TPHCM: Một bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết

(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết, biến chứng suy đa tạng, một bệnh nhân ngụ tại quận Gò Vấp không qua được nguy kịch. Sốt xuất huyết đã tăng 89% so với cùng kỳ năm trước, ngành y tế khuyến cáo cộng đồng chủ động phòng bệnh.

Thông tin từ Sở Y tế thành phố ngày 10/5 cho hay, trên địa bàn vừa có thêm một bệnh nhân ngụ tại phường 10, quận Gò Vấp tử vong vì mắc sốt xuất huyết. Đây là trường hợp thứ hai chết vì căn bệnh này tính từ đầu năm 2016 đến nay tại TPHCM.

Từ đầu năm đến nay tại TPHCM đã có 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết
Từ đầu năm đến nay tại TPHCM đã có 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết

Số liệu thống kê của Sở Y tế cho thấy, tuần qua trên toàn thành ghi nhận 122 ca bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Cộng dồn từ đầu năm đến nay đã có 7.208 trường hợp mắc bệnh, số ca bệnh đã tăng 89% so với cùng kỳ năm 2015.

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, cao điểm của bệnh thường rơi vào mùa mưa. Tuy nhiên, thực tế bệnh khoảng 3 năm qua tại khu vực phía Nam cho thấy, sốt xuất huyết đang hoành hành dữ dội ngay trong thời điểm mùa khô. Phân tích của các chuyên gia y tế thuộc lĩnh vực dự phòng chỉ ra, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đô thị hóa, di dân… là những nguyên nhân chính khiến sốt xuất huyết lưu hành trên diện rộng.

Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, sở y tế kêu gọi cộng đồng tích cực thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt. Người dân cần phối hợp với chính quyền và y tế địa phương trong công tác phun hoá chất diệt muỗi. Khi phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh sốt xuất huyết như sốt cao liên tục trên 2 ngày kèm theo một trong các triệu chứng: nhức đầu, đau cơ khớp, nổi ban, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng... phải nhanh chóng đưa người bệnh đi khám, điều trị và thông báo cho trạm y tế địa phương.

Cùng với sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng cũng đang ở mức cao. Tuần qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận 105 trẻ bị tay chân miệng phải nhập viện điều trị. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số ca bệnh tay chân miệng tại thành phố là 1.406 trường hợp, bệnh giảm 36% so với cùng kỳ năm trước, song Sở Y tế khuyến cáo người dân không lơ là các biện pháp phòng bệnh.

Cộng đồng cần thực hiện triệt để phương châm 3 sạch gồm: ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Người chăm sóc trẻ và trẻ cần rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, ăn chín, uống chín. Thường xuyên lau chùi bề mặt tường, sàn nhà, đồ vật, tay nắm cửa, vịn cầu thang đặc biệt là đồ chơi, vật dụng học tập của trẻ bằng dung dịch tẩy rửa, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám và thông báo cho y tế địa phương. Đối với trẻ đang đi học bị nhiễm bệnh, phụ huynh cần thông báo cho nhà trường, cho trẻ nghỉ học, chăm sóc sức khỏe đến khi hết bệnh mới đi học trở lại để tránh lây lan tay chân miệng cho nhóm trẻ trong trường.

Vân Sơn