Uống nước rau củ trừ bữa giải độc cơ thể: Có hiệu quả như lời đồn?
(Dân trí) - Nhiều chị em học theo trào lưu detox cơ thể bằng nước ép rau củ nhưng lại áp dụng theo phương pháp "cực đoan" với mong muốn nhanh thu được thành quả.
"Rước họa vào thân" vì detox sai cách
Detox được định nghĩa là phương pháp loại bỏ các "độc tố" đã tích lũy trong cơ thể ra ngoài. Phương pháp này được tin là giúp giảm gánh nặng cho lá gan (cơ quan giải độc chính) và tối ưu hóa các chức năng sống. Có thể thực hiện detox bằng chế độ ăn hoặc các biện pháp y khoa để làm sạch đường ruột.
Một trong những phương pháp detox hiện được áp dụng phổ biến nhất tại Việt Nam và cũng đang rất "nổi" trên mạng xã hội chính là uống nước detox, với thành phần từ các loại rau củ quả.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều người vẫn detox không đúng cách, thậm chí là thực hiện theo các phương pháp cực đoan như thay thế hoàn toàn bữa ăn bằng nước rau củ trong thời gian dài, mà theo nhận định của chuyên gia dinh dưỡng điều này có ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe.
Theo BS Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chế độ dinh dưỡng thay thế bữa ăn bằng nước ép hoa quả sẽ dễ khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu chất, nhất là các vi chất quan trọng dẫn đến tình trạng thiếu máu, sắt, kẽm.
"Chưa nói đến hậu quả của việc thiếu protein hay các chất dinh dưỡng, việc bữa ăn thiếu đi tinh bột trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể bị thiếu năng lượng", BS Hào cho hay.
Theo chuyên gia này, đối với những người có bệnh nền thì tác động từ phương pháp thải độc sai cách này sẽ còn nặng nề hơn, vì việc thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ khiến bệnh tăng nặng, diễn tiến nhanh hơn.
"Đối với những người mắc bệnh gout việc ăn quá nhiều hoa quá sẽ dẫn đến tăng lượng glucose được đưa vào cơ thể, tạo ra axit uric khiến bệnh gout nặng lên. Đối với người bệnh tăng huyết áp, chế độ ăn này cũng dễ dẫn đến tình trạng thiếu magie, khiến bệnh tình nặng hơn".
Theo BS Hào, một ví dụ điển hình là với bệnh ung thư. Hầu hết các bệnh nhân đều tử vong do suy dinh dưỡng chứ không phải do hậu quả của bệnh gây ra.
Một khi đã mắc bệnh, nếu không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, thay vào đó tin theo các phương pháp "kiêng khem" không có căn cứ sẽ khiến cơ thể nhanh suy kiệt và giảm khả năng chống chọi với bệnh tật.
Thực tế, trong thời gian vừa qua đã từng ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư nguy kịch, mất cơ hội điều trị sau một thời gian tin theo các phương pháp kiêng khem quá mức để ép tế bào ung thư "chết đói".
"Trong mọi bệnh lý, một chế độ ăn thiếu cân bằng dinh dưỡng sẽ khiến bệnh nặng thêm chứ không hề nhẹ đi, thậm chí không thể chữa khỏi", BS Hào nhấn mạnh.
Thế nào là một bữa ăn cần bằng dinh dưỡng?
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một chế độ ăn cân bằng dưỡng chất cần có sự đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.
Nhóm chất đạm (protein) gồm: Thịt, cá, trứng, sữa, vừng, đỗ, lạc cung cấp các axit amin - nguyên liệu chủ yếu xây dựng cơ thể.
Nhóm chất bột đường (glucid) gồm: Gạo, mì, ngô, khoai, sắn, các sản phẩm chế biến và đường cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể để duy trì thân nhiệt và hoạt động thể lực.
Nhóm chất béo (lipid) gồm: Dầu mỡ từ nguồn thực vật và động vật cung cấp năng lượng, duy trì thân nhiệt và tham gia một số thành phần của tế bào.
Nhóm vitamin và muối khoáng gồm: Rau, quả cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ đảm bảo cho các hoạt động chuyển hóa của cơ thể.
Mỗi loại thực phẩm đều cung cấp một số chất dinh dưỡng nhất định nhưng ở tỉ lệ khác nhau. Không một thực phẩm nào là hoàn hảo và có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể.
Chính vì vậy cách ăn uống thông minh nhất là phối hợp ăn nhiều loại thực phẩm và thường xuyên thay đổi món ăn để cung cấp các chất dinh dưỡng đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng phức tạp của cơ thể. Mỗi ngày mỗi người cần ăn tối thiểu 15 loại thực phẩm đại diện từ 4 nhóm nêu trên.