1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tỷ lệ người chết vì thuốc lá nhiều hơn TNGT và đại dịch AIDS

(Dân trí) - Tại Việt Nam khói thuốc “giết” khoảng 40.000 người mỗi năm. So với số ca tử vong do HIV/AIDS là 48.000 ca kể từ ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên (năm 1992), hay so với TNGT, mỗi năm 13-14.000 ca tử vong, thì số người chết do khói thuốc gây ra khủng khiếp hơn rất nhiều.

Hút 7000 chất độc vào người

Không chết đột ngột như tai nạn giao thông, không ám ảnh, bàng hoàng như người bệnh khi phát hiện nhiễm HIV/AIDS, người hút thuốc lá vẫn dửng dưng, vì hơn 7000 chất độc không hiện hữu trước mắt họ. Thế nhưng, 7000 chất độc này còn kinh khủng hơn cả đại dịch AIDS và TNGT, vì nó âm thầm tấn công vào cơ thể và mỗi năm cướp đi sinh mạng của 40.000 người Việt.
 
Tỷ lệ người chết vì thuốc lá nhiều hơn TNGT và đại dịch AIDS - 1

Nhiều người vẫn không e ngại về sự độc hại của thuốc lá. (Ảnh: Quang Phong)

“Nhìn những hình ảnh tai nạn giao thông thương tâm và con số hơn chục nghìn người chết vì TNGT khiến ai nghe thấy cũng sợ. Nhưng thực tế, tỉ lệ người chết vì tai nạn chưa bằng ¼ số ca tử vong mỗi năm do khói thuốc gây ra. Hay như đại dịch AIDS phát hiện ở Việt Nam gần 20 năm nay thì số người chết vì cũng chỉ bằng số ca tử vong trong một năm do thuốc lá gây ra”, bà Phạm Hoàng Anh, Giám đốc văn phòng Heathbridge Canada, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe và phòng chống thuốc lá cho biết.

Người hút thuốc lá dửng dưng vì họ không cảm nhận được khói thuốc độc. Vì thế, mới đây, Tổ chức Y tế thế giới đã tiến hành một thử nghiệm với 400 điếu thuốc cho thấy tác hại của thuốc lá đến lá phổi của con người. Mỗi điếu thuốc có chứa 18 mg nhựa (hay còn gọi là hắc ín). Kết quả cho thấy, khi đốt hết 150 điếu thuốc thì màu nước trong bình (tượng trưng cho lá phổi con người) đã chuyển từ màu trắng trong sang màu vàng như nước chè pha loãng. Khi đốt đến điếu thứ 380 thì nước đã chuyển thành màu đen đặc như cà phê do do thấm nhựa và sau 400 điếu, nước đen kịt như nước cống. Sau khi tiến hành đun chỗ nước này lên, bốc hơi nước hết, các nhà khoa thu lại được 7,2g nhựa, rất dính và đắng.

Tương tự như vậy, khi hút thuốc, với số lượng đạt như mức thử nghiệm, lá phổi của con người cũng trở nên đen kịt do hắc ín dính chặt. Và đó là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư phổi ngày càng phổ biến hiện nay. Trong khi đó, người nghiện thuốc lá có thể hút 1 bao thuốc (20 điếu) thậm chí nhiều hơn mỗi ngày.

Một báo cáo do Mỹ vừa công bố cũng cho thấy khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học thay vì 4.000 chất được công bố trước đây, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư, đó là axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), phoóc-môn và CO (khí thải ô tô), toluene (dung môi công nghiệp), methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)… Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.

Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện K cho thấy những người hút thuốc trong vòng 6 tháng có khả năng bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Họ cũng chết sớm hơn người không hút đến 20 năm.

Đặc biệt, những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc có nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc. Ngoài ra, trẻ phải ngửi khói thuốc thụ động cũng hay mắc các bệnh lý như viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng, và bị cúm hơn những đứa trẻ không phơi nhiễm.

Sẽ có chế tài mạnh xử phạt vi phạm hút thuốc lá

Từ khi có quyết định xử phạt hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm bị cấm từ năm 2005, rồi đến Quyết định số 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện công ước khung kiểm soát thuốc lá, có hiệu lực từ  ngày 1/1/2010 nghiêm cấm hành vi hút thuốc lá tại nhiều điểm công cộng, nhiều người đã thực sự mong muốn, tin tưởng sẽ có một môi trường công cộng không khói thuốc.

Thế nhưng, người hút thuốc lá tại các nơi công cộng vẫn nhan nhản. Theo ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), hiện Việt Nam là nước có tỉ lệ dân số sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới với 23,8% (15 triệu người). Chưa kể, những người phải ngửi khói thuốc thụ động cũng rất cao. Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2010 tại nước ta cho thấy, 67% những người không hút thuốc bị phơi nhiễm khói thuốc tại nhà, gần 50% phơi nhiễm khói thuốc tại nơi làm việc, phơi nhiễm khói ở các nơi công cộng, cao nhất là ở các nhà hàng, quán giải khát với tỷ lệ gần 90%.
 
Tỷ lệ người chết vì thuốc lá nhiều hơn TNGT và đại dịch AIDS - 2

Ngay tại BV Bạch Mai, người nhà bệnh nhân vẫn thản nhiên hút thuốc. (Ảnh: Quang Phong)

“Và trên thực tế, sau hơn một năm thực hiện quyết định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, đến nay mới chỉ có khoảng 10 trường hợp bị xử phạt vì vi phạm quy định hút thuốc lá nơi công cộng. Nguyên nhân là do không đủ lực lượng thanh tra chuyên ngành để xử phạt và chế tài xử phạt thì quá nhẹ (50.000- 100.000 đồng/lần)”, ông Lý Ngọc Kính, chuyên gia cao cấp văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) nói.

Vì thế, để nhằm hạn chế số người hút thuốc, hiện Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá với những quy định chặt chẽ.

Theo ông Quang, dự thảo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đang được lấy ý kiến sẽ nghiêm cấm sử dụng thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi. người bán hàng bán thuốc lá cho trẻ dưới 18 tuổi, hoặc thuê hay sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá cũng sẽ bị nghiêm cấm. Cùng đó, các địa điểm công cộng sẽ cấm hút thuốc lá hoàn toàn như: khu vực làm việc trong nhà, khu vực sản xuất, dịch vụ trong nhà; khu vực có nguy cơ cháy nổ cao; trong khuôn viên của cơ sở y tế; cơ sở giáo dục mầm non… .

Điểm nổi bật của dự thảo là người đứng đầu các địa điểm công cộng có quy định cấm hút thuốc lá chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm do mình quản lý, điều hành. Nếu người đứng đầu các điểm công cộng này không không làm đúng quy định, vẫn có hiện tượng hút thuốc tại cơ sở mình thì sẽ phạt chủ cơ sở đó. Lúc này mức phạt có thể lên tới cả chục triệu đồng.

Dự thảo luật cũng quy định trên bao thuốc phải ghi rõ hàm lượng hắc ín và nicotine trong một điếu thuốc và đưa ra lộ trình từ ngày 1/1/2013, cảnh báo tác hại của thuốc lá phải chiếm ít nhất 40% diện tích của mỗi mặt chính trước và sau trên tất cả các bao bì thuốc lá.
 
Tỷ lệ người chết vì thuốc lá nhiều hơn TNGT và đại dịch AIDS - 3


Tỷ lệ người chết vì thuốc lá nhiều hơn TNGT và đại dịch AIDS - 4
 Những hình ảnh này sẽ khiến người nghiện thuốc sợ và cảm nhận được chất độc nghê người từ thuốc lá.

Theo bà Bà Lê Việt Hoa, Tổ chức Health Bridge, cảnh báo tác hại thuốc lá bằng hình ảnh “sốc” có tác động rất lớn đến người hút thuốc. Nhờ việc in cảnh báo bằng cả lời và hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá mà mỗi năm các quốc gia như Canada, Úc, Thái Lan, Singapore, Brazil… đã hạn chế được hàng trăm ca tử vong vì thuốc lá đồng thời giúp tăng động lực bỏ thuốc.

Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu Việt Nam cũng áp dụng cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá thì trong nhiều năm tới sẽ giúp giảm được từ 300-700 ca tử vong sớm/năm do hút thuốc lá.

Hồng Hải - Ngọc Nhi