Mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng tăng và nghiêm trọng

(Dân trí) - Đó là thông tin được chia sẻ tại hội thảo định hướng công tác truyền thông dân số trong tình hình mới cho phóng viên, cộng tác viên các cơ quan báo chí do Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) tổ chức tại Đà Nẵng, sáng 23/8.

Bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục - cho biết, dân số Việt Nam tăng chậm lại nhưng sẽ đạt 100 triệu dân vào năm 2025. Năm 2014, Việt Nam có 90,7 triệu dân số, là nước đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á, thứ 8 ở Châu Á và thứ 14 trên thế giới. Mật độ dân số đạt 274 người/km2, cao gấp 5 lần mật độ dân số thế giới (53 người/km2).

“Có thể thấy, Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số lớn, mật độ dân số rất cao”, bác sĩ Phương nhận định.

Bác sĩ Phương cũng cho biết, cơ cấu dân số theo tuổi biến đổi nhanh và Việt Nam đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

“Khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi (15-64) đạt khoảng 66% trở lên, tức là khoảng 2/3 dân số trong độ tuổi có khả năng lao động, người ta nói rằng, đây là “cơ cấu dân số vàng”. Theo tiểu chuẩn này, năm 2006, Việt Nam đã bước vào giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”. Dự báo dân số cho thấy, thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 40 năm, tức là sẽ kết thúc khoảng gần giữa thế kỷ này”, bác sĩ Phương nói.

Bác sĩ Phương cũng cho hay, cơ cấu dân số vàng mang lại nhiều “dư lợi” về lao động nhưng cũng là thách thức về tạo việc làm và việc làm có năng suất, thu nhập cao.

Bên cạnh đó, dân số Việt Nam cũng đã bước vào quá trình già hóa và Việt Nam sớm trở thành nước có dân số già. Việt Nam đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” vào năm 2011, khi tỷ lệ những người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% tổng dân số và sẽ trở thành nước có “dân số già” vào khoảng những năm 2032. Điều đáng chú ý là quá trình già hóa của nước ta diễn ra chỉ trong vòng khoảng 20 năm (2012 -2032) là đã đạt đến ngưỡng “dân số già”.

Bác sĩ Phương cũng thông tin, tình trạng biết trước giới tính thai nhi ngày càng phổ biển. Mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng. Năm 2013, tỷ lệ phụ nữ mang thai biết trước giới tính thai nhi là 83%. Trong đó, thành thị là 85,1%, nông thôn: 82%. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng tăng và đã ở mức nghiêm trọng. Tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ em trai tương ứng với 100 trẻ em gái) khá cao. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở, năm 2009 thì tỷ số này là 110,6 trai/100 bé gái. Năm 2014, đã tăng lên 112,2, riêng đồng bằng sông Hồng lên tới 118 bé trai/100 bé gái.

Cũng theo bác sĩ Phương, tỷ lệ dân thành thị thấp. Năm 2014, tỷ lệ dân số đô thị của thế giới là 53%. Các nước đã phát triển 78%, Châu Phi thấp nhất cũng đạt 40%. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ đạt 33%. Tuy nhiên, công nghiệp hóa và kinh tế thị trường đang thúc đẩy di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

"Giai đoạn 1994 - 1999 đã góp phần làm tăng tỷ lệ dân số thành thị trong khoảng 15 năm trở lại đây và đẩy mạnh xu hướng tích tụ dân số vào một số thành phố/vùng lãnh thổ: Đông Nam Bộ, năm 1979 chỉ có 7 triệu người, chiếm 5,7% dân số cả nước thì nay, các con số tương ứng là 15,7% triệu dân và 7,4%", bác sĩ Phương cho biết.

Khánh Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm