“Tự hào vì thế giới đến Việt Nam học hỏi về y học”!

(Dân trí) - Chia sẻ sau khi nhận giải Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực Y Dược, PGS.TS Trần Ngọc Lương cho biết, ông thấy rất tự hào về nền y học nước nhà, bởi nền y học của Việt Nam ngày càng được quốc tế công nhận.

Từ chỗ Việt Nam phải sang nước ngoài học, thì nay, ngày càng nhiều kỹ thuật của Việt Nam được bạn bè thế giới đến để học hỏi, trong đó có phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp do ông là chủ đề tài, vừa nhận giải Nhân tài đất Việt 2014 trong lĩnh vực y dược.

PGS.TS Trần Ngọc Lương. Ảnh: H.Hải

PGS.TS Trần Ngọc Lương. Ảnh: H.Hải

PGS.TS Trần Ngọc Lương, Phó giám đốc phụ trách điều hành bệnh viện Bệnh viện Nội tiết trung ương, chủ công trình khoa học “Phẫu thuật nội soi tuyến giáp” trao đổi với phóng viên Dân trí, ngay sau khi được vinh danh ở hạng mục đặc biệt này.

Thưa ông, được trao giải Nhân tài đất viện trong lĩnh vực Y Dược cho đề tài phẫu thuật nội soi tuyến giáp, cảm xúc của ông như thế nào?Ông đánh giá như thế nào về trình độ phẫu thuật tuyến giáp nói riêng, ngoại khoa cũng như nền y học của Việt Nam so với thế giới?

Được nhận giải Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực Y Dược năm 2014 cho đề tài này, tôi thấy rất tự hào. Tự hào không chỉ vì giải thưởng đã đánh giá đúng khách quan, giá trị của đề tài, khi mà lần đầu tiên tại Việt Nam, BV Nội tiết Trung ương thực hiện được kỹ thuật này, dù trước đó chúng ta chưa từng được đi đào tạo, học hỏi bạn bè quốc tế về mổ nội soi tuyến giáp.

PGS.TS Trần Ngọc Lương. Ảnh: H.Hải

TS Lương (bên trái) hướng dẫn mổ nội soi tuyến giáp cho học viên là các bác sĩ  đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: T.N

Tự hào hơn nữa, đó là về sự tiến bộ của nền y học nước nhà. Từ trước đến nay, chúng ta chủ yếu đi học ở nước ngoài về các kỹ thuật mổ cũng như các lĩnh vực khác trong ngành y dược, giờ ngược lại, rất nhiều giáo sư, bác sĩ đến từ các nước tiên tiến sang Việt Nam học hỏi về y học. Trong kỹ thuật nội soi tuyến giáp của tôi, đã có rất nhiều giáo sư, bác sĩ đến từ các nước tiên tiến nhất như Úc, Singgapo, Ấn Độ, Malysia, kể cả Bồ Đào Nha cũng sang BV Nội tiết học về kỹ thuật này.

Trong thực tế chữa các bệnh lý về tuyến giáp, chuyển giao kỹ thuật nội soi tuyến giáp bằng kỹ thuật này, ông nhận được phản hồi như thế nào của bệnh nhân, của các học viên Việt Nam và thế giới? Ông đánh giá như thế nào về xu hướng người Việt ra nước ngoài chữa bệnh, khi mà trình độ y học của Việt Nam đã ngang ngửa thế giới?

Trước đây cũng như hiện nay có rất nhiều bệnh nhân đi sang nước ngoài điều trị, như Singgapore Thái Lan để mổ, chữa bệnh. Trong khi đó, Việt Nam cũng rất nhiều bác sĩ giỏi, có nhiều dụng cụ, phương tiện để điều trị, chữa bệnh được tốt không kém gì nước ngoài, thậm chí có nhiều mặt nổi trội. Như về phẫu thuật ngoại khoa Nhi, phẫu thuật ngoại khoa tại BV Việt Đức, hay với phẫu thuật nội soi tuyến giáp tại BV Nội tiết Trung ương, thế giới rất ghi nhận trình độ của bác sĩ Việt.

Trong quá trình điều trị người bệnh, tôi gặp không ít các trường hợp bệnh nhân sang Singapo khám, đề nghị phẫu thuật nội soi về tuyến giáp, thì được chính bác sĩ ở đây tư vấn lại, hãy nên về Việt Nam để mổ, vì chính bản thân họ  đã họ học phương pháp của Việt Nam.

Nội soi tuyến giáp tại BV Nội tiết Trung ương, người bệnh chỉ phải trả với chi phí rẻ (khoảng 400 USD so với thế giới từ 7.000 - 10.000 USD) mà vẫn mang lại hiệu quả điều trị cao với người bệnh. Bởi đây là phương pháp vừa dễ làm, đơn giản, dễ thực hiện, nhanh, hiệu quả, an toàn và chi phí rẻ. Đến nay, chúng tôi đã chữa trị cho hơn 3.500 người bệnh. Nhiều năm nay đã có hàng trăm GS, BS của các nước có nền y học phát triển như Australia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ… sang Việt Nam để học kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp.

Vì thế, tôi cũng như tất cả các sĩ trong ngành luôn mong muốn người bệnh đánh giá đúng giá trị của các kỹ thuật y tế tại Việt Nam, bệnh nhân không đi nước ngoài chữa bệnh, vừa giữ nguồn tài chính cho người bệnh, đảm bảo hiệu quả điều trị, vừa giữ nguồn tài chính cho đất nước.

Được vinh danh ở giải thưởng cao quý này, ông có mong muốn, gửi gắm gì ở thế hệ bác sĩ trẻ hiện nay, thưa ông?

Nhận được giải thưởng, có nghĩa là xã hội đã công nhận giá trị đề tài của mình. Đồng thời, đây là giải thưởng mà công sức phải nói là rất nhiều năm, không chỉ được Việt Nam mà thế giới công nhận. Tôi mong muốn các bác sĩ trẻ sẽ cố gắng tiếp bước đàn anh. Bây giờ điều kiện kinh tế tốt hơn đời chúng tôi, mong các bác sĩ trẻ tiếp tục phát huy những thành tựu của thế hệ đi trước, làm sao để nền y học Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, sánh với thế giới.

Ngay bản thân tôi cũng sẽ luôn cố gắng nỗ lực, tìm tòi để ngày càng tìm ra những phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh. Ví như trong đề tài “Ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý tuyến giáp”, ở những ngày đầu còn rất nhiều khó khăn, chỉ ứng dụng cho những bướu nhỏ, sau đó phát triển mổ bướu lớn; từ mổ nội soi một bướu đến mổ nhiều bướu và giờ là nội soi cho cả những bệnh nhân ung thư di căn hạch cũng có thể nạo vét hạch, cắt toàn bộ tuyến giáp bằng nội soi, với đường mổ chưa qua 1cm ở ổ nách.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hải (thực hiện