Từ “xuất khẩu” cô dâu, Việt Nam có thể sẽ phải “nhập khẩu” vợ cho 4,3 triệu đàn ông

(Dân trí) - Các chuyên gia cảnh báo nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục diễn ra nghiêm trọng như hiện nay thì khoảng 30 năm nữa, Việt Nam sẽ thiếu 2,3-4,3 triệu cô dâu.

Ngày 26/12, tại hội nghị truyền thông về dân số và phát triển, ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cảnh báo về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam.

Theo ông, mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta xuất hiện muộn hơn so với nhiều nước nhưng lại tăng rất nhanh. Năm 2006, tỷ lệ này là 109 bé trai trên 100 bé gái song đến năm 2013 đã là 113 bé trai trên 100 bé gái và đến 2018 có 114,5 bé trai. Hiện nay tỉ lệ này giảm xuống còn 111 bé trai trên 100 bé gái nhưng vẫn ở mức cao.

Từ “xuất khẩu” cô dâu, Việt Nam có thể sẽ phải “nhập khẩu” vợ cho 4,3 triệu đàn ông - 1
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Ảnh minh họa: K.H.

Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính này vẫn tiếp tục diễn ra nghiêm trọng như hiện nay thì đến năm 2050, Việt Nam sẽ dư thừa 2,3 triệu - 4,3 triệu đàn ông. Bài học này có thể nhìn thấy rõ ở nhiều nước láng giềng như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…

Hiện tượng "xuất khẩu" cô dâu ở Việt Nam gần đây đến một số quốc gia châu Á là một trong những hệ lụy trực tiếp của tình trạng thừa nam thiếu nữ.

Mỗi năm, ước tính Việt Nam "xuất khẩu" khoảng 130.000 cô dâu đi Đài Loan, khoảng 180.000 cô dâu đi Hàn Quốc. Trung Quốc là thị trường thu hút cô dâu lớn nhất song không thể thống kê được vì họ đi theo nhiều con đường, trong đó có cả đường tiểu ngạch.

"Các nước ‘nhập khẩu’ cô dâu của Việt Nam nhưng từ năm 2033 trở đi, chính chúng ta phải đi nhập cô dâu. Nhưng ‘nhập khẩu' cô dâu ở đâu? Các nước xung quanh đều có trình độ mặt bằng kinh tế như chúng ta”, ông Tân cho biết.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới khi sinh là tập quán ưa thích con trai theo truyền thống Nho giáo để có con nối dõi, lạm dụng kỹ thuật y học tiến tiến để lựa chọn giới tính khi sinh, chính sách an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, bố mẹ khi về già. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân do hạn chế mức sinh.

"Với sự phát hiện của khoa học đã có những kỹ thuật có thể phát hiện sớm giới tính của thai nhi khi chỉ mới 1-2 tuần tuổi. Vì thế, rất cần có biện pháp ngăn chặn việc nhập khẩu công nghệ chỉ nhằm mục tiêu xác định giới tính thai nhi", chuyên gia nhấn mạnh.

Việt Nam nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi như sàng lọc tinh trùng, siêu âm, chẩn đoán, phá thai vì lý do giới tính… Tuy nhiên, thực tế những sai phạm này vẫn diễn ra nhưng hầu hết không bắt được.

Để giải quyết được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cần sự vào cuộc của cả hệ thống. Tuyên truyền vận động làm thay đổi giá trị về bình đẳng giới, làm thế nào coi con trai cũng như con gái, coi phụ nữ cũng như đàn ông trong mọi mặt xã hội để không lựa chọn giới tính khi sinh… Về lâu dài cần nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm giá trị bình đẳng giới ngày càng cao.

Hà An