngày gần đây không...

 

Theo ông, có nên tính toán giữa nguy cơ và hiệu quả tiêm ngừa khi những trường hợp tai biến đột ngột như thế này đang xuất hiện với mật độ khá dày?

 

Vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay là an toàn, có bằng chứng về việc giảm tỉ lệ mắc và tử vong ở một số bệnh trong 20 năm của chương trình. Nhưng vắc xin Quinvaxem không phải an toàn 100% do phản ứng dị ứng với thành phần ho gà tế bào, do đó phải được chỉ định cẩn thận với các trường hợp có tiền sử dị ứng trước đây.

 

Muốn dừng vắc xin, phải có bằng chứng

 

Trước những phản ứng đòi hỏi cơ quan chức năng phải có biện pháp mạnh tay khi có liên tiếp nhiều trường hợp phản ứng nặng sau tiêm, trả lời Tuổi Trẻ ngày 7/1, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình cho hay phải có bằng chứng trước khi có quyết định. Nhưng để đảm bảo an toàn trong trường hợp có bất thường, Cục Quản lý dược đã có quyết định tạm dừng sử dụng lô vắc xin sử dụng ở Nghệ An và Thanh Hóa, Hà Nội cũng tạm dừng sử dụng lô vắcxin liên quan đến ca tử vong ở huyện Gia Lâm hôm 4/1.

 

Ngày 9/1, hội đồng chuyên môn xử lý tai biến vắc xin của Bộ Y tế sẽ họp tiếp 1 phiên để xem xét nguyên nhân, thông thường phải sáu tháng hội đồng mới họp một lần, nhưng đây là phản ứng cấp thiết trước các tình huống xảy ra vừa qua.

 
Theo Lan Anh

Tuổi trẻ