TP HCM: Thiếu nữ 16 tuổi tử vong vì sốt xuất huyết
(Dân trí) - Thiếu nữ ngụ tại quận 7 đã tử vong vì sốt xuất huyết. Bệnh đang tăng nhanh khiến hàng loạt trường hợp phải nhập viện. Dự báo, sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Ngày 5/9, BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, TP HCM cho biết, trên địa bàn thành phố đã có 1 trường hợp tử vong vì mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân cô gái 16 tuổi, ngụ tại quận 7 nhập viện trong tình trạng sốc nặng, suy đa cơ quan. Các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa, tuy nhiên bệnh nhân không qua được nguy kịch.
Hiện khu vực Nam Bộ nói chung và TP HCM nói riêng đã tiến sâu vào mùa mưa. Thời tiết mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển. Tính đến hết tháng 8, toàn thành phố đã ghi nhận 12.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6.589 bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú.
Theo BS Hồng Nga, giai đoạn cao điểm của bệnh sốt xuất huyết tại TPHCM thường bắt đầu từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau, đỉnh dịch diễn ra trong tháng 11 và tháng 12. Dự báo trong những tuần tới số ca bệnh sốt xuất huyết hàng tuần sẽ tiếp tục tăng theo mùa để chuẩn bị bước vào đỉnh dịch.
Đến nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin dự phòng. Để tránh nguy cơ mắc sốt xuất huyết giải pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng là phương án hiệu quả nhất trong việc phòng bệnh. Tuy nhiên, với tình trạng đô thị hóa kéo theo ô nhiễm môi trường, tình trạng di biến động dân cư và tác động tiêu cực của thời tiết đang khiến cho việc phòng bệnh trở nên rất khó khăn tại các đô thị đặc biệt là TP HCM.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố kêu gọi người dân nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ sốt xuất huyết đang gia tăng. Mỗi người, mỗi nhà hãy dành 15 phút mỗi tuần để vệ sinh môi trường quanh nơi mình sinh sống, làm việc; lật úp tất cả các vật dụng chứa nước sạch không sử dụng đến; đậy kín bồn chứa nước, lu chứa nước sinh hoạt; thả cá 7 màu vào các bồn chứa nước sạch để chúng tiêu diệt lăng quăng; tăng cường diệt muỗi bằng bình xịt, xua đuổi bằng kem chống muỗi, ngủ màn…
Khi có biểu hiện sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan mà cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời. Những trường hợp mắc sốt xuất huyết thường đối mặt với nguy cơ sốc, suy đa cơ quan ở ngày thứ 5 đến ngày 7 của bệnh, thời điểm bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt. Hiện nay, dịch Covid-19 đang được kiểm soát khá tốt, tại các bệnh viện đều có hệ thống sàng lọc, hạn chế nguy cơ lây nhiễm nên người bệnh có thể an tâm đến thăm khám và điều trị.
Trường hợp được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, có chỉ định điều trị tại nhà, bệnh nhân cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ. Nếu thấy mệt nhiều, đau bụng, sốt cao, ói ra máu, tay chân lạnh, đi cầu phân đen, xuất huyết chân răng, xuất huyết âm đạo (ở nữ giới)… cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.