Thuốc lá: Khổ người hút, vạ lây người xung quanh
(Dân trí) - Mặc dù chỉ thị cấm hút thuốc lá nơi công cộng của Bộ Y tế bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2010 song, tại các bến xe ở Hà Nội, người mua cũng lắm, kẻ bán cũng đông, vô tư xả khói vào mọi người xung quanh.
Mặc dù chỉ thị cấm hút thuốc lá nơi công cộng của Bộ Y tế bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2010 song tất cả những người chúng tôi hỏi chuyện đều không quan tâm, không hề biết đến. Những quán có bán thuốc lá vẫn mọc la liệt ven đường, bên hồ, trong các tiệm net, khu công viên giải trí,… Nhiều nhất phải kể đến ở các bến xe - nơi tập trung mật độ người dày đặc. Chỉ tính riêng trong và xung quanh bến xe Mỹ Đình đã có tới khoảng 50 cửa hàng, quán nước có bán thuốc. Trong đó, đối tượng vào mua thuốc lá nhiều nhất là những người ở độ tuổi 18-35. Bác Hiến, một chủ quán ngoài khu vực bến xe trung bình mỗi ngày bán hết gần một cây thuốc cho nhóm tuổi này.
Chỉ một số ít mua cả bao, còn thông thường là mua lẻ, hút tại chỗ. Ở những khu vực khác như cạnh trường học, nhà hát,… lượng quán bán và người mua thuốc lá nhỏ hơn. Tuy nhiên đa số những người hút vẫn là thanh niên đang đi làm hoặc đã bỏ học.
Một chị bán hàng cạnh cổng trường ĐH Thương mại cho hay một tuần chị bán được khoảng 4-5 bao thuốc. Trong số những người mua thuốc có cả sinh viên, phụ nữ nhưng những đối tượng này rất ít.
Tình hình có vẻ khả quan hơn nhưng người viết cũng không tránh khỏi lo ngại trước cảnh 4 thanh niên Đại học Thương mại vừa nói chuyện vừa châm thuốc trong quán. Cạnh đó, 3 thanh niên một trường đào tạo nghề gọi mua bao thuốc.
Cũng không khỏi ngạc nhiên khi loáng thoáng đôi lần chúng tôi bắt gặp một sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngang nhiên xả khói thuốc trên sân trường. Dường như với nhiều thanh niên, hút thuốc lá đã thành nhu cầu bình thường của đời sống, nên họ cứ “vô tư” thỏa mãn nhu cầu ấy như chuyện ăn, mặc, ngủ, nghỉ hàng ngày.
Vừa hút vừa... sợ bệnh
Một anh xe ôm “không nghiện thuốc lá, chỉ nghiện thuốc lào” giới thiệu tôi với anh đồng nghiệp Nguyễn Trần Bình, một người nghiền thuốc lá có hạng. Ngồi trong quán nước nồng nặc mùi khói thuốc lá, thuốc lào, anh Bình tâm sự: “Mỗi ngày anh hút hết khoảng 25 điếu, chủ yếu là thuốc lá nội. Thường thì cứ vào quán uống nước là mua thuốc. Khi nào buồn, ngồi rỗi, hay suy nghĩ là hút, nhất là lúc đánh tá lả lại càng hút “khỏe” theo phản xạ “cứ cháy hết điếu này lại rút tới điếu khác”. Anh cười, vén áo, vỗ bịch bịch vào ngực hỏi tôi: “Em xem anh đã ung thư phổi chưa?”.
Cứ nghĩ anh không sợ nhưng bất chợt anh lại hỏi: “Vẫn chưa sản xuất được thuốc cai phải không em? Dạo này anh cũng định bỏ, vì thường thấy ho khan”.
Còn anh Quân, khoảng 26 tuổi, bán hàng ở vỉa hè đường Lê Đức Thọ, gần Sân vận động Mỹ Đình, cho hay một ngày anh hút hết khoảng một gói thuốc. Có khi hút lúc ngồi một mình, có lúc hút trước mặt vợ và hai đứa con một và ba tuổi. Anh Quân nói: “Cũng bỏ nhiều lần rồi ấy chứ, nhưng không dứt được”.
Mỗi ngày bác Hiến ngồi bán hàng từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối. Trong suốt 12 tiếng đó, không tiếng nào bác không phải hít khói thuốc của khách. Bác bảo: “Cũng sợ lắm, cùng lúc mình hít phải khói của nhiều người chứ đâu chỉ một, nhưng biết sao được, bán hàng thì đành chịu vậy”.
Còn với vợ anh Quân, thấy chồng hút thuốc đôi khi chỉ cằn nhằn rồi lại thôi. Nghĩ thương cho hai đứa con anh, còn đang tuổi bú mớm mà vẫn hàng ngày bị luồng khói thuốc độc hại tràn vào lá phổi non nớt. Cũng chỉ vì người lớn vô tâm....
Vũ Dương Quỳnh
Lớp Báo in K29-A2, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền